Dân Việt

Sự thụ thai và chào đời thần kỳ của các đế vương nước Việt

Thanh Tuyền 16/10/2020 20:30 GMT+7
Xung quanh cuộc đời các đế vương xưa, chỉ tính những người được sử sách ghi chép, luôn được bao phủ bởi các câu chuyện nhuốm màu huyền hoặc, kỳ bí.

Từ lúc được thụ thai hoặc khi mới sinh ra, họ đã sở hữu bản lí lịch li kì khác người. Đâu là căn nguyên dẫn đến thực tế lạ kì ấy?

Từ sự thụ thai mang dấu ấn của giấc mộng lạ…

Bản ngọc phả viết về Lý Nam Đế - hoàng đế đầu tiên của Việt Nam -mang tên Việt Thường thị Tiền Lý Nam Đế ngọc phả cổ truyền, do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm 1572, dưới triều vua Lê Anh Tông, khi chép về thân thế Lý Nam Đế đã cho biết nhà vua được thụ thai từ giấc mơ kì lạ của người mẹ.

Ngọc phả viết: “Khi đó có gia trưởng một bộ thuộc đất châu Dã Năng xứ Kinh Bắc, họ Lý húy Toản, lấy vợ người Châu Ái sau đổi là Thanh Hoa là Lê Thị Oanh… Khi đó, Lý công tuổi ngoài bốn mươi, Thái bà họ Lê tuổi ngoài 30 mà vẫn chưa một lần sinh nở. Một hôm Thái bà nằm nghỉ ở ngoài sảnh đường thiếp đi, bỗng thấy trời đất tối đen, ngước nhìn thấy từ trên trời có đám mây ngũ sắc trong đó có hai rồng, một màu trắng, một màu vàng, cùng tranh giành sao Thái dương. Sao Thái dương bỗng nhiên giáng xuống miệng Thái bà, rồng vàng giáng thẳng xuống bụng Thái bà. Thái bà bỗng tỉnh dậy, biết đó là giấc mộng, liền nói với Thái ông. Thái ông nói rằng theo như báo mộng thì tất thị nhà ta có phúc lớn, trời ban hiền nhân, đất sinh tuấn kiệt, thiện thay, thiện thay. Nói xong, tự nhiên Thái bà như đã có thai”.

Sự thụ thai và chào đời thần kỳ của các đế vương nước Việt - Ảnh 1.

Lý Nam Đế chào đời từ giấc mơ lưỡng long của người mẹ.

Mô-típ nằm mơ gặp thần thánh hay điềm lành, vật lạ còn thấy ở các đời hoàng đế về sau. Với Lê Đại Hành thì “mẹ là Đặng thị, khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào”. Còn Lý Thái Tổ thì tương truyền mẹ vua nằm mơ giao hợp với thần nhân nên có thai. Lý Thánh Tông có “Mẹ là Kim Thiên Thái hậu họ Mai, khi trước chiêm bao thấy mặt trăng vào bụng rồi có mang”. Tương tự, Trần Thánh Tông có “Mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên hoàng thái hậu Lý thị, nhân Thái Tông chiêm bao thấy thượng đế trao cho gươm báu, hậu có mang” (Đại Việt sử kí toàn thư).

Sang các thời Hậu Lê và Nguyễn, mô-típ này tiếp tục được phát huy và bổ sung thêm nhiều chi tiết hơn.

Khi viết về Lê Thánh Tông, sách Đại Việt sử kí toàn thư cho hay: “Mẹ vua là Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô thị, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa. Trước kia, khi còn là Tiệp dư, Thái hậu đi cầu tự, mơ thấy thượng đế ban cho một tiên đồng, thế rồi có thai (Tục truyền rằng Thái hậu khi sắp ở cữ, nhân thư thả chợp mắt, mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Thái hậu, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi, thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu ra, sau tỉnh dậy, rồi sinh ra vua, trên trán vẫn còn dấu vết lờ mờ như thấy trong giấc mơ, mãi đến khi chết, vết ấy vẫn không mất)”.

