Bạo lực với trẻ em, phụ nữ gia tăng
Tại Diễn đàn "Công tác Xã hội trong hỗ trợ bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới tại cơ sở y tế và trong bối cảnh dịch Covid-19: Góc nhìn của người trong cuộc", báo cáo cho biết, trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người là nạn nhân của bạo lực giới. Tại Việt Nam, 63% phụ nữ đã từng trải qua một dạng bạo lực trong đời. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực gia tăng từ 30% đến 300%.
Diễn đàn vừa được Sở Y tế TP.HCM, Sở LĐTBXH, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam tổ chức cuối tuần qua.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ tiêu chuẩn hỗ trợ nạn nhân toàn cầu theo gói dịch vụ can thiệp thiết yếu; những kinh nghiệm thực hiện công tác xã hội trong bệnh viện; các mô hình dịch vụ một cửa hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới trong bệnh viện tại các nước trên thế giới; việc triển khai công tác này trên thực tế khi hỗ trợ các bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới trong các cơ sở y tế tại Việt Nam.
Trước đó, tại Hội nghị đặc biệt trực tuyến quốc tế về các biện pháp bảo vệ và phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 do Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN tổ chức, các báo cáo cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội LHPN Việt Nam đã tăng 50%. Số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình Yên- nơi tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình và bị mua bán trở về, thuộc Hội LHPN Việt Nam tăng 80% so cùng kỳ năm trước. Khảo sát nhanh ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến trẻ em của Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam cũng cho thấy, 48% trẻ tham gia khảo sát gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh. Có 32,5% số trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, không quan tâm.
Còn nhiều bất cập
Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đây là cơ hội tốt cho các cơ sở y tế chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác xã hội trong bối cảnh Covid-19 và nắm rõ thêm thông tin về các quy định cũng như hướng dẫn, hỗ trợ nạn nhân của bộ phận làm công tác xã hội trong bệnh viện. Hiện nay các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới và công tác xã hội trong bệnh viện chưa có sự kết nối và cơ chế phối hợp còn nhiều bất cập.
Theo bà Vũ Phương Ly - Chuyên gia chương trình của UN Women Việt Nam, y tế là một trong ba dịch vụ thiết yếu dành cho nạn nhân. Cùng với Tư pháp, Hành pháp và Dịch vụ xã hội được chú trọng trong Gói dịch vụ thiết yếu toàn cầu cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực mà UN Women cùng với các tổ chức Liên hợp quốc khác đang nỗ lực giới thiệu, thử nghiệm và nhân rộng tại Việt Nam.
Theo đó, quy trình khám chữa bệnh cần đảm bảo không gây thêm tổn thương cho bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới, đồng thời phải có sự điều phối, kết nối, chuyển gửi chặt chẽ với các dịch vụ thiết yếu khác.