Như Dân Việt đã đưa tin, trưa 10/10, nghi phạm tên Phùng Thị Thắng (24 tuổi, ngụ tỉnh Bắc Giang) đeo khẩu trang, đội nón bảo hiểm, mang theo ba lô đi bộ vào chi nhánh ngân hàng Techcombank trên đường Trương Vĩnh Ký, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh).
Tại đây, người phụ nữ dùng bình gas, xăng… uy hiếp nhân viên bỏ tiền vào ba lô. Sau khi lấy được 2,1 tỷ đồng, người phụ nữ nhanh chóng bỏ chạy ra ngoài leo lên taxi tẩu thoát. Đến chiều cùng ngày, Công an quận Tân Phú cùng các phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM đã bắt được nghi phạm cướp hơn 2 tỷ đồng tại chi nhánh ngân hàng Techcombank.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, đây là một vụ cướp táo tợn. Thực tiễn cho thấy phần lớn các vụ cướp ngân hàng từ những đối tượng không chuyên nghiệp đều bị bắt giữ trong khoảng 24 tiếng kể từ thời điểm vụ việc xảy ra.
Với những đối tượng cướp chuyên nghiệp, băng nhóm cũng khó thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.
Đối tượng sử dụng xăng và vật "giả bom" làm công cụ gây án, trong khi phần lớn các vụ cướp ngân hàng, các đối tượng sử dụng súng, là đàn ông và với vẻ hung hãn manh động. Vụ việc này đối tượng còn sử dụng phương tiện công cộng dễ truy xét dấu vết là taxi để thực hiện hành vi phạm tội.
Bởi vậy, có thể nói rằng phương thức và kế hoạch của đối tượng khá thô sơ khi nhắm vào ngân hàng để cướp tài sản, có lẽ đó cũng là lý do đối tượng sớm bị bắt giữ và thu giữ tang vật.
Theo quy định của pháp luật, người nào đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, cố ý dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản theo khoản 4, Điều 168 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Với hành vi cướp tài sản với số tiền trên 2.000.000.000 đồng thì đối tượng cướp tiền ở ngân hàng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, đối tượng nghi cướp ngân hàng có đam mê hoạt động nghệ sĩ và đã từng tham gia các gameshow trên truyền hình. Tuy nhiên do làm ăn thua lỗ, nợ nần túng quẫn nên đối tượng đã làm liều.
Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân động cơ của sự việc để có kết luận và kiến nghị hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên hành vi dùng vũ lực đe dọa cán bộ nhân viên ngân hàng để lấy tài sản là hành vi cướp tài sản.
Đối tượng và vật chứng đã được thu giữ bởi vậy dù là nguyên nhân gì chăng nữa cũng không thể biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng này sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc.
Vụ việc này cũng sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những ai vì lòng tham mà muốn chiếm đoạt tài sản của người khác, coi thường pháp luật.
Khoản 4, Điều 168 Bộ Luật hình sự năm 2015, quy định về tội cướp tài sản như sau:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.