Dân Việt

Nhà nông vùng lũ trắng tay, mong có cây, con giống

Nhóm P.V 24/10/2020 06:04 GMT+7
Tại tâm lũ tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, có những hộ nông dân mất trắng hàng chục tấn lúa, hàng nghìn vật nuôi chết vì nước lụt, hàng chục ha nuôi trồng sắp tới hồi thu hoạch bị ngập và cuốn trôi.

Trắng tay sau mưa lũ, bà con đã thấy thiếu đói cận kề, và điều họ mong ngóng nhất là được hỗ trợ cây, con giống để khôi phục sản xuất.

Gì cũng cần nhưng cần nhất là con giống

Sáng 23/10, đứng bên những bao lúa ngâm trong nước nhiều ngày đã mọc mầm, bà Hoàng Thị Thu (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) nước mắt ngắn dài nói: "Lũ lên quá nhanh, leo lên được nóc nhà, chúng tôi chỉ có một chiếc bánh mì, một gói mì tôm sống và một chai nước sạch để chống chọi. Rồi khi lũ rút mọi thứ bị cuốn trôi, bao nhiêu con giống, cây trồng, hoa màu cũng trôi hết. Tới khi rũ rút dần, chúng tôi mong có những gói hạt rau, những giống cây trồng và được hỗ trợ giống lợn, gà để sinh kế sau này".

Ông Trần Văn Hoan (huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ: "Những ngày qua, chúng tôi nhận được nhiều mì tôm, thực phẩm giúp chúng tôi tránh đói. Tuy nhiên, về lâu về dài, chúng tôi mong nhận được hạt giống, cá giống để phục hồi sản xuất".

Nhà nông vùng lũ trắng tay,  mong có cây, con giống - Ảnh 1.

50 tấn lúa của hộ ông Cao Xuân Nghị (thôn Tả Phan, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) ngập nước nhiều ngày. Ảnh: L.T

"Huyện chúng tôi thiệt hại quá lớn. Bà con nông dân thiệt hại càng nặng. Chúng tôi rất mong Báo NTNN đồng hành, kêu gọi hỗ trợ cho địa phương con giống, cây giống, vật lực cho nông dân trên địa bàn".

Ông Phạm Trung Đông - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình)

Ghi nhận của phóng viên NTNN tại xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên) và một số xã vùng hạ du tỉnh Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc mưa lớn và xả lũ của hồ chứa, thứ nông dân đang rất mong muốn về lâu dài là trâu, bò giống, lợn giống, gà giống, vịt giống, cá tôm giống, lúa ngô giống…

"Trước mắt, mong các đơn vị có thể giúp cho bà con vùng lũ chúng tôi những vật dụng thiết yếu mỗi ngày như nồi, bếp, áo quần, sách vở cho con đi học. Sau đó, thứ quan trọng là cây con giống để khôi phục sản xuất, giữ sinh kế lâu dài" - anh Trần Tuấn (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) mong mỏi.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hà Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên nói: "Hầu hết lúa gạo của các hộ nông dân đều đã bị nước nhấn chìm, mọc mầm, hư hại. Nhiều nhà chẳng còn thứ gì để nấu. Nếu được xin hãy giúp bà con một ít tiền mặt để họ tự mua vì hàng hóa đã lưu thông trở lại sau lũ. Sau nữa là mong các Mạnh Thường Quân hỗ trợ cây, con giống cho nông dân".

Ông Đặng Ngọc Sơn- Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh cho hay: "Sau khi lũ rút, bà con nông dân cần được hỗ trợ con giống và cây trồng để khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống lâu dài. Ngoài nỗ lực của tỉnh, cũng mong các tổ chức, cá nhân đoàn thể phối hợp với địa phương để hỗ trợ, giúp bà con nông dân".

"May giữ được mạng, nói chi tài sản"

Nhà nông vùng lũ trắng tay,  mong có cây, con giống - Ảnh 3.

Những con bò bị chết do lũ ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Mỹ Hà

Quảng Trị lên phương án khôi phục sản xuất

Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, mưa lũ những ngày qua đã làm 363ha lúa ở tỉnh này bị thiệt hại hoàn toàn, trong đó nặng nề nhất là huyện Hướng Hóa 306ha. Diện tích hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn là hơn 2.613ha; gần 100ha cây trồng lâu năm bị hư hỏng. 1.108ha cây trồng hàng năm như sắn, ngô, chuối… bị hủy hoại hoàn toàn. Nghiêm trọng nữa là 686 tấn lúa giống và hơn 47.000 tấn lúa lương thực bị trôi, ẩm ướt, hư hỏng. Đất nông nghiệp bị vùi lấp là 44,3ha.