Sự thụ thai và chào đời thần kỳ của các đế vương nước Việt - Ảnh 2.

Lê Thánh Tông vốn là tiên đồng chuyển sinh. Hình minh họa

Cũng sách trên, khi chép về Lê Hiến Tông, có đoạn: “Trước đây, Thánh Tông chưa có con nối, Quang Thục Hoàng Thái hậu từng cầu đảo, sai Đức Trung đến cầu ở am Từ Công núi Phật Tích, chiêm bao thấy đến trước mặt thượng đế cầu tự. Thượng đế phán: “Cho sao Thiên Lộc làm con Nguyễn thị”. Nói rồi cho ẵm đến ngồi ở trước. Bấy giờ, Trường Lạc Hoàng Thái hậu ở cung Vĩnh Ninh, tức thì có mang. Đến khi đủ ngày đủ tháng, chiêm bao thấy rồng vàng từ trên trời sa xuống, bay vào trong phòng, một lát sau thì sinh ra vua”.

Dưới triều Nguyễn, hoàng đế Minh Mạng dường như đã được trời định trước là sẽ làm vua, nên mới có chuyện: “Trước khi sinh vua, hoàng hậu nằm mơ thấy người thần dâng một cái ấn, sắc đỏ như mặt trời. Vua sinh ra thực ứng vào điềm ấy” (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỉ). Cháu nội ông là hoàng đế Tự Đức cũng mang “thiên số” tương tự, ngay từ khi thân mẫu “chiêm bao thấy một vị thần, mặc áo rộng thắt đai to, đầu râu, tóc bạc, mang một tờ giấy vàng viết chữ son có đóng dấu ngọc và một chuỗi hạt minh châu trao cho. Vua sinh ra, đúng ứng vào điềm ấy” (Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỉ)…

…Đến ngày chào đời khiến trời đất thay đổi

Trở lại chuyện Lý Nam Đế, ông được tạo hình hài lạ kì là thế, nhưng ngày chào đời cũng đầy chuyện đáng nhớ. Ngọc phả cho biết: “Vào giờ Thìn ngày 12 tháng 9 năm Quý Tị sinh hạ một nam. Thần tướng lẫm liệt, diện mạo khác thường, mày như mày vua Nghiêu, mắt như mắt vua Vũ, lưng như lưng vua Thang, quả là không phải người thường. Khi sinh có mây sa sầm, mưa gió nổi lên, hương thơm đầy phòng, khí lành tràn ngập trong phòng. Xuân qua đông tới, đến lúc 3 tuổi, đã thông âm luật, cha mẹ liền đặt tên là Bí”.

Một trường hợp khác là Ngô Quyền, vị vua khai sáng nhà Ngô ở thế kỉ 10: “Khi vua mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, trạng mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương nên mới đặt tên là Quyền” (Đại Việt sử kí toàn thư).

Còn hoàng đế Lý Thái Tông ngay khi được sinh ra đã khiến con trâu trắng ở nhà nọ trong vùng tự nhiên thay sừng, để những bậc thức giả đều cho là điềm đổi mới trong tương lai.

Sự thụ thai và chào đời thần kỳ của các đế vương nước Việt - Ảnh 3.

Vua Minh Mạng sinh ra từ giấc mộng trời ban ấn kiếm của thân mẫu.

Ở thế kỉ 17, chúa Nguyễn Phúc Chu là người từ rất sớm đã khiến thiên tượng thay đổi khi có mặt trên cõi đời: “Trước kia, năm Giáp Dần, mùa thu, ở phương Tây Nam trên trời mở ra một lỗ, có mây sắc vận quanh, ở giữa một luồng ánh sáng rực trời toả ngay vào chỗ nhà mẫu hậu ở, người thức giả cho là điềm thánh. Năm sau chúa đúng kì giáng sinh, mùi thơm nức nhà” (Đại Nam thực lục tiền biên).

Con ông là chúa Nguyễn Phúc Chú cũng không kém cạnh: “Khi chúa mới sinh có hơi lành hương lạ đầy nhà”…

Một số dẫn chứng ở trên cho thấy tính bí ẩn, li kì trong sự thụ thai và chào đời của các vị đế vương Việt Nam là một thực tế tồn tại lâu dài qua các triều đại, được chính sử và dã sử trân trọng ghi chép, lưu truyền. Những câu chuyện ấy phải chăng đều là thật? Hay phía sau chúng còn có những mục đích hoặc ẩn ý gì khác?

Thử đi tìm lời giải

Trong xã hội Việt Nam thời quân chủ, các đế vương có quyền lực tối thượng, đứng trên tất cả để cai trị thần dân. Bởi lẽ này, trong mắt bách tính trăm họ, nhà vua là nhân vật ở mãi trên cao, một vị chúa tể có thể ban phúc hay giáng hoạ cho họ, được xem là đại diện của thần thánh ở trên đời. Mặt khác, tâm lí và ý thức dân gian thuở xưa còn mang nhiều nét duy tâm, rất tin và sùng kính các hiện tượng siêu nhiên, tâm linh, thánh thần.

Vì vậy, nếu thêm vào lí lịch của các vua chúa những điều có vẻ lạ lùng như nói ở trên thì với người làm vua chỉ thêm có lợi vì họ tựa như đã có thiên số từ trước, càng dễ để khẳng định quyền lực bản thân và hình ảnh của vương triều. Đối với dân chúng thì đó là điều đáng ghi nhớ, tôn sùng vì đấy là biểu hiện của việc trời đã ban cho họ một vị minh quân để trị dân, giúp đời. Những lẽ trên đã tạo nền để sự huyền kì về việc thụ thai, sinh nở tiếp tục hiện hữu ở các đời vua thuộc nhiều triều đại, nhất là ở những vị khai sinh vương triều hay trị vì lâu dài hoặc có nhiều chính tích với nhân dân.

Sự thụ thai và chào đời thần kỳ của các đế vương nước Việt - Ảnh 4.

Nhiều vị vua sinh ra với mây lành, ánh sáng lạ đầy nhà. Ảnh minh họa

Ở một phương diện khác, những “giấc mộng” và “điềm lạ” nói trên còn là biểu hiện của việc các tôn giáo Nho, Phật, Đạo đã thâm nhập sâu rộng trong xã hội và được các vương triều tận dụng phần nào để tăng thêm sự uy nghiêm cho họ. Những việc như cầu tự, cầu đảo, hoa sen, mặt trăng, mặt trời, ấn kiếm, hương thơm… đều là những hình ảnh quen thuộc trong Phật giáo hoặc Nho giáo, Đạo giáo. Còn gì đáng quý hơn đối với bách tính trăm họ khi vị quân chủ đang trị vì được hạ sinh xứng hợp với những điều tốt lành nhất của các tôn giáo, tín ngưỡng họ đang tôn thờ. Đó chẳng phải là biểu hiện của việc thần, phật luôn hiện diện để phù trì cho họ hay sao?

Như vậy, xuất phát từ động cơ chính trị là khẳng định vương quyền và dựa vào tư tưởng, tín ngưỡng xem trọng thần phật, sùng chuộng điềm lành vật lạ trong xã hội, các đế vương nước Việt đã biết tận dụng những điều li kì, huyền ảo để tạo ra lí lịch xuất thân hơn người dành cho mình. Những điều này tất nhiên phải được các sử quan đưa vào sử sách, thậm chí có thể tạo ra lí lịch khác lạ cho một vị vua của thời trước đó (như trường hợp Nguyễn Bính viết về Lý Nam Đế ở trên) để nó được truyền lại đến muôn đời, thậm chí làm “mẫu hình” để các triều vua sau tiếp tục mô phỏng…