Chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cứ mỗi buổi sáng và giờ tan tầm là tấp nập. Các con đường nhỏ chạy ngang chợ đông kín, phương tiện phải nhích từng chút một vì hoạt động mua bán rau củ quả, thịt cá quá nhộn nhịp.
Bà Thu Hồng - một tiểu thương bán rau củ, cho biết nhu cầu mua thực phẩm tại chợ của người dân vẫn rất cao, nhất là cuối tuần và dịp lễ Tết.
"Những ngày đó phải lấy hàng gấp 2-3 lần nhưng đều bán hết. Tôi vẫn bán rất tốt hơn chục năm qua, hiếm khi nào ế. Khách thích mua hàng ở chợ vì nó tiện, đang cần mua gì thì cứ dừng lại, tôi cân theo yêu cầu rồi treo lên xe luôn cho khách chứ không phải gửi xe, gửi giỏ mất thời gian", bà Hồng nói.
Các con đường Vũ Tùng, Võ Trường Toản, Bùi Hữu Nghĩa xung quanh là một sự bùng nổ về cửa hàng tạp hóa, tiệm này sát vách tiệm kia nhưng hầu như lúc nào cũng có khách. Khách hàng là các gia đình lân cận, họ có nhu cầu mua bất cứ thứ gì tiệm tạp hóa cũng đều cung ứng.
Cách chợ Bà Chiểu hơn chục km, khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) cho thấy rõ nhất sự nhộn nhịp của loại hình bán lẻ truyền thống là chợ và tiệm tạp hóa.
Đây là ngôi chợ không tên. Từ 15h, các con đường xung quanh khu công nghiệp bắt đầu nhộn nhịp, hàng trăm người kéo đến để họp chợ, họ bày la liệt thực phẩm, rau củ quả, thịt cá chờ công nhân. Chỉ 1 giờ đồng hồ sau, hàng nghìn công nhân đổ ra và họ bắt đầu kéo đến chợ, mua tất tần tật thực phẩm chuẩn bị bữa cơm tối. Trong nhà đang thiếu loại gia vị gì, họ ghé luôn một trong số hàng loạt tiệm tạp hóa cũng khu này để mua.
Chị Ngọc Dung - chủ một tiệm tạp hóa có mặt bằng vừa hơn 20 m2, cho biết hồi giữa năm do Covid-19, nhiều công nhân bị cắt giảm giờ làm, mất việc nên bán ít hơn. Tuy nhiên, chị lạc quan tình hình đã ổn định trở lại và tiệm tạp hóa đang bán rất tốt, chiều đến là huy động cả chồng và con gái cùng vào cuộc.
"Không giấu gì, tôi là cử nhân kinh tế, tốt nghiệp đại học xong, có đi làm cho một công ty nhưng thu nhập thấp quá, chỉ vài triệu đồng nên quyết định nghỉ làm. Bán tạp hóa nhưng thu nhập của tôi hiện nay tốt hơn nhiều người bạn đi làm văn phòng, thậm chí chức trưởng phòng", dù không tiết lộ thu nhập cụ thể nhưng bà chủ trẻ cho rằng quyết định của mình là đúng.
Theo báo cáo gần nhất của McKinsey&Company, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Cụ thể, thị trường bán lẻ Việt có doanh thu hàng năm khoảng 108 tỷ USD, dự báo sẽ tăng trưởng lũy kế khoảng 7,3%/năm trong giai đoạn 5 năm tới.
McKinsey&Company cũng chỉ ra tạp hóa và thực phẩm là mặt hàng chiếm thị phần lớn nhất của thị trường bán lẻ Việt, lên đến 44% và càng có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Một khảo sát của Nielsen cho thấy có đến 9/10 người được hỏi thích mua nhu yếu phẩm tại tiệm tạp hóa vì giá rẻ và gần nhà. Kênh bán lẻ truyền thống nói chung hiện nay gồm chợ và cửa hàng tạp hóa chiếm tới 80% doanh thu ngành bán lẻ.
Nhìn vào kết quả này, "chiếc bánh" bán lẻ vẫn đang do kênh truyền thống nắm giữ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, tương lai, kênh bán lẻ truyền thống sẽ đối mặt với nhiều thách thức và thị phần sẽ bị kéo giảm bởi kênh mua sắm hiện đại, gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…
"Nếu nhìn tổng thể, kênh bán lẻ truyền thống vẫn giữ chủ đạo. Thống kê của chúng tôi về hàng tiêu dùng nhanh thì các kênh bán lẻ truyền thống hiện chiếm 80% doanh thu, tuy nhiên tăng trưởng lại không cao. Doanh thu bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 17% nhưng tăng trưởng đến 19%", Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam - bà Đặng Thúy Hà, nói.
Chuyên gia cho rằng thị trường bán lẻ của Việt Nam đang rất sôi động và tiềm năng, bởi khi thu nhập của người dân ngày càng tăng, họ có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm thuộc nhóm tiêu dùng và thực phẩm hàng ngày.
Từ kết quả và xu hướng tiêu dùng, bà Đặng Thúy Hà nhận định kênh bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai, nhất là khi nhu cầu của khách hàng đang chú ý đến những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng.