Hôm nay (21/10) trên nhiều diễn đàn đã chia sẻ hình ảnh chụp màn hình một tài khoản Facebook có tên "Tran Van Ket" để cảnh báo mọi người cảnh giác.
Điều đáng chú ý là tài khoản Tran Van Ket đã sử dụng hình ảnh của ông Giàng Seo Phử (sinh năm 1951, mất năm 2017), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IX, X, XI; Bí thư Ban Cán sự Đảng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc để làm ảnh đại diện.
Tài khoản "Tran Van Ket" sử dụng hình ảnh của ông Giàng Seo Phử, sau đó, trên trang Facbook cá nhân, người này viết các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của mình đối với các vụ việc thời sự đang diễn ra.
Một số ảnh chụp màn hình đều cho thấy, nhiều bài viết của tài khoản "Tran Van Ket" mang hơi hướng tiêu cực và suy diễn cực đoan.
Một bạn đọc bình luận: "Việc sử dụng hình ảnh của nguyên lãnh đạo cấp cao để viết bài sai sự thật nhằm lôi kéo, kích động người dân là không thể chấp nhận được. Đề nghị điều tra, xử lý thật nghiêm minh".
Sau các bài chia sẻ trên mạng xã hội, "Tran Van Ket" đã khóa tài khoản.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, tại Điều 31 Bộ luật Dân sự quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 25 Bộ luật Dân sự, khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền: Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.
Còn tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Theo vị luật sư, hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý cũng là hành vi bị cấm tại khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.
Tại điểm b khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả lúc này là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, sẽ bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
"Nếu thấy hình ảnh của mình bị sử dụng không xin phép, gây hậu quả xấu, những người liên quan có thể nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp, xử lý vừa bảo vệ quyền lợi của mình và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Trong vụ việc trên, gia đình ông Giàng Seo Phử có thể làm đơn để yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc" – luật sư Tuấn Anh thông tin.