Dân Việt

Nhật Bản đã hỗ trợ và sát cánh với Việt Nam rất nhiều trong hơn 30 năm đổi mới

Vĩnh Nguyên thực hiện 16/10/2020 19:00 GMT+7
Nhân dịp Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2015 - 2018 Nguyễn Quốc Cường đã trao đổi với Dân Việt về quan hệ hai nước.

Thưa Đại sứ, chuyến thăm của Thủ tướng Suga Yoshihide sắp tới sẽ mở ra cơ hội mới nào cho quan hệ hai nước?

- Chuyến thăm sắp tới sẽ là sự khẳng định Nhật Bản tiếp tục coi trọng, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Giữa hai nước đã thiết lập đối tác chiến lược sâu rộng. Qua chuyến thăm lần này, lãnh đạo hai bên sẽ trao đổi, thống nhất các biện pháp thúc đẩy quan hệ, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư.

Nhật Bản đã hỗ trợ và sát cánh với Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Cường khi là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Đại sứ đánh giá điểm ấn tượng nhất trong quan hệ Việt - Nhật là gì?

- Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển rất mạnh mẽ. Hai nước nhấn mạnh đây là giai đoạn quan hệ tốt đẹp nhất trong lịch sử, toàn diện trên tất cả lĩnh vực khác nhau. Tôi đánh giá mối quan hệ này có độ tin cậy chính trị cao, đó là điểm khác biệt với quan hệ của Việt Nam với nhiều nước khác.

Nhật Bản đã sát cánh và hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua. Nhật là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam; nhiều công trình, cơ sở của Việt Nam được cải thiện, sử dụng hiệu quả vốn ODA Nhật. Nhật cũng tiếp tục hỗ trợ qua nhiều chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước .

"Mối quan hệ Việt - Nhật có độ tin cậy chính trị cao, đó là điểm khác biệt".

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường

Nhật Bản là nước đầu tiên công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Việc hợp tác giao lưu không chỉ ở cấp Trung ương, mà còn nở rộ cả ở cấp địa phương và doanh nghiệp hai nước. Ngoài những cơ chế hợp tác giữa hai Chính phủ và ở cấp bộ ngành, còn có trên 70 văn bản ký kết hợp tác giữa các địa phương hai nước.

Trong 2-3 năm qua, gần một nửa thống đốc các tỉnh của Nhật Bản đã đến thăm Việt Nam, cùng với đó là lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp. Có tỉnh năm nào thống đốc cũng thăm Việt Nam, hoặc có tỉnh năm nào cũng tổ chức lễ hội Việt Nam. Lãnh đạo các tỉnh của Việt Nam cũng chủ động thăm Nhật Bản nhiều lần để thu hút đầu tư.

Một điểm sáng nữa là nguồn nhân lực. Nếu năm 2012, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản chỉ có  50.000 người, đến nay, con số này là hơn 400.000 người. Du học sinh có 80.000 người; lao động, thực tập sinh hơn 200.000 người - lớn nhất trong các nước Đông Nam Á và cả 9 nước Đông Nam Á khác cộng lại. Điểm sáng trong hợp tác nguồn nhân lực là thanh niên, sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản đã góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước. Mặt khác, họ học tiếng Nhật, tiếp thu văn hóa Nhật, có bạn bè người Nhật, có tình cảm với đất nước, người dân Nhật Bản và sẽ là cầu nối giữa hai nước.

Hợp tác an ninh quốc phòng là một lĩnh vực mà trong quan hệ hai nước đã có đà phát triển chung. Đây là lĩnh vực quan trọng tiếp theo sau kinh tế. Hai nước ủng hộ nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông. Nhật Bản luôn ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam trong việc không quân sự hóa biển đảo, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình theo Công ước Luật Biển LHQ 1982 UNCLOS và luật pháp quốc tế.

Trên cương vị từng là Đại sứ ở Nhật Bản, ông đã tiếp xúc với cựu Thủ tướng Abe Shinzo trước đây và Thủ tướng Suga Yoshihide hiện nay. Ông thấy việc cả hai người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản liên tiếp đều rất có thiện cảm với Việt Nam sẽ tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hai nước thế nào?

- Cá nhân tôi tiếp xúc với cựu Thủ tướng  Abe nhiều hơn. Tôi từng tháp tùng ông Abe thăm chính thức Việt Nam, tháp tùng các nhà lãnh đạo Việt Nam, từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhật Bản vào tháng 9/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây rồi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện nay nhiều lần thăm Nhật Bản. Trong hơn 3 năm tôi làm Đại sứ ở Nhật Bản (2015 - 2018), đã có 4 chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật thăm chính thức và dự các hội nghị quốc tế. Qua các lần tiếp xúc đó, có thể thấy Thủ tướng Abe Shinzo luôn có thiện cảm rất nhiều với Việt Nam. Ông nói người Việt Nam thủy chung với bạn bè, hai nước có sự tương đồng văn hóa, chia sẻ lợi ích chung. Ông mong muốn và đã có đóng góp lớn trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước trong 10 năm cầm quyền. 

Năm 2006 khi ông giữ chức vụ Thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên, trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Việt Nam, hai nước xác định khuôn khổ “hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam, tiền đề cho việc ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt - Nhật thành Đối tác chiến lược sâu rộng năm 2014, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang khi ấy tới Nhật Bản. 

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), đã có 30 công ty Nhật đăng ký với Chính phủ Nhật đa dạng hóa việc đầu tư sản xuất, trong số đó có 15 công ty lựa chọn Việt Nam là điểm đến. Hiện, Việt Nam được nhiều doanh nghiệp Nhật quan tâm. Đó là cơ hội lớn để tăng cường thu hút đầu tư của Nhật vào Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường

Còn với ông Suga, trong thời gian ông Abe là Thủ tướng, ông Suga làm Chánh Văn phòng Nội các. Vai trò này ít tiếp xúc đối ngoại, ít thăm nước ngoài, không thể hiện nhiều trong chính sách đối ngoại. Tôi có dịp gặp ông Suga khi tháp tùng các lãnh đạo Việt Nam thăm Nhật Bản. Qua các phát biểu, có thể thấy ông là người chắc chắn, ủng hộ chính sách chung của ông Abe, mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước. Trước đây, khi ông là Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông, trong chuyến thăm đầu tiên của ông với tư cách Bộ trưởng năm  2007, ông đã chọn Việt Nam là điểm đến. Ông rất ấn tượng với nguồn nhân lực trẻ và thông minh của Việt Nam, đặc biệt quan tâm đến hợp tác thông tin giữa hai nước.

Việc những người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản ủng hộ quan hệ với Việt Nam là một thuận lợi, thể hiện chính sách nhất quán của Nhật Bản. Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu. Ngược lại, Nhật Bản cũng vậy, coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu. Đó không phải chính sách của riêng Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền hiện nay ở Nhật. Nhật Bản có nhiều đảng phái khác nhau, lập trường quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trên nhiều vấn đề, nhưng qua tiếp xúc, tôi thấy các đảng đều ủng hộ quan hệ với Việt Nam. Hai bên có sự tin cậy, có quyết tâm chính trị, mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước, đó là những thuận lợi rất lớn.

Nội các mới của Nhật cũng có một số thành viên là các nghị sĩ thuộc Liên minh Hữu nghị Nhật - Việt. Liên minh gồm những nghị sĩ ở nhiều đảng phái khác nhau, có tiếng nói rất quan trọng trong những chính sách cụ thể đưa ra. Trong thời gian làm Đại sứ tại Nhật, tôi được Liên minh hỗ trợ nhiều. Có thể thấy, ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ quan hệ hai nước.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ. 

Ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam:

Mong muốn chung tay phát triển các hoạt động kinh tế xã hội của Việt Nam

"Khi thế giới ngăn chặn được sự lây lan của dịch Covid-19, cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam đã ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19 và sớm mở lại nền kinh tế.

Theo Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á năm 2020 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 15/9, dự báo kinh tế của nhiều nước sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020. Đối với nền kinh tế Việt Nam, báo cáo dự kiến tăng trưởng sẽ ở mức 1,8%.

Trước tình hình khó khăn chung toàn cầu, tôi vẫn thấy một số tín hiệu phục hồi hoạt động kinh tế đáng mừng như: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020, Việt Nam khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên, trong đó có đường bay đi Nhật Bản từ tháng 9/2020.

Về vốn vay ODA Nhật Bản, Hiệp định vốn vay ODA tài trợ cho "Dự án Nâng cao Năng lực An ninh Biển" đã được ký kết vào tháng 7/2020. Đây là Hiệp định vốn vay ODA đầu tiên mà Nhật Bản ký kết với Việt Nam trong vòng 3 năm qua. Nhân dịp này, JICA mong muốn tiếp tục chung tay hỗ trợ phát triển hơn nữa các hoạt động kinh tế, xã hội của Việt Nam thông qua ODA".