Dân Việt

Bí thư mới tái đắc cử phân tích 3 nguồn lực đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trần Hòe 23/10/2020 20:53 GMT+7
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, việc xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị là nhiệm vụ rất khó khăn và nặng nề.

Chiều 23/10, sau khi tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, với số phiếu tuyệt đối, ông Lê Trường Lưu đã chủ trì cuộc họp báo thông tin về kết quả Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.

Tại cuộc họp báo, nói về việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, ông Lê Trường Lưu cho biết, đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và nặng nề.

Bí thư TT-Huế tái đắc cử phân tích 3 nguồn lực đưa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương  - Ảnh 1.

Ông Lê Trường Lưu chủ trì họp báo thông tin về kết quả Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh sau khi tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Ảnh: Trần Hòe.

Ông Lê Trường Lưu cho hay, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiệm vụ này trong nghị quyết của Đại hội Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025, đã nêu rất rõ. Để thực hiện được nhiệm vụ này nghị quyết của Đại hội đã đưa ra loạt nhóm giải pháp và xác định phải thực hiện quyết liệt.

Theo ông Lê Trường Lưu, việc xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là liên quan đến vấn đề đô thị. Cụ thể, mục tiêu đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là phải nâng cấp các đô thị, kể cả thành phố Huế. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo các tiêu chí đô thị của Quốc hội quy định đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì Thừa Thiên Huế sẽ không đạt chuẩn.

"Nếu như chúng ta đi theo con đường tiêu chí đô thị của Quốc hội theo Nghị quyết 1210 và Nghị quyết 1211 thì chúng ta không thể đủ chuẩn để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Suốt 10 năm thực hiện Kết luận 48 tỉnh hết sức lúng túng, cảm thấy như đi thi nhưng không bao giờ đậu"- ông Lê Trường Lưu nói.

Bí thư TT-Huế tái đắc cử phân tích 3 nguồn lực đưa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương  - Ảnh 2.

Đô thị Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Hòe.

Ông Lê Trường Lưu cho biết, lần này Trung ương hết sức quan tâm việc xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bởi lẽ, hiện chỉ còn Huế là một thành phố có đặc thù riêng, nét văn hóa riêng, một cố đô còn tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Chính điều này đã khiến Bộ Chính trị đồng ý cho Thừa Thiên Huế có cơ chế đặc thù khi xây dựng tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

"Tỉnh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một bộ tiêu chí riêng cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Tức là không thực hiện một số tiêu chí đô thị hiện đại như Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội… Đô thị chúng ta là đô thị di sản, mật độ đô thị giảm, và một số yếu tố khác thì tăng nhiều hơn, như vậy mới đủ chuẩn…" - ông Lưu nói.

Theo ông Lê Trường Lưu, có 3 nguồn lực  để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nguồn lực thứ nhất là nguồn lực nội tại của tỉnh. Nguồn lực này là từ ngân sách, từ quỹ đất, phát triển cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, kêu gọi đầu tư để có nguồn thu ngân sách. Nguồn lực thứ hai là xin nguồn hỗ trợ từ Trung ương, và nguồn lực thứ ba là kêu gọi đầu tư để phát triển các khu đô thị…

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, hiện tỉnh đang triển khai một cách rốt ráo để Trung ương có cơ chế đặc thù cho tỉnh. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025, cũng đã có chương trình hành động cụ thể về phát triển các lĩnh vực nhằm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.