Đâu đâu cũng ngập
Chúng tôi có mặt tại Quảng Bình khi mưa vẫn chưa dứt, chỉ nhẹ hạt hơn. Đường về Thanh Thủy, Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vẫn ngập sâu hơn nửa mét.
Một lái xe tải chở hàng cứu trợ mang biển số Nghệ An nói với chúng tôi: "Xe các anh qua được, xe ô tô con 4 chỗ thì nên để lại vì nước còn ngập sâu lắm, càng vào sâu nước càng cao".
Điều ấm lòng là chỉ sau ít ngày khi đỉnh lũ cao tới lút mái nhà dân Thanh Thủy, Hồng Thủy đã có nhiều đoàn cứu trợ từ của nhiều tổ chức đến từ khắp mọi miền tổ quốc có mặt tại đây, từ TP.HCM, Cà Mau, Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Chưa bao giờ, người Bắc, Trung, Nam không ai bảo ai cùng hội tụ, cùng nhau ở vùng tâm lũ Quảng Bình nhiều như vậy.
Hầu hết đều chạy xe tải, bán tải, gầm cao. Có đoàn mang theo cả canô, kéo theo thuyền, thuyền hơi… để tiện vào vùng lũ ngập.
Nhiều nhà hàng tại Quảng Bình giảm giá, chỉ thu giá vốn với tập thể, cá nhân tới Quảng Bình cứu trợ.
Nhiều khách sạn giảm giá hoặc không lấy tiền phòng lưu trú của những Mạnh Thường Quân.
Trong nhiều tỉnh thành, lãnh đạo Quảng Bình lâu nay vốn được xem là gần gũi với dân, đoàn công tác của chúng tôi thường xuyên kết nối với ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy và ông Phạm Trung Đông - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh đều nhận được hướng dẫn, tạo điều kiện.
"Từ khi có cảnh báo lũ, lũ lên, anh em chúng tôi luôn cầm sẵn sạc pin dự phòng trên tay, bật máy 24/24h để tiếp nhận điện thoại của người dân khi nhân dân cần hỗ trợ, sơ tán. Sau khi lũ rút dần, chúng tôi lại hướng dẫn cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện việc cứu trợ trên địa bàn. Không có dân sao có mình. Thời điểm này, trách nhiệm của mình phục vụ dân, giúp dân được chừng nào là hạnh phúc chừng ấy" - ông Phạm Trung Đông - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh chia sẻ.
Để có thể chuyển hàng cứu trợ vào Lệ Thủy, ông Lê Công Toán - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình liên tục gọi điện cho địa phương, thôn, xã để có thuyền vào.
Trên đường vào, chúng tôi có ghé nhà của hai em bé Quân, Quý (thôn 3 Thanh Tân, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy) thiệt mạng trong đợt lũ vừa qua, đoàn phải đi thuyền vào và đi bộ một đoạn dài.
Gia cảnh của gia đình anh chị Hoàng Văn Đức, Ngô Thị Thơm (bố mẹ của hai cháu Quân, Qúy) rất éo le. Gia đình thuần nông, nguồn sinh kế duy nhất là ao cá, tôm, đàn gà vịt cũng trôi sạch.
Cán bộ thôn cho biết, lũ lên nhanh quá, hai anh em ruột, bé Quý (6 tuổi), bé Quân (10 tuổi) được người chú đưa lên thuyền đi tránh lũ gặp gió mạnh, sóng to, nước sâu, thuyền lật tới hai lần khiến cả hai em tử nạn.
Nước rút 3m, còn ngập 2m
Tại xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy), những chiếc bánh tét được người dân huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) thức đêm nấu, gửi vào cho kịp đã tới tay người dân xã Hồng Thủy, nơi ngập nặng.
Quần áo, mì tôm, gạo, nước sạch… cũng được trao tận tay người dân.
Xã Thanh Thủy bố trí cho đoàn 5 chiếc thuyền để vào sâu trong vùng lũ của thôn 4 Thanh Tân đang ngập rất sâu.
Gia súc, gia cầm chết nổi trên mặt nước. Nước đã rút xuống gần 4m nhưng những cột đèn vẫn ngập lút dưới nước.
Tường bao, cổng vào nhà dân đều còn chìm trong nước. Những người chèo thuyền liên tục dặn chúng tôi đừng để bàn tay, chân thò ra ngoài đò rất nguy hiểm vì nhiều chướng ngại vật.
Thật vậy, do nước chỉ còn ngập chừng 2-3m nên thi thoảng con đò mà chúng tôi ngồi lại va phải những bức tường, bờ rào, cột đèn, vật cản chìm sâu dưới nước mà bằng mắt thường khó nhìn thấy được.
Những chiếc xe máy khi nước đã rút hơn 3m chỉ có thể nhìn thấy một bên gương nhô lên.
Ông Trần Quốc Phú - Bí thư Chi bộ thôn 4 Thanh Tân cho hay, người dân chỉ kịp dìu nhau lên nóc nhà chờ thuyền tới cứu, sợ quá, chưa về, còn tài sản phải bỏ lại hết.
"Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, cũng đối mặt với nhiều cơn lũ dữ nhưng tôi chưa thấy một cơn lũ nào to như đợt này. Nước dâng lên từ 1h sáng và tới 3h sáng đã lút đầu người. Cứ thế, nước dâng lên, tất cả người dân chỉ còn nước tìm thoát thân. Tài sản, trâu bò, gà lợn… bỏ lại hết. Lúc đấy chỉ nghĩ giữ mạng thôi" - ông Nguyễn Công Lành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Thủy sởn da gà khi kể lại chuyện chạy lũ.
Đón những nhu yếu phẩm trên tay, bà Dương Thị Tuyết (thôn 4 Thanh Tân, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy) rưng rưng xúc động: "Cảm ơn các chú dù biết khó khăn nhưng đã vào tận nhà. Bốn bề đều ướt hết nên những ngày này có ít tiền để mua được đồ tiêu dùng cho cuộc sống cũng không dễ. Những đồ này quý lắm!".
Lời cảm ơn từ nông dân vùng lũ
Tại xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), 50 tấn lúa của hộ ông Cao Xuân Nghị (thôn Tả Phan, xã Duy Ninh) dù đã kê lên rất cao, cao hơn mức bình quân của nhiều năm có lũ, tới giờ, toàn bộ 50 tấn lúa đã bị ngâm nước.
"3h sáng 18/10, nước lũ dâng lên quá đầu người, cả gia đình chỉ kịp chạy bảo toàn mạng sống, 50 tấn lúa ngập trong nước, mất trắng. 10 tấn phân bón cũng hỏng sạch. Gia đình tôi giờ kiệt quệ, trắng tay" - ông Nghị mếu máo.
Trên đường vào thôn Tả Phan, xã Duy Ninh, chúng tôi bắt gặp một cụ già tầm hơn 80 tuổi đang loay hoay một mình trong bờ rào với khấc nước còn in dấu bùn trên mái ngói.
Cụ tên Hoàng Thị Toan (85 tuổi, trú tại thôn Tả Phan). Cụ nói 2 ngày nước ngập, cụ chỉ biết bám vào nóc nhà chờ người tới cứu.
"Mệ (mẹ) sống một mình. Ba ngày mệ (mẹ) phải nhịn đói rồi" - cụ Toan vừa khóc vừa nói.
Chị Lê Thị Hoài (thôn Tả Phan, xã Duy Ninh) bế theo đứa con mếu máo: "Nhà có mỗi cửa hàng tạp hóa bán cho người trong thôn đã trôi sạch. Thóc ướt 1 tấn chắc phải bỏ đi vì nước ngập chưa phơi được. Gà, vịt chết gần hết. Nghe nói ngoài đường cái (đường lớn) có đoàn từ thiện mang cơm qua, tôi muốn ra xin hộp cơm mà hết rồi. Trưa nay hai mẹ con nhịn vậy".
Hành trình tới vùng lũ Quảng Bình (VPBMT).
Chúng tôi cũng chỉ kịp dúi vội cho cụ Toan, bé con của Hoài chút tiền rồi tiếp tục hành trình vào những hộ khác còn chia cắt.
Trong hành trình tại tâm lũ Quảng Bình những ngày qua, chúng tôi, những phóng viên của NTNN/Dân Việt bắt gặp không ít những mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu vì lũ.
Có thể nói, trận lũ lụt lịch sử vừa qua tại Quảng Bình đã gây nên mất mát, đau thương rất lớn cho người dân nơi đây.
Hơn bao giờ hết, ngay trong thời khắc này, người dân vùng tâm lũ các địa phương mong nhận được sự động viên, chia sẻ về tinh thần, vật lực từ mọi miền Tổ quốc.
Thời khắc này, càng có nhiều sự hỗ trợ cũng đồng nghĩa với việc thêm những mảnh đời trong mưa lũ được sưởi ấm.
Chúng tôi tạm rời Quảng Bình khi hàng trăm đoàn cứu trợ vẫn tiếp tục đổ dồn về. Và, tôi tin sẽ còn có nhiều đoàn vào, mang theo những tình cảm, gửi gắm của người dân khắp mọi miền Tổ quốc gửi về cho nhân dân Quảng Bình.
Với sự chung tay, yêu thương, san sẻ của cả nước, tôi tin một ngày mai, những thôn, xã xơ xác vì mưa lũ ngày hôm nay sẽ lại hồi sinh như lời bài hát Quảng Bình quê ta ơi mà chúng tôi đang nghe:
Quảng Bình quê ta ơi !
Giữ lấy đất trời của quê hương ta
Giữ lấy những gì mà ta yêu quý
Quảng Bình quê ta ơi…
Và ngày mai, chúng tôi sẽ trở lại…
Hành trình đến với Quảng Bình xin gửi lời cảm ơn: Công ty Toyota Oil Phương Lê, Hội Phật tử Hoa Đàm, ông Trần Hữu Giáp, ông Nguyễn Văn Tuấn, Sư thầy Thích Đàm Nghiên, bà Khánh Sơn, Lê Thị Ngọc, bà Nguyễn Thị Nhung…