Dân Việt

Tỷ lệ người dân phải “bôi trơn” khi làm sổ đỏ giảm 34% so với năm 2015

Hoàng Hưng 07/10/2020 10:45 GMT+7
Theo báo cáo PAPI 2019, tỷ lệ người dân phản ảnh phải "bôi trơn" khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giảm 34% so với năm 2015. Mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ này tăng 13% so với năm 2016.

Tại Hội nghị "Tác động của chính sách đất đai đối với thị trường bất động sản", vừa diễn ra sáng 7/10, ở TP.HCM, ông Chu Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, thuộc Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho biết: Thời gian qua, những cải cách trong thủ tục hành chính về đất đai trên cả nước đã đem lại hiệu quả tích cực cho kinh tế - xã hội, được xã hội ghi nhận.

Theo báo cáo PAPI 2019, tỷ lệ người dân phản ảnh phải "bôi trơn" khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giảm 34% so với năm 2015. Mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ này tăng 13% so với năm 2016.

Người dân phải “bôi trơn” khi làm sổ đỏ giảm 34% so với năm 2015 - Ảnh 1.

Tệ nạn "bôi trơn" khi làm sổ đỏ cho người dân đã giảm hẳn. Ảnh: T.L

Mặt khác, tỷ lệ người dân phản ánh không phải đi qua nhiều cửa khi làm thủ tục cấp sổ đỏ đạt 80,72%. Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công về đất đai tăng đều qua 3 năm. Nhiều địa phương không có hồ sơ chậm, muộn, quá hạn, hoặc tỷ lệ quá hạn dưới 0,5%.

Đặc biệt, theo ông Sơn, việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai ở các địa phương, đã giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thực hiện cải cách hành chính một cách mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực đất đai liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Tại những địa phương đã thành lập Văn phòng, một số thủ tục hành chính được lồng ghép hoặc liên thông, nên chỉ còn 41 thủ tục (trong khi ở các nơi chưa thành lập Văn phòng là 62 thủ tục). Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ cũng giảm từ 5-25 ngày so với trước đây.

Người dân phải “bôi trơn” khi làm sổ đỏ giảm 34% so với năm 2015 - Ảnh 3.

Quang cảnh người dân làm thủ tục về đất đai ở TP.HCM. Ảnh: S.G

Hơn nữa, kể từ khi Văn phòng đăng ký đất đai được thành lập, nguồn thu từ đất (bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, phí, lệ phí do Văn phòng đăng ký đất đai trực tiếp thu hoặc làm các thủ tục chuyển cơ quan thuế, kho bạc nhà nước để thu) cho ngân sách nhà nước liên tục tăng.

Tính đến cuối năm 2019, sau gần 6 năm triển khai thực hiện quy định về việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, đã có 57/63 tỉnh – thành đã thành lập Văn phòng; Văn phòng có gần 12,7 ngàn người (trung bình mỗi tỉnh – thành có khoảng 200 người). Tổng nguồn thu của Văn phòng đăng ký đất đai trong 3 năm (2015 -2017) đạt 3.857,4 tỷ đồng.