Dân Việt

NSƯT Ngọc Ánh: Đêm thơ Xuân Quỳnh là bài toán khó khi kết hợp giữa lãng mạn và trẻ trung

Thanh Hà (thực hiện) 24/10/2020 12:50 GMT+7
Chương trình "Trời biếc thu sang" do đạo diễn, NSƯT Ngọc Ánh - PGĐ Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, kết hợp giữa âm nhạc trẻ trung và những bài thơ lãng mạn của nhà thơ Xuân Quỳnh. Dân Việt đã có cuộc trò chuyện cởi mở về chương trình với nữ đạo diễn.

Tối nay 24/10, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ ra mắt chương trình nghệ thuật với tựa đề "Trời biếc thu sang" trong đó bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh như "Trời trở rét", "Thơ tình cuối mùa thu", "Lại bắt đầu", "Hoa cỏ may" sẽ được chị đạo diễn và đưa lên sân khấu. Thông thường Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức đêm nghệ thuật của cả tác giả Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Nhưng năm nay, Nhà hát lại tổ chức riêng chương trình với các bài thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh, vì sao vậy?

- Xuất phát từ thông lệ Nhà hát Tuổi trẻ, năm nào chúng tôi cũng tổ chức tháng kịch của Lưu Quang Vũ. Mặc dù kịch của tác giả Lưu Quang Vũ đều được dựng lại theo cách mới, thế nhưng cứ mỗi năm chúng tôi lại muốn những ngày kỷ niệm của hai cố nghệ sĩ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh với sự sáng tạo mới.

NSƯT Ngọc Ánh: Đêm thơ Xuân Quỳnh là bài toán khó khi kết hợp giữa lãng mạn và sự trẻ trung  - Ảnh 1.

NSƯT Ngọc Ánh – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ

Năm nay ngoài những đêm kịch của tác giả Lưu Quang Vũ, Nhà hát còn muốn làm đêm thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh. Chương trình nghệ thuật "Trời biếc thu sang" được thể hiện với những bản tình ca được yêu thích như: "Nhớ mùa thu Hà Nội" (Trịnh Công Sơn), "Đâu phải bởi mùa thu", "Khúc mùa thu" (Phú Quang), "Thu cạn" (Giáng Son), "Chỉ còn những mùa nhớ" (Minh Min), Ngày chưa giông bão (Phan Mạnh Quỳnh), "Chỉ là giấc mơ" (Kim Ngọc), "Nồng nàn Hà Nội" (Nguyễn Đức Cường), "Những mùa đông yêu dấu" (Đỗ Bảo)...

Và song song đó là những bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh như "Trời trở rét", "Thơ tình cuối mùa thu", "Lại bắt đầu", "Hoa cỏ may" và một bài duy nhất của tác giả khác "Ngược lối thu sang" (Bùi Kim Anh) sẽ được biểu đạt mang dáng dấp nhạc kịch Broadway.

Đêm nghệ thuật "Trời biếc thu sang" không phải là đêm nhạc sôi động mà là chương trình thiên về lãng mạn. Nên tất cả phần trầm sẽ được thể hiện bằng thơ. Còn những khoảng tạo tiết tấu liên tục trên sân khấu thì sẽ được thể hiện bằng âm nhạc.

Đây là chương trình dành cho những người yêu Hà Nội nên tôi đã chọn ca sĩ Hà Lê với những ca khúc của nhạc Trịnh được bạn ấy làm mới như "Nhớ mùa thu Hà Nội".

Điều khó khăn nhất đối với chị khi làm đạo diễn đêm nghệ thuật "Trời biếc thu sang" là gì?

- Tôi nghĩ thơ thường được tác giả viết ra với những gì tinh tuý, chắt lọc nhất, một bài thơ có thể hai khổ, ba, hay nhiều thế nhưng cũng chỉ từng đó con chữ. Thậm chí cái hay nhất của cả bài thơ có khi chỉ dồn trong một câu thơ. Nếu như khi thơ được chuyển tải sang thể loại văn học thì sẽ dễ dàng để diễn giải ra tới 5 đến 7 chương cho một bài thơ. 

Nhưng với sân khấu đấy lại là bài toán khó. Bởi làm sao để thơ khi được giải mã trên sân khấu mà không tạo khoảng cách và gây nhàm chán cho khán giả.

NSƯT Ngọc Ánh: Đêm thơ Xuân Quỳnh là bài toán khó khi kết hợp giữa lãng mạn và sự trẻ trung  - Ảnh 2.

Ở đêm nghệ thuật này, thơ sẽ được chuyển tải trên sân khấu bởi các yếu tố như múa, âm nhạc, họa, thông qua sự thể hiện của các bạn trẻ đa năng. Tôi ví dụ trong chương trình, hoạ sĩ Lê Vi sẽ là người đọc thơ, nhưng cách đọc hiện đại, bởi chúng tôi đan xen cả yếu tố sân khấu, tính kịch trong đó. Khi bài thơ được đọc lên, chúng tôi sẽ sử dụng múa đương đại để miêu tả lại bài thơ, đồng thời hoạ sĩ Lê Vi sẽ lưu lại những cảm xúc đó vào trong bức tranh. Lúc đó hoạ sĩ Lê Vi mới bắt đầu vẽ bức tranh, vẽ trực tiếp trên sân khấu chứ không phải là một bức tranh đã vẽ sẵn trước đó. 

Tức là chúng tôi muốn khán giả đến xem thơ và cảm nhận thơ trực tiếp ở trên sân khấu, chứ không phải chỉ đơn thuần một người đứng ngâm thơ bên cạnh là một người chơi đàn. 

Một điểm nhấn nữa là mix thơ. Thông thường trong âm nhạc khán giả sẽ thấy các ca khúc được mash up với nhau. Ở đêm nghệ thuật này, bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh là "Trời trở rét" và "Ngược lối thu sang" của nhà thơ Bùi Kim Anh sẽ được NSƯT Sĩ Tiến mix với nhau và các ca sĩ trong chương trình sẽ đọc các bài thơ này. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn đối với các bạn trẻ, bởi đọc thơ và cảm nhận về thơ không dễ. Chính vì vậy mà có hôm tập các bạn bị trôi cảm xúc, khó để ăn nhập với các yếu tố khác trên sân khấu.

NSƯT Ngọc Ánh: Đêm thơ Xuân Quỳnh là bài toán khó khi kết hợp giữa lãng mạn và sự trẻ trung  - Ảnh 3.

Được biết chị cũng đang có dự định tới đây là đêm nhạc kịch về thơ Xuân Quỳnh?

- Thông thường khi nhắc tới Lưu Quang Vũ thì sẽ nghĩ tới Xuân Quỳnh, họ luôn là cặp đôi song hành, không thể thiếu nhau. Và tôi nghĩ vì sao mình không có góc nhìn mới, khác mọi năm, ví dụ về thơ Xuân Quỳnh. Thế là tôi bắt đầu nghiên cứu và đọc thơ Xuân Quỳnh. Khi đọc hết tập thơ này tới tuyển tập thơ khác của Xuân Quỳnh, tôi hiểu về con người, về cuộc sống của Xuân Quỳnh nhiều hơn, từ đây tôi nảy ra ý tưởng chuyển tải thơ Xuân Quỳnh lên sân khấu thông qua nhạc kịch.

Có một điều khá thú vị, tôi là diễn viên múa, từng học múa, và nhà thơ Xuân Quỳnh cũng là diễn viên múa, nên tôi cảm thấy có sự đồng cảm nào đó. Tôi dự định vở nhạc kịch đó sẽ được dựng năm 2021 và dự kiến tên của đêm nhạc kịch là "Thuyền và biển".

Tôi tìm hiểu và nhận ra rằng, thời kỳ nhà thơ Xuân Quỳnh là diễn viên múa cũng chính là thời gian nuôi dưỡng tâm hồn, để rồi sau đó những áng thơ, vần thơ hay được ra đời. Đặc biệt, đây cũng là thời kỳ tạo nên những vần thơ trong sáng, trong trẻo của chị.

Ngoài ra, bài toán khó nữa với tôi là sự kết hợp giữa sự lãng mạn của thơ với sự sôi động, trẻ trung của âm nhạc. Chính vì vậy mà tôi đã chọn và mời các bạn ca sĩ trẻ tham gia chương trình. Tôi cho đó là cái mới, là sự sáng tạo. Tuy nhiên, với người nghệ sĩ, cái gì mới, sáng tạo cũng thường hay bị vấp. Nhưng tôi hy vọng sự sáng tạo này sẽ được khán giả ghi nhận, nhất là những người yêu thơ, rằng chúng tôi đã tâm huyết, muốn mang thơ đến gần hơn với khán giả.

Điểm nhấn của vở nhạc kịch "Thuyền và biển" này sẽ được dựng như thế nào, chị có thể bật mí?

- Trước tiên chúng tôi sẽ phải đào tạo, tuyển dụng diễn viên múa 3 trong 1. Bởi hiện nay diễn viên đơn thuần chỉ biết đơn môn, tức là một diễn viên nếu đào tạo múa thì chỉ biết múa nhưng lại không biết hát hay diễn xuất. Trong khi những diễn viên nhạc kịch lại đòi hỏi một diễn viên phải vừa biết múa, diễn xuất và hát, gần như 3 kỹ năng phải như kiềng ba chân khi diễn trên sân khấu. Chính vì vậy chúng tôi sẽ phải lên kế hoạch tuyển dụng và đào tạo các bạn trẻ trước, sau đó mới tính đến kế hoạch tập luyện như thế nào.

Tôi cũng không thể tiết lộ quá nhiều về vở nhạc kịch, bởi như thế sẽ mất tính hấp dẫn. Tuy nhiên, tôi có thể tiết lộ, chúng tôi sẽ không khai thác toàn bộ cuộc đời của nhà thơ Xuân Quỳnh, mà chỉ mang đến một lát cắt được đưa vào vở. Và mặc dù đây là đêm nhạc kịch nhưng sẽ không thiếu những yếu tố mang tính giải trí để thu hút các bạn trẻ.

Xin cám ơn chị!