Mối tình bi thảm nhất: Tiêu Phong và A Châu
Khách anh hùng xông pha giữa điệp trùng gươm giáo, sẵn sàng coi cái chết như một cõi đi về nhưng một khi đối diện với những nước đời khắt khe lại thường nhận chân ra nỗi hoang lương thê thiết và cái vô nghĩa của cuộc đời. Và họ cần đến những nữ lang để tìm chút hơi ấm của đời thường một khi phải đối diện với cõi trống rỗng hư vô, ngay cả với Tiêu Phong - một nhân vật gần như sống trong tự do tuyệt đối.
Tuy nhiên Tiêu Phong sẽ chẳng trở thành anh hùng bi kịch và A Châu cũng chẳng trở thành mỹ nữ tang thương nếu chuyện tình của họ nở rộ rồi đơm hoa kết trái. Cái giây phút cực cùng bi đát của Thiên Long Bát Bộ là lúc A Châu như một con thiên nga trúng đạn, gục ngã dưới phát chưởng oan nghiệt của Tiêu Phong. Nàng đã ngã xuống giữa những giọt nước mắt oan cừu, phủ thêm bi thương lên cõi thế.
Hai con người cả đời đau thương cuối cùng lại trở thành nỗi đau thương cuối cùng và lớn nhất của cuộc đời nhau. "Mọi người lần lượt bỏ đi chỉ còn một mình Tiêu Phong ôm xác A Châu kêu gào giữa cảnh đồng không. Võ công quán thế, hào khí ngất trời - tất cả những cái đó nào có nghĩa gì trước cái xác lạnh giá của người yêu?".
Cảnh nóng táo bạo nhất
Trong các tác phẩm của mình, Kim Dung không ngần ngại bay bổng ngòi bút, tạo nên những chuyện tình ở đủ mọi cung bậc hỷ nộ ái ố, đương nhiên những cảnh "ân ái" cũng được thêm vào để làm tăng thêm hương vị của tình yêu. Tuy nhiên có khá nhiều những phân đoạn "nóng mặt" hơn mức bình thường khiến các nhà làm phim e dè khi tái hiện, Vi Tiểu Bảo và 7 bà vợ chính là ví dụ điển hình.
Ai cũng biết Vi Tiểu Bảo có tới 7 người vợ, tất cả đều vô cùng xinh đẹp, giỏi giang và bản lĩnh. Nói về khoản này thì không một nhân vật nào trong toàn bộ tiểu thuyết Kim Dung có thể vượt qua được Vi Tiểu Bảo. Từ một tên nhóc chui lủi trong kỹ viện thành Dương Châu, Vi Tiểu Bảo dần trở thành nhân vật quyền thế bậc nhất, dưới một người trên vạn người.
Mới 18 tuổi mà Vi Tiểu Bảo đã lên giường với không ít người đẹp, trong đó có công chúa Kiến Ninh và công chúa Nga Sophia. Trong một lần đi công cán về thành Dương Châu, Vi Tiểu Bảo thân mật với 4 người cùng lúc: Tô Thuyên (Thần Long giáo chủ phu nhân), A Kha (con gái đệ nhất ca kỹ Trần Viên Viên), Song Nhi (nữ tì), Tăng Nhu (Thiên Địa hội). Tình tiết này đương nhiên nhạy cảm đến mức hiếm có nhà làm phim nào dám đưa lên màn ảnh. Nó chỉ được các fan Kim Dung truyền tay nhau trong âm thầm lặng lẽ.
Đểu nhất: Nhạc Bất Quần
Nhạc Bất Quần đã trở thành nhân vật kinh điển trong Tiếu Ngạo Giao Hồ cũng chính bởi bản chất hai mặt, đểu cáng và nhiều dã tâm khó lường của mình. Tính cách của Nhạc Bất Quần là một thể thống nhất, có tính đại diện cao và hội tụ tất cả những dẫn chứng cho cả một loại người "ngụy quân tử", trước mặt võ lâm luôn oang oang nói về chữ tín, về lòng tận trung tận nghĩa nhưng bên trong lại mưu hèn kế bẩn, tìm cách chiếm đoạt Tịch Tà Kiếm Phổ của Lâm gia.
Ngoại hiệu của y là Quân Tử Kiếm, ý rằng không bao giờ đánh lén, đánh sau lưng người khác, ăn nói mực thước, không bao giờ lên tiếng tranh biện với ai, kết giao với rất nhiều bạn hào sĩ giang hồ chính phái. Thân là sư tôn một danh môn, có môn Tử Hà Công thâm hậu, sáng lập ra một Hoa Sơn kiếm pháp lấy nội công làm căn cơ, Nhạc Bất Quần có một vỏ bọc quá hoàn hảo, ai ai nhìn vào cũng đều cảm thấy ngưỡng mộ.
Tuy nhiên đó là dụng ý của Kim Dung, càng xây dựng Nhạc Bất Quần là một "nhân sĩ" có vẻ ngoài chính trực bao nhiêu thì mức độ "ngụy quân tử" của hắn càng thối tha bấy nhiêu, vừa tàn bạo, thủ đoạn độc ác lại vừa âm mưu thâm hiểm. Loại này, so với "chân tiểu nhân" thì còn đáng sợ và khó đối phó hơn rất nhiều. Vì lợi ích cá nhân, hắn có thể hi sinh chính người thân hay bạn bè đồng đạo.