Từ ngày 11 đến 13/10 tới đây, TP.Hà Nội sẽ tổ chức Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Hà Nội tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô. Phiên trù bị diễn ra ngày 11/10.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn khẳng định, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ TP.Hà Nội đã hoàn thành các mục tiêu nhiệm kỳ với nhiều dấu ấn nổi bật. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô. Đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội lần thứ XVII đã hoàn tất với sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Đối với công tác chuẩn bị Văn kiện của Đại hội, đã hoạch định mục tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng, sâu sát kết quả của nhiệm kỳ vừa qua. Công tác chuẩn bị Văn kiện là một nét mới của Đại hội lần này trên cơ sở kế thừa, phát huy kinh nghiệm công tác chuẩn bị văn kiện trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua.
Văn kiện phục vụ Đại hội đã có sự đóng góp tích cực của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là sự tham gia đóng góp của các bộ, ban, ngành T.Ư ý kiến trực tiếp của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của tập thể Bộ Chính trị. Các nội dung văn kiện trình Đại hội được tiếp thu đầy đủ nhất.
Một điểm mới tại Đại hội lần này là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội sẽ được đưa ra thảo luận trực tiếp tại Đại hội. Cùng đó, Đại hội sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả của nhiệm kỳ trước, có tầm nhìn gắn với những mốc lịch sử quan trọng của đất nước đến năm 2030, 2045. Chủ đề của Đại hội cũng đã thể hiện được tinh thần đổi mới, kế thừa, phát triển và yêu cầu đòi hỏi trong nhiệm kỳ mới đó là tinh thần gương mẫu của Đảng bộ Hà Nội.
"Sau Đại hội, việc triển khai những chương trình công tác, chủ trương quyết sách sẽ được triển khai để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, trên tinh thần khơi dậy ý chí và phát huy truyền thống Hà Nội ngàn năm văn hiến" - ông Toàn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Tiểu ban biên tập Văn kiện Đại hội) nhấn mạnh: Văn kiện của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP.Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được chuẩn bị rất bài bản, công phu.
Cụ thể, Hà Nội đã tổ chức 10 hội nghị xin ý kiến vào Dự thảo lần hai Báo cáo chính trị. Dự thảo cũng đã được tiếp thu, cập nhật các nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. "Văn kiện đã kết tinh được trí tuệ và ý chí của toàn Đảng bộ, Nhân dân Thủ đô" - ông Phong nói và cho rằng, khi xây dựng Dự thảo Văn kiện, Hà Nội xác định không cạnh tranh trong nước mà vươn ra cạnh tranh với khu vực và quốc tế.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Hà Nội đặt mục tiêu năm 2025 trở thành TP có sức cạnh tranh cao trong khu vực, năm 2030 ở tầm châu lục và đến năm 2045 là TP lớn trên thế giới, có tính kết nối toàn cầu.
Tương ứng với lộ trình trên, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 GRDP bình quân đầu người đạt 8.300-8.500 USD, năm 2030 là 12.000-13.000 USD và năm 2045 đạt trên 36.000 USD.
Lý giải mục tiêu nâng GRDP bình quân đầu người tăng gần 3.000 USD trong nhiệm kỳ tới (năm 2020 dự kiến đạt 5.700 USD), ông Phong cho biết, có nhiều tiêu chí làm căn cứ xây dựng mức tính của mỗi địa phương như cơ cấu, tốc độ phát triển kinh tế, số lượng dân cư.
Dân số Hà Nội trong năm 2019 là trên 8 triệu người. Trung bình mỗi năm gia tăng dân số cơ học hơn 200.000 người. Như vậy trong 5 năm tới thêm một triệu người, nâng tổng số dân lên gần 10 triệu.
"Chỉ cần tăng 100 USD/người đã là con số rất lớn" ông Phong nói và nhấn mạnh rằng Hà Nội hướng đến GRDP bình quân đầu người đạt 8.300-8.500 USD vào năm 2025 là "chỉ tiêu rất cao", đòi hỏi phải nỗ lực cố gắng mới đạt được.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Thủ đô trong nhiệm kỳ tới, dự thảo văn kiện đại hội nêu ba khâu đột phá với kỳ vọng sẽ gỡ được những nút thắt giúp Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Đó là, ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, bao gồm hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất; hạ tầng kinh tế xã hội, công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số.
Thứ hai là khâu đột phá về thể chế, cơ chế, chính sách. T.Ư đã cho Hà Nội thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị từ 2021. Cùng đó, T.Ư cũng thống nhất trên cơ sở đề xuất của Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để tạo cơ chế phù hợp cho thành phố phát triển. Tại nhiệm kỳ tới, TP sẽ tăng cường phân cấp, uỷ quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo để phát huy hết nguồn lực, sự năng động của chính quyền cơ sở.
Khâu đột phá thứ ba, TP.Hà Nội tiếp tục nâng cao nguồn chất lượng nhân lực gắn với áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đưa khoa học công nghệ thành động lực phát triển gắn với kinh tế số; xác định đưa văn hoá và con người Hà Nội thực sự trở thành một nguồn lực quan trọng mang tính quyết định đến sự phát triển của Thủ đô.