Quảng Trị còn bị thiệt hại nặng về chăn nuôi khi 5.835 con gia súc và hơn 550.000 con gia cầm bị lũ cuốn trôi, chết, hơn 1.100ha tôm, cá bị cuốn trôi.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đang tính toán, lên phương án để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ. Trong đó, rất cần Chính phủ, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… giúp đỡ về cây, con giống, phân bón…, chủ yếu là giống lúa, hoa màu cho nhân dân khôi phục sản xuất để ổn định cuộc sống lâu dài.

Ngọc Vũ

Tại Quảng Bình, hôm qua nhiều thôn, xã của huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh vẫn ngập sâu, nhiều đoạn đường, ôtô, xe máy vẫn chưa thể lưu thông.

Gặp phóng viên NTNN, ông Lê Văn Can (thôn Thượng Hậu, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết nhà cũng bị ướt 2 tấn lúa. "Bố mẹ tôi bị tật khó đi lại. Lũ về quá nhanh, trong chớp mắt đã tới bụng rồi ngập tới cổ. Tôi chỉ kịp bế bố mẹ tôi chạy thoát, còn đâu bỏ lại hết toàn bộ tài sản. Mong ước lớn nhất của gia đình tôi bây giờ là có lúa giống để sản xuất vụ mới và lợn giống để tạo sinh kế cho thời gian tới" - ông Can ao ước.

Chị Lê Thị Vinh Tân (xã Võ Ninh, Quảng Ninh) buồn bã cho biết: "Lũ khủng khiếp khiếp quá, cả xã ngập chìm trong biển nước. Nhà tôi hơn 1 tấn lúa, hơn 3 tạ gạo bị ngập nước ẩm mốc, nảy mầm, 6 con lợn bị chết sắp xuất chuồng. Hôm nay nước rút dần, trời hửng nắng, tôi tranh thủ đưa lúa, gạo ra phơi để làm thức ăn cho gà, vịt sau này".

Còn ông Lê Văn Duân (thôn Tả Phan, xã Duy Ninh) thất thần nói: "Nhà tôi trống trơn sau lũ lịch sử, lũ cuốn trôi 6 con bò, 5 con lợn, 5 tạ lúa ngập nước đã nảy mầm. Từ lúc sinh ra cho đên giờ tôi mới chứng kiến trận lũ khủng khiếp thế này. Giờ trắng tay rồi, không biết khi nào mới vực lại được. Bây giờ chỉ cầu cứu các cấp các nghành quan tâm, giúp đỡ".

3 giờ sáng, nước lũ dâng lên quá đầu người, cả gia đình anh Cao Xuân Nghị (thôn Tả Phan, xã Duy Ninh) chỉ kịp chạy bảo toàn mạng sống, 50 tấn lúa ngập trong nước, mất trắng, 10 tấn phân bón cũng hỏng sạch. "Trời hửng nắng, gia đình tôi nhờ cả xóm bốc dỡ số lúa ngập nước ra phơi. Tiền ăn, tiền học của các con trông chờ vào đó, bây giờ mất sạch rồi. Lúa bị đổi màu, toàn bộ gạo đã xát xong cũng bốc mùi hôi thối" - bà Lê Thị Duyên (vợ ông Nghị) khóc và cho hay.

Khi gặp phóng viên, bà Lê Thị Lài (SN 1955, thôn Tiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) đang phơi lúa bên quốc lộ mếu máo cho biết: "Lũ lên nhanh nhất từ 1 giờ tới 3 giờ sáng, cả nhà không thiệt mạng đã là may. Nhà tôi nước ngập hơn 2m, tất cả tài sản trong nhà bị ngập hoàn toàn, 100 con gà chết, 5 tạ lúa ngâm nước đã nảy mầm. May các đoàn cứu trợ cho mấy thùng mì tôm, gạo, nước sạch để ăn uống sau lũ. Giờ tôi rất cần lúa giống, gà giống để tái sản xuất".

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Kỷ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Thiệt hại nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Ninh là quá lớn, hiện tại chưa thể thống kê được cụ thể. Nhưng qua nắm bắt của chúng tôi, người dân cần nhất lúc này là lúa giống, giống các loại gia súc, gia cầm để có thể chuẩn bị bước vào vụ mới cũng như tái nuôi trồng".