Từ trò chơi giả, đến chết thật...
Gần đây nhất, dư luận bàng hoàng trước thông tin nghi vấn một bé gái 5 tuổi chết do làm theo video hướng dẫn trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube.
Theo lời cha mẹ em (quận Tân Phú, TP.HCM), vào thời điểm xảy ra sự việc, D vừa xem xong một video hướng dẫn trò thắt cổ trên mạng. Tò mò, D đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà làm theo. Khi được người nhà phát hiện, bé D đã trong tình trạng mặt mũi tím tái, không còn hơi thở và không qua khỏi.
Đáng buồn, sự việc trên không phải hy hữu. Trước đó, các vụ trẻ em chết do học theo video trên mạng cũng đã từng xảy ra. Cụ thể, tháng 11/2019, bé trai Đ.T.K (7 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng làm theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube. Gia đình phát hiện bé treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ, hai chân bé cách mặt đất một đoạn khá xa, người tím ngắt, ngất lịm. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, bé K đã may mắn giữ được tính mạng.
K cho biết em đã nhiều lần xem trò chơi "chết đi sống lại" trên YouTube. Trong video đó, nhân vật hướng dẫn cách thắt cổ, nhưng vẫn thở được mà không chết, nên bé đã làm theo.
Mới đây, cộng đồng mạng dậy sóng khi trên YouTube xuất hiện nhiều video mang tên thử thách Momo (Momo challenge) có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát. Theo đó, khi trẻ em xem video trên kênh này, có thể liên lạc với Momo - một phụ nữ có hình dáng quái dị với đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi. Nhân vật này đã điều khiển trẻ thực hiện những thử thách đáng sợ, kết thúc bằng việc tự sát.
Trước đó, hàng loạt vụ việc tương tự cũng xảy ra, như các trò chơi "thử thách cùng cá voi xanh", thử thách cùng siêu nhân nhện...
Những câu chuyện nhảm nhí trên YouTube
Không chỉ có hàng hoạt câu chuyện chết chóc, nhiều câu chuyện thương tâm khác cũng xảy ra khi trẻ theo dõi các kênh YouTube.
Câu chuyện về một bé trai sau khi xem clip trên mạng đã bắt chước hành động siêu nhân nhện, thử cảm giác mạnh nên đập tay thật mạnh vào kính khiến tay bị đứt mạch máu. Có bé khác còn thử cảm giác mạnh được bay trên không trung như siêu nhân nhện nên đứng từ cửa sổ, nhảy xuống mất mạng. Còn tại Hà Nội, cách đây không lâu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân Đ.D (15 tuổi, quê Hải Dương) trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc nổ theo video hướng dẫn trên YouTube.
Tháng 6/2019, trên MXH lan truyền việc một câu chuyện cậu bé 6 tuổi đòi lấy ổ điện cho giật em trai 3 tuổi. Nguyên nhân được cho là cậu bé đã xem và học theo kênh YouTube nổi tiếng với 2,5 triệu người đăng ký.
Người bố của cậu bé kể lại đang ngồi chơi cùng con, thấy con bảo đi lấy ổ điện cho giật em gần 3 tuổi. Ông bố giật mình nhìn lên thấy con đang xem video của kênh này. Đoạn clip này có tên là "23 tuổi với 1 tuổi - 1 year old YouTuber". Suốt hơn 10 phút của đoạn clip là những màn "chiến đấu" giữa chàng trai chủ kênh YouTube tự xưng là L và em bé 1 tuổi.
Ban đầu, em bé dùng ổ điện cho giật, sau đó kéo ngăn tủ cho đập vào đầu L khiến anh chàng choáng váng, chính vì thế, anh ta tuyên bố: "Ta sẽ trả thù". Xuyên suốt đoạn clip, anh chàng to xác 23 tuổi luôn bị thua vì "mưu trí" của cậu bé 1 tuổi và bị dán băng dính vào miệng, bắn súng nhựa vào mặt, búa nhựa đập vào đầu...
Còn nữa...