Dân Việt

Lao động, doanh nghiệp gặp khó vì thiếu thông tin thị trường

Thùy Anh (thực hiện) 10/10/2020 06:00 GMT+7
Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, việc tạo ra hệ thống thông tin thị trường lao động với những dữ liệu đa dạng là cách để giúp lao động, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo vượt qua khủng hoảng.
Lao động, doanh nghiệp gặp khó vì thiếu thông tin thị trường - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương (ảnh) - chuyên gia lao động và việc làm, nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo NTNN.

Bà đánh giá như thế nào về hệ thống thông tin thị trường lao động hiện nay ở Việt Nam?

- Hiện nay Bộ LĐTBXH; Tổng cục Thống kê... và nhiều đơn vị đã tham gia xây dựng thông tin về thị trường lao động. Các thông tin này được cập nhật qua bản tin thị trường lao động và chương trình tuyển dụng việc làm ở các đơn vị dịch vụ công. Tuy nhiên lượng thông tin còn ít, chưa đa dạng. Đặc biệt thông tin còn thiếu tính kết nối. Tức là mới thiên về công bố thực trạng, số liệu, phân tích số liệu mà chưa đưa ra được dự báo về xu hướng việc làm, hay tạo tính kết nối giữa các đơn vị đào tạo với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo với thị trường lao động.

Lao động, doanh nghiệp gặp khó vì thiếu thông tin thị trường - Ảnh 2.

Doanh nghiệp và người lao động rất cần thông tin về thị trường lao động (Ảnh người lao động tìm kiếm việc làm tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội). Ảnh: M.N

Nhìn chung lượng thông tin vĩ mô về thị trường lao động có nhiều, tuy nhiên thông tin cụ thể về thị trường lao động thì còn thiếu, yếu.

Nói như vậy, có nghĩa thông tin về thị trường lao động của chúng ta đang quá yếu?

- Tôi không khẳng định là nó quá yếu, thế nhưng rõ ràng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng như người lao động, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo trong thị trường lao động. Hiện tại các thông tin vĩ mô về thị trường lao động đã có, thế nhưng những thông tin cụ thể lại rất ít, chưa rõ ràng.

Lao động, doanh nghiệp gặp khó vì thiếu thông tin thị trường - Ảnh 3.

Ví dụ, thông tin về nhu cầu tuyển dụng từng ngành nghề, trình độ, chất lượng, mong đợi của doanh nghiệp... chưa được đề cập nhiều qua thông tin thị trường lao động chính thống. Chính bởi vậy, việc đào tạo và nhu cầu của thị trường vẫn vênh nhau, các doanh nghiệp không thể chấp nhận nguồn lao động và phải tự đào tạo. Theo nghiên cứu, có tới 30% số doanh nghiệp phải tự đào tạo lại lao động. Với người lao động, vì thiếu thông tin về thị trường lao động, như thông tin nhu cầu tuyển dụng, trình độ, vị trí tuyển dụng, đòi hỏi của doanh nghiệp... mà họ khó có thể kết nối, nâng cao kỹ năng nghề để tìm kiếm một công việc phù hợp.

Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế này do đâu?

- Dữ liệu thông tin thị trường lao động của chúng ta còn thiếu và yếu bởi vì việc khai thác nguồn tin này chưa tốt. Hiện nay chúng ta chỉ trông chờ vào các con số của Tổng cục Thống kê. Trong khi đó, chúng ta không có phần mềm cập nhật dữ liệu online, dữ liệu "tươi". Việc này Bộ Y tế đã làm rất tốt, qua đợt đại dịch vừa qua. Họ có thể khai báo y tế online, qua đó kiểm soát thông tin dân cư.

Bộ Y tế làm được, tại sao Bộ LĐTBXH không làm được? Bởi vậy, cần phải tăng cường xây dựng dữ liệu thông tin thị trường lao động, dữ liệu cung - cầu lao động qua việc cập nhật thông tin về người lao động, và doanh nghiệp từ đó phân tích thông tin. Tất cả những thông tin này phải được số hóa, có phân tích. Kết lại, nguyên nhân của những bất cập, thiếu, yếu dữ liệu thông tin về thị trường lao động là do chúng ta chưa chủ động cập nhật, xây dựng hệ thống dữ liệu.

Vậy thời gian tới cần giải pháp gì để có thể phát triển thông tin thị trường lao động?

- Để phát triển thông tin thị trường lao động, theo tôi trước hết Nhà nước cần phải chuẩn hóa thông tin về thị trường lao động qua hệ thống công. Từ thông tin đó, mọi cá thể tham gia thị trường lao động phải tự soi vào để điều chỉnh cho cung - cầu gặp nhau.

Về giải pháp theo tôi cần tăng cường cập nhật thông tin qua việc khai báo về dữ liệu lao động. Thông qua các phần mềm, chúng ta có thể yêu cầu lao động khai báo, cập nhật dữ liệu lên hệ thống online, từ đó taọ ra kho dữ liệu online. Tiếp đó, bộ phận xử lý dữ liệu sẽ phân tích để đưa ra dự báo, nhu cầu về cung - cầu lao động.

Với hệ thống thông tin dữ liệu thị trường lao động đó, Nhà nước có thể sử dụng tốt hơn thông tin để hoạch định, định hướng chính sách trong quản lý chủ động và phát triển thị trường lao động.

Xin cảm ơn bà!