Chữ "Người" trong nhan đề sách là chỉ một phụ nữ thuộc diện "Ostarbeiter". Đây là một từ tiếng Đức dùng để chỉ những người dân ở các nước Đông Âu và Trung Âu bị phát xít Đức cưỡng bức sang lao động khổ sai tại các nhà máy trên đất Đức trong Thế chiến II.
Khi chiến tranh kết thúc, các Ostarbeiter (Thợ miền Đông) bị bỏ rơi trên đất Đức, phải sống trong những điều kiện khốn khổ. Nước Đức muốn quên họ đi, xóa bỏ họ như chưa từng tồn tại. Tổ quốc quê hương coi họ là những kẻ phản bội đất nước, cam tâm làm nô lệ cho kẻ thù.
Ngay cả việc hồi hương của họ cũng là cả một bi kịch, nhất là với những người bị lùa đi từ các vùng lãnh thổ của Liên Xô. "Dân tha hương Xô Viết quỳ lạy trước các sĩ quan Mỹ, cầu xin thà bắn họ ngay tại chỗ còn hơn bắt họ quay về quê hương. Khá nhiều người đã tự tử, thà treo cổ chết còn hơn bị chính quyền Stalin trừng phạt. Họ đã bị lùa đi khỏi quê hương, bị bóc lột đến hơi tàn lực kiệt, bây giờ họ lại bị lùa về, bị đẩy vào nanh vuốt kẻ độc tài điên rồ, không biết thương hại ai bao giờ ấy" (tr. 239).
Bố người Nga mẹ người Ucraina của Natascha Wodin đã ở trong hoàn cảnh như vậy. Mẹ bà, Evgenya Ivashhenko chỉ mới 23 tuổi đã cùng người chồng lớn hơn mấy tuổi bị bắt sang Đức làm công nhân nô lệ. Lý do ra đi là vì họ tin vào sự tuyên truyền của quân Đức sang đó sẽ được một đời sống sung sướng hay vì họ sợ sự trả thù của Hồng Quân Xô Viết (vì Evgenya Ivashhenko đã có thời gian làm cho một tổ chức của Đức) hay vì bị cưỡng bức như phần đông những người Ostarbeiter, không ai được biết rõ. Điều rõ ràng là họ đã phải sống và lao động như trong địa ngục trên đất Đức.
NGƯỜI ĐẾN TỪ MARIUPOL
Tác giả: Natascha Wodin
Dịch giả: Hoàng Đăng Lãnh (từ tiếng Đức)
Tao Đàn & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020
Số trang: 296
Số lượng: 2000
Giá bán: 235.000đ
Từ đó Natascha Wodin đã được ra đời tháng 12/1945 và cả thời tuổi nhỏ bà đã phải trải qua mọi sự nhọc nhằn nhục nhã kiếp Ostarbeiter của bố mẹ mình dù chiến tranh đã chấm dứt. Bà đã phải sống qua một thời thơ ấu giữa đám bạn học thù ghét mình, coi mình là một tên "người Nga" đáng căm ghét, mà đến gia đình cũng không che chắn, bảo vệ được. Sau khi người mẹ trầm uất tự sát, người bố thô bạo độc ác lang bạt kiếm sống, hai chị em bà phải sống trong trại trẻ mồ côi của Công giáo.
Nhưng hoàn cảnh khắc nghiệt đã không bẻ gãy được bà. Bà đã đứng vững qua thử thách cuộc đời, trở thành người phiên dịch, và rồi đến một lúc cầm bút viết văn. Bà viết chính về số phận của những người như mẹ mình, những con người thấy mình như bị bỏ rơi, bị thừa ra trong thế giới này.
Khi mẹ mất và những tháng năm sau đó, Natascha Wodin biết rất ít về mẹ mình vì hồi còn sống bà mẹ hầu như không kể gì về quá khứ cho cô con gái biết. Đúng hơn, Natascha Wodin như bị mất ký ức. "Suốt một thời gian rất dài trong đời, tôi không hề biết mình là con của cặp vợ chồng xưa kia bị bắt đưa sang Đức cưỡng bức lao động. Không ai nói cho tôi biết điều đó, cả bố mẹ tôi, cả môi trường Đức xung quanh tôi, một môi trường không gìn giữ các kỷ niệm về đám đông những người bị cưỡng bức lao động như thế. Hàng chục năm trời trôi qua mà tôi không hề hay biết tí gì về cuộc đời của chính mình. Tôi chỉ biết mang máng, có lẽ tôi nằm trong số cặn bã, rác rưởi nào đó còn sót lại từ dạo còn chiến tranh thì phải" (tr. 23-24).
Bà chỉ có những mẩu hồi ức đứt đoạn, mấy tấm ảnh đen trắng không có ghi chú tên tuổi và cái tên thành phố Mariupol – nơi mẹ bà xuất thân và bị bắt sang Đức. Dựa vào đó bà bắt đầu cuộc "tìm kiếm" người mẹ trong quá khứ tưởng đã bị chôn vùi, quên lãng. Cuốn sách mở đầu bằng dòng chữ: "Lúc gõ tên họ mẹ tôi vào công cụ tìm kiếm trên mạng internet của Nga, tôi cũng như muốn thử một trò chơi cho vui vậy thôi".
Nhưng cái tưởng là trò chơi này đã cuốn bà vào một cuộc tìm kiếm lịch sử. Bởi khi viết về mẹ mình là Natascha Wodin viết về cả thời đại mà bà mẹ đã sống. Tiểu sử của người mẹ dần dần hiện lên dưới ngòi bút của bà là cuộc nội chiến, nạn đói, là thời kỳ khủng bố của Stalin, là chiến tranh, sự chiếm đóng và cảnh đất khách quê người. "Người mẹ nhỏ bé tội nghiệp của tôi là người đi ra từ bóng tối đen đặc của thế kỷ 20 đẫm máu và bị phát điên" – Natascha Wodin đã viết như vậy về mẹ mình.
Vì vậy các nhà phê bình và những người tổ chức hội sách Leipzig đã coi cuốn sách này là "một cuốn tiểu sử có những yếu tố của sự hư cấu nghệ thuật". Trang Wikipedia tiếng Đức thì gọi đó là tiểu thuyết, còn bạn đọc để ý sẽ tìm thấy trong nó những yếu tố của sự nghiên cứu lịch sử và bút ký lịch sử.
Đọc vào cuốn sách bạn sẽ biết được quá trình người con đi tìm mẹ như thế nào. Cái mà người con/tác giả tìm thấy sẽ không để bạn được yên ổn tâm hồn, bởi câu chuyện của người mẹ, một phụ nữ tên gọi là Evgenya Ivashhenko, là tiêu biểu cho số phận của hàng triệu người dân Xô viết những năm tháng đó.
Có lẽ vì vậy mà cuốn sách chứa đầy sự bi quan. Vấn đề không chỉ là, và có lẽ, không hẳn là ở cuộc sống bị bẻ gãy của nhân vật chính – người mẹ của tác giả ở Đức và những người họ hàng của bà ở Liên Xô, mà là ở tâm trạng của tác giả. Bạn đọc hiếm gặp được niềm vui của bà trên các trang sách. Ví dụ như khi cả nhà bà được chuyển sang nơi định cư mới đầu thập niên 1950 với điều kiện sống tốt hơn chỗ cũ, được sống trong một căn hộ hai phòng "có vòi nước chảy, điện, bếp lò to bằng gang, lò nướng và chậu nước nóng, và – thật xa hoa sang trọng làm sao! – cả buồng tắm và lò nước nóng." (tr. 266). Nhưng với bà thế cũng chẳng có gì vui, bởi họ vẫn lạc loài trên đất Đức, "khu nhà" mới nằm ngoài rìa thành phố này chẳng được ai ưa vì "nó nhắc nhở mọi người nhớ đến một cái gì đó không ai muốn nhắc đến nữa" (tr. 268).
Tôi ít khi đọc ngắt quãng một cuốn sách, nhưng tôi đã phải đọc "Người đến từ Mariupol" nhiều lần đứt đoạn. Cả cuốn sách là lời kể của tác giả/người con về hành trình tìm kiếm mẹ mình qua những dấu vết ít ỏi còn lại, qua những tư liệu được cung cấp, và qua những thông tin chắp nối, liên kết trên mạng Internet. Từ đó Natascha Wodin kết nối chúng với trí nhớ của mình để phục dựng cả cuộc đời của người mẹ khốn khổ, bất hạnh. Cuộc đời của một người phụ nữ với đầy đủ chi tiết từ lai lịch dòng họ, gia đình đến những đau thương, khổ ải đời riêng và kết thúc bằng vụ tử tự dưới nước.
Cuốn sách kết lại ở hình ảnh bà mẹ găm vào cái nhìn của cô con gái khi đến nhà xác nghĩa địa: "Gương mặt mẹ tôi xa vời và kín đáo, không cho biết mẹ đã qua đời ra sao, không hé lộ lý do vì sao mẹ đã không mang hai chị em chúng tôi theo cùng, vì sao, rốt cuộc, mẹ lại một mình ra đi như thế" (tr. 296). Đó là số phận một con người, một phụ nữ nhỏ nhoi bị đày đọa trong chiến tranh, đã mất tung tuyệt tích, đã tan biến giữa chốn hư không khuyết danh khuyết tuổi. Rộng ra, số phận của cả hai mẹ con Natascha Wodin là số phận của những người bị đẩy ra bên lề, bị xua đuổi, số phận của những người thừa. Và nhiều số phận người Ostarbeiter như thế đang cần được chiếu sáng trong lịch sử châu Âu hiện đại. Cuốn sách của Natascha Wodin là một nỗ lực văn chương làm việc đó.
Cách viết của Natascha Wodin trong tiếng Đức đã được Hoàng Đăng Lãnh chuyển tải tối đa bằng một bản dịch kỹ càng, thấu đáo trong tiếng Việt, khiến người đọc thấm thía tận cùng nỗi đau nỗi khổ của tác giả và nhân vật. Có thể nói Hoàng Đăng Lãnh hiện là một dịch giả văn học Đức xuất sắc (trước cuốn này anh đã dịch những tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn Đức như "Mùa nắng lịm", "Diệt vong", "Đốn hạ" "Giờ Đức văn"…) Mừng cho văn chương Việt Nam có được một dịch giả như Hoàng Đăng Lãnh làm cầu nối với văn chương Đức – một nền văn chương lớn của thế giới.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Hà Nội 19/10/2020