Ngư dân Nguyễn Văn Chúng (sinh năm 1984, chủ tàu tại xã Hiền Ninh, huyện biển Quảng Ninh) là một trong số những chủ tàu xung phong đi cứu nông dân.
Anh Chúng rất kinh nghiệm, yêu cầu tất cả mọi người mặc áo phao khi rẽ nước lũ đi cứu nông dân.
Ngư dân Nguyễn Văn Chúng kể: “Tôi nghĩ bụng phải rủ người thân, bỏ tiền thuê xe tải chở thuyền ra vùng lũ cứu bà con nếu không cứ đà này, bà con nông dân sao trụ nổi. Tôi dặn vợ ở nhà nấu cơm để khi cứu được nông dân từ vùng lũ ra còn có cái ăn”.
“Hai ngày, tôi cứu được 50 người, hầu hết đang ngồi trên nóc nhà. Nhìn những thân hình gầy gầy co ro trên nóc nhà, nước mắt tôi cứ chực trào. Tôi quên cả đói, mong làm sao cứu được nhiều người nhất có thể”, anh Chúng nói.
Trên tàu, cứ chốc chốc, ngư dân Chúng lại bảo ngư dân Nguyễn Văn Chuyên (sinh năm 1986, em trai ruột của ngư dân Chúng) đứng đầu mũi thuyền dùng sào tre để dò mực nước và vật cản, tránh thuyền bị tông thủng.
“Nước lũ khác nước biển nhưng với chúng tôi, những người thường xuyên vật lộn với biển khơi, nước lũ sẽ ít dữ hơn”, ngư dân Nguyễn Văn Chuyên nói.
Bà Trần Thị Mến (sinh năm 1955, trú tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là một trong số nhiều người được hai anh em ngư dân Chúng cứu sống rưng rưng: “Nước lên tận nóc nhà của mệ (mẹ), may có mấy chú ngư dân bên xã Hải Ninh mà giờ mệ mới biết tên chạy thuyền qua cứu đưa đến ủy ban xã. Mấy ngày qua, mệ ăn mì tôm sống, uống nước cầm hơi, các ngư dân cứu mệ lên thuyền còn cho mệ uống sữa, ăn khoai nữa”, bà Mến xúc động.
“Đợt lũ kinh khủng lần này nếu không có ngư dân vào cứu nông dân thì không biết thiệt hại sẽ thế nào. Bởi vùng ngập lũ quá rộng, xã, huyện không thể nào trong vài tiếng đồng hồ mà cứu hết được. Tổng cộng có 15 thuyền ngư dân tham gia cứu nông dân, nhân dân với số lượng người cứu lên tới hàng nghìn người”, ông Phạm Trung Đông - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh nói.