Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ Thập Đỏ (HCTĐ) Việt Nam cho rằng, việc các cá nhân, tổ chức vận động đóng góp làm từ thiện không có gì sai. Nhưng hiện tại văn bản pháp luật quy định vấn đề này còn có những điểm chưa đồng nhất. Các tổ chức, cá nhân tự vận động thực hiện từ thiện là rất tốt, nhưng nếu không thông qua các cơ quan quản lý, đơn vị điều phối sẽ làm giảm nguồn lực, gây khó khăn chung, giảm hiệu quả của hoạt động cứu trợ, từ thiện.
Cứu trợ khẩn cấp đã tới được những vùng khó khăn nhất
Thời gian qua nhiều tỉnh miền trung chịu thiệt hại nghiêm trọng vì bão lũ, Trung ương HCTĐ đã có chương trình kêu gọi và hỗ trợ như thế nào ở khu vực này?
- Thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trung ương HCTĐ Việt Nam đã triển khai và phối hợp với các đơn vị triển khai nhiều hoạt động cứu trợ về những vùng khó khăn nhất của tỉnh đang chịu thiệt hại là Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Trước đó, có 2 lần đưa hàng đi cứu trợ, lần này là lần thứ 3. Tổng kinh phí trong 3 đợt đầu là gần 5 tỉ đồng tiền và hàng.
Hàng hóa chủ yếu là hàng gia đình, gồm những vật dụng cần thiết như thùng hàng gia đình gồm đồ nhựa và đồ vải... để các hộ gia đình có thể sử dụng được. Vừa qua, chúng tôi bổ sung túi hỗ trợ khẩn cấp như lương khô, chà bông, bánh mì ruốc, nước uống, đèn pin, áo phao, viên khử khuẩn lọc nước, tiền mặt...
Thông qua các đoàn này, Trung ương Hội cũng đánh giá nhu cầu dựa trên thực tiễn. Đồng thời Hội ra lời kêu gọi trong hệ thống gửi các cấp hội địa phương trong cả nước, huy động nguồn lực hỗ trợ địa phương bị nạn. Nhiều tỉnh thành hưởng ứng, với số tiền lên tới hàng tỉ đồng.
Hội còn phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 mở đầu nhắn tin 1403 để kêu gọi ủng hộ. Đầu phía Nam cũng tổ chức tiếp nhận ủng hộ, trực điện thoại. Hội đang kết nối với các nhóm từ thiện tự phát, thực hiện hỗ trợ.
Ngoài ra, với tư cách là thành viên trong Tổ chức Phong trào Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ Quốc tế, Việt Nam đã kêu gọi và đề xuất các tổ chức thành viên quốc tế ứng phó quỹ khẩn cấp để hỗ trợ người dân Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện như vậy, Hội Chữ Thập Đỏ có ghi nhận những khó khăn gì không, thưa ông?
- Thực tế Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam đã làm hoạt động cứu trợ này nhiều năm và thực hiện bài bản, có cả quy trình chuẩn trong việc ứng phó với thảm họa. Vì vậy, việc thực hiện được làm từng bước trình tự, cơ bản không có khó khăn quá lớn.
Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi trên, việc tổ chức thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là vì nguồn lực trong nước hạn chế, bị phân tán do có nhiều tổ chức cá nhân cùng đứng lên kêu gọi từ thiện. Năm 2009 - 2013, cả cơ quan Trung ương Hội chất hàng hóa đầy kín, vì người dân qua ủng hộ rất đông. Thế nhưng hiện nay có xu hướng là người dân đi ủng hộ trực tiếp rất nhiều.
Ngoài ra, khó khăn nữa là do đợt này nước dâng lên rất nhanh. Mặc dù khả năng ứng phó của người dân nhanh, nhưng do quy mô thiệt hại rộng, tình trạng ngập lụt nhiều, địa hình chia cắt nên việc tiếp cận, cứu trợ, điều phối gặp nhiều khó khăn. Việc kiểm tra, giám sát công tác cứu trợ cũng gặp khó.
Xã hội hóa công tác từ thiện nhưng cần được quản lý
Hiện nay cũng có nhiều tổ chức, cá nhân tự tổ chức các đoàn từ thiện (tự phát). Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Đảng, Nhà nước có chủ trương xã hội hóa hoạt động từ thiện nhân đạo, làm sao để lôi cuốn được nhiều tổ chức cá nhân tham gia. Đấy là chủ trương đúng, nó không chỉ là quan điểm mà còn được thể hiện ngay trong Nghị định 64/2008/NĐ -CP, cụ thể là Khoản 1 điều 2 nghị định 64 quy định "Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tỏ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả và thiên tai hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Tuy vậy, ngay trong điều 4, Nghị định 64 cũng quy định chỉ có 4 tổ chức chính thống được kêu gọi vận động ủng hộ là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội từ thiện được cấp phép, và thứ 4 là các cơ quan thông tin đại chúng (báo đài).
Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tham gia hoạt động từ thiện, tăng nguồn lực, nhưng cũng quy định rõ các đầu mối vận động, tập hợp nguồn lực hỗ trợ. Như vậy, các tổ chức, cá nhân khi kêu gọi ủng hộ phải thông qua các tổ chức này để thực hiện điều phối tổ chức hoạt động từ thiện.
Hiện nay, hoạt động từ thiện được Hội Chữ Thập Đỏ triển khai chuyên nghiệp, ở nhiều cấp độ, tuân thủ tiêu chuẩn tối thiểu trong cứu trợ nhân đạo. Đó là khi cứu trợ khẩn cấp phải đảm bảo cung cấp đủ: Nước uống, lương thực thực phẩm, chỗ ở an toàn, hỗ trợ y tế. Có vậy việc hỗ trợ mới chuyên nghiệp và hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc tiến hành hỗ trợ cần thực hiện theo quy trình 5 bước, bài bản: Thứ nhất là phòng ngừa; thứ hai là ứng phó khẩn cấp; thứ ba là gia đoạn phục hồi; thứ tư là tái thiết, điện đường trường trạm...; thứ năm là giảm nhẹ, tăng khả năng chống chọi của cộng đồng. Nếu các tổ chức cá nhân làm tự phát thì chỉ có thể làm được cứu trợ khẩn cấp, và khó có thể thường xuyên liên tục, hiệu quả toàn diện.
Vấn đề xã hội hóa công tác từ thiện, trọng tâm là việc thực hiện phối hợp giữa các nhân, tổ chức từ thiện tự phát với các tổ chức từ thiện do nhà nước quản lý và cấp phép được thực hiện thế nào thưa ông?
- Có thể nói, công tác từ thiện ở Việt Nam như trăm hoa đua nở. Tuy nhiên, phải thừa nhận công tác phối hợp nói chung ở Việt Nam nhiều nơi còn chưa tốt.
Ngay trong chỉ thị 43 của Trung ương Đảng, về sự tăng cường của Đảng với Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề. Việc phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ Thập đỏ trong việc ban hành một quy trình phối hợp chưa được thực hiện xong. Nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện đóng góp qua các tổ chức chính thống, nhưng vẫn có những cá nhân tổ chức ví dụ như: Thủy Tiên, Phan Anh... tự làm từ thiện. Tất nhiên bên cạnh những cái được thì hoạt động tự phát cũng chứa đựng nhiều rủi ro.
Thời gian qua Hội đã kêu gọi sự phối hợp nhưng việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, lý do là các nhân vật này không muốn phối hợp. Cụ thể, Hội đã liên hệ với nhóm của người nổi tiếng như ca sĩ Thủy Tiên. Tuy nhiên, việc tiếp cận với họ không dễ, vì họ không muốn.
Tinh thần là chúng tôi không cần các đơn vị này chuyển tiền qua Hội mà có thể chỉ cần họ đồng ý phối hợp thì Hội sẽ chuẩn bị địa điểm, đối tượng lên danh sách cung cấp để bên phía họ trao quà. Hội thực hiện vai trò cầu nối, điều phối nhằm hỗ trợ việc thực hiện từ thiện được công bằng, hiệu quả.
Người nổi tiếng tổ chức quyên góp làm từ thiện không sai luật
Hiện nay có một số cá nhân là người nổi tiếng đang quyên góp, ủng hộ từ thiện. Điều này có sai với các văn bản luật hiện hành quy định về hoạt động từ thiện không?
- Nếu hiểu đúng theo Nghị định 64 thì chỉ có 4 tổ chức được quy định nêu trên được kêu gọi tiếp nhận ủng hộ từ thiện. Tuy nhiên, nếu chiếu theo điều 2 của Nghị định thì bất kỳ cá nhân nào cũng có quyền được "đóng góp và tổ chức vận động đóng góp". Đây chính là điều chưa chặt chẽ trong văn bản. Vì thế nếu nói hoạt động kêu gọi từ thiện của người nổi tiếng là sai thì không đúng.
Hội Chữ Thập Đỏ có lời khuyên nào cho các tổ chức, cá nhân có ý định tham gia hoạt động từ thiện không?
- Về phía Hội chúng tôi khuyến nghị các tổ chức, cá nhân tự phát nên thông qua tổ chức chuyên nghiệp, có kết nối để điều phối các hoạt động cứu trợ. Nếu không thông qua Hội Chữ Thập Đỏ, thì phải thông qua địa phương, nếu không sẽ gây khó khăn cho các hoạt động từ thiện và chính quyền địa phương trong việc triển khai phân bổ nguồn lực.
Việc tuân thủ sẽ đảm bảo việc thực hiện cứu trợ chuyên nghiệp, lựa chọn đúng các đối tượng dễ bị tổn thương nhất để hỗ trợ. Đồng thời, nó cũng giúp ích cho quá trình kiểm tra, giám sát vì có danh sách, số điện thoại để kiểm tra giải trình sau hỗ trợ.