Dân Việt

“Mách nước” nông dân trồng lúa vụ đông xuân

Công Tâm 26/10/2020 06:57 GMT+7
Vừa qua, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ NNPTNT đã phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, vụ mùa 2020 và triển khai kế hoạch vụ đông xuân 2020 - 2021 các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Chuyển đổi nhiều vùng lúa kém hiệu quả

Đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết, vụ hè thu, vụ mùa năm 2020 diễn biến thất thường, nắng nóng khô hạn xảy ra gay gắt vào đầu vụ trên diện rộng ở hầu hết các tỉnh, thành duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng. Một số diện tích lúa vụ hè thu phải dừng sản xuất hoặc kéo giãn thời vụ gieo trồng.

Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt trên 300.600ha lúa, giảm 19.600ha, năng suất bình quân ước đạt 65,76 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1,9 triệu tấn, giảm 112.000 tấn so với vụ đông xuân 2018 - 2019.

Riêng vụ hè thu 2020, diện tích lúa ước đạt 162.000ha, giảm 17.000ha; năng suất ước đạt 60,97 tạ/ha, tăng 1,04 tạ/ha; sản lượng ước đạt 987.000 tấn, giảm 85.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, vùng duyên hải Nam Trung Bộ gieo trồng 156.000ha, giảm 17.000ha, năng suất ước đạt 61,30 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha, sản lượng 965.000 tấn, giảm 87.000 tấn so với cùng kỳ. 

Vùng Tây Nguyên gieo trồng 5.800ha, giảm 1.000ha, năng suất 52 tạ/ha, tăng 2,85 tạ/ha, sản lượng đạt 30.000 tấn, tăng 1.000 tấn so với cùng kỳ.

 “Mách nước” nông dân trồng lúa vụ đông xuân - Ảnh 1.

Nông dân huyện Cam Lâm, Khánh Hòa có thế mạnh trồng xoài Úc. Ảnh: Công Tâm

Trước những khó khăn đối với nghề trồng lúa, bà con nông dân nhiều địa phương đã tích cực chuyển đổi sang các cây trồng khác ít phải sử dụng nước nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao. Đơn cử như tại tỉnh Bình Định, mô hình chuyển đổi sang trồng lạc, trồng vừng, trồng ngô, đậu xanh… đã mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa từ 12 - 18 triệu đồng/ha. 

Tại vùng đất khô hạn Ninh Thuận, nhiều bà con đã chuyển trồng lúa sang trồng dưa hấu, kiệu, lạc, cho lợi nhuận từ 200 - 210 triệu đồng/ha.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh có tổng diện tích gieo trồng 100.000ha, cây hàng năm trên 80.000ha. Trong đó, diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 45.000ha, sản lượng trên 260.000 tấn.

Năm 2020, do tình hình hạn hán nghiêm trọng nên diện tích lúa trên địa bàn còn 33.000ha, sản lượng 195.000 tấn; cây mía diện tích 16.000ha, cây lâu năm 25.000ha. 

Mặc dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu tổng giá trị sản xuất hàng năm của tỉnh (10,56% năm 2019), song đây vẫn là ngành có vai trò hết sức quan trọng trong việc ổn định an ninh xã hội. Hiện Khánh Hoà vẫn có hơn 60% dân số sống và làm việc ở khu vực nông thôn, miền núi và thu nhập chính từ lĩnh vực nông nghiệp.

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu trong thời gian tới, đối với cây lúa, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ thời vụ, cơ cấu giống đến chăm sóc, điều tiết nước để đảm bảo năng suất. Bên cạnh đó, cần quan tâm hoạt động chuyển đổi cây trồng; xây dựng mối liên kết giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ nông sản, đảm bảo đầu ra cho nông dân.

Để nâng cao thu nhập cho bà con, Khánh Hòa đang thực hiện có hiệu quả đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2016 - 2020. Sau 4 năm, tỉnh đã chuyển đổi được 3.865ha.

Trong đó, có 852ha đất trồng lúa kém hiệu quả, không chủ động nước sang cây hàng năm khác và 3.013ha đất trồng cây khác sang trồng cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. 

Tỉnh đã hình thành và mở rộng 3 vùng chuyên canh lớn, gồm 6.000ha xoài ở huyện Cam Lâm, 1.600ha sầu riêng ở Khánh Sơn, 600ha bưởi ở Khánh Vĩnh. Nhờ đó, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình, nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn.

"Mách nước" trồng lúa ở vùng đất khó

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, vụ đông xuân là vụ rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Chính vì thế, Bộ NNPTNT lưu ý, đối với thời vụ sản xuất phải phân theo từng khu vực cụ thể. Nơi đất cao, thiếu nước nên sản xuất sớm để tận dụng nguồn nước. 

Còn các vùng trũng, thường xuyên bị ngập nước phải chờ nước rút xong mới gieo sạ, tránh hiện tượng sạ đi, sạ lại nhiều lần làm thiếu hụt nguồn giống. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đề nghị các hồ thủy lợi, thủy điện cần tính toán điều tiết nước hợp lý và tiết kiệm nước để phục vụ sản xuất cho cả năm.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ: "Kinh nghiệm của nông dân là nên sản xuất giống ngắn ngày có năng suất chất lượng cao, cố gắng đưa tỷ lệ lúa chất lượng của vùng đạt từ 60 - 70% để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện nay bộ giống lúa của chúng ta rất phong phú, chất lượng ngày càng được nâng cao".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết thêm, những năm qua phong trào chuyển đổi cây trồng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên diễn ra khá phổ biến, từ diện tích trồng lúa sang các cây trồng cạn, đặc biệt là rau màu. 

Vấn đề này, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương rà soát lại những nơi nào có nguy cơ thiếu nước, sản xuất kém hiệu