Nhiều ngày qua, tại các tuyến đường như: ĐT743, Mỹ Phước – Tân Vạn, 22 Tháng 12, Lê Thị Trung và Bùi Thị Xuân, ngang qua địa bàn phường An Phú, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương, liên tục xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ kéo dài suốt nhiều giờ khiến nhiều người dân, tài xế phải lắc đầu ngao ngán khi lưu thông qua đây.
Theo ghi nhận thực tế, tại các tuyến đường nói trên xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ kéo dài từ khoảng 6h sáng đến trưa và từ khoảng 16h đến 21h mỗi ngày. Tình trạng này đã kéo dài nhiều tháng qua.
Đoạn từ ngã sáu An Phú của TP.Thuận An đến cầu vượt Sóng Thần TP.Dĩ An cũng bị ùn ứ nghiêm trọng. Người đi xe máy bất chấp nguy hiểm cắt mặt xe container, xe tải để sang đường.
Các tuyến đường giao nhau với ĐT 743 cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể điểm giao nhau với đường Mỹ Phước – Tân Vạn, đường Bùi Thị Xuân, đường 22 Tháng 12… các phương tiện cũng phải nối đuôi nhau nhích từng chút một qua khu vực này.
Cũng theo ghi nhận, khi xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, lượng lượng CSGT, Công an, dân phòng và bảo vệ dân phố đều được điều động ra tại khu vực này để điều tiết, hướng dẫn các phương tiện lưu thông qua khu vực. Tuy nhiên, tình hình kẹt xe vẫn không có xu hướng giảm do lượng phương tiện đổ về khu vực này quá đông.
Đặc biệt, nhiều người dân, người lái xe ôm công nghệ cũng tranh thủ ra phân làn, điều tiết các phương tiện giúp lực lượng CSGT để phần nào đó giải toả ùn tắc cho khu vực này.
Anh Tôn Đức Ngọc, tài xế xe đầu kéo container cho biết, bãi xe của công ty anh nằm tại phường An Phú nên mỗi ngày anh phải qua lại khu vực nút giao này ít nhất 2 lần.
"Cả tháng nay, tình trạng kẹt xe cục bộ tại nút giao An Phú vẫn không hề thuyên giảm. Có nhiều bữa tôi phải tranh thủ đi từ lúc 3h sáng để tránh kẹt xe nhằm kịp chuyển hàng cho công ty", anh Ngọc chia sẻ.
Theo lực lượng CSGT, nguyên nhân trực tiếp khiến con đường này kẹt xe, ùn ứ kéo dài do lượng container chở hàng hóa về các công ty, trung tâm Logistics ở hai bên đường ĐT 43 quá lớn, lại đổ về cùng lúc. Phía trong công ty không đủ chỗ để các container vào dỡ hàng hóa, nên các xe phải đậu chờ ở hai bên đường. Bên cạnh đó, do ý thức chấp hành luật của các tài xế thấp cũng khiến tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng.
Được biết, đường ĐT743 đoạn qua nút giao An Phú là điểm nóng về tai nạn giao thông và kẹt xe. Do nhiều tai nạn chết người xảy ra trên đường này nên người dân xem đây như tuyến đường "tử thần". Tình trạng kẹt xe, ùn ứ ở đường này diễn ra nhiều năm nay. Tỉnh Bình Dương đã lập dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường này, tuy nhiên từ khi khởi công đến nay đã 5 năm, tuyến đường này vẫn chưa hoàn thành.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 15 – HĐND tỉnh Bình Dương khoá IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã gửi tờ trình, đề nghị HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT 746, ĐT 747B và ĐT 743, theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn đầu tư là 9.623 tỷ đồng.
Quy mô dự án gồm 4 tuyến đường. Trong đó, đường Mỹ Phước – Tân Vạn đoạn từ Km0+000 đến Km62+430 và đoạn vuốt vào đường ĐT743A sẽ xây dựng 6 cầu vượt trên tuyến chính, 6 hầm chui trên tuyến chính, 15 hầm chui ngang, 28 cầu vượt dành cho người đi bộ, 7 đường gom dân sinh, duy tu sửa chữa mặt đường lớn bị sụt lồi, hằn lún và xây dựng trạm thu phí An Phú. Thời gian thu phí để hoàn vốn cho dự án sẽ là 30 năm.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua (ngày 17/7), dự kiến thu phí trên đường Mỹ Phước-Tân Vạn có giá vé thấp nhất là 20.000 đồng/lượt (trong thời gian từ 2020 - 2025) và tăng trong 5 năm tiếp theo (2025 - 2030).
Trong tổng số kinh phí 9.623 tỷ đồng có chi phí dự kiến xây dựng trạm thu phí là 48 tỷ đồng, sửa chữa mặt đường 613 tỷ đồng, xây cầu vượt và hầm chui 3.602 tỷ đồng, chi phí lãi vay 1.034 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 1.238 tỷ đồng…
Đường Mỹ Phước – Tân Vạn có chiều dài 62km nối từ huyện Bàu Bàng đến Quốc lộ 1A . Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, vận tốc thiết kế 80km/giờ, mặt cắt 32m, 6 làn xe.
Đây được mệnh danh là "con đường tơ lụa" của tỉnh Bình Dương kết nối với TP.HCM, Đồng Nai và Bình Phước. Tuyến đường được đầu tư với tổng là 3.500 tỷ đồng do BECAMEX IDC CORP làm chủ đầu tư.
Tuyến đường này dù mới được đưa vào sử dụng nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng vệt hằn lún, trồi sụt nhựa tại mặt đường chính. Đặc biệt, người dân luôn ám ảnh bởi cảnh kẹt xe, ùn tắc kéo dài và tai nạn xảy ra thường xuyên trên tuyến đường này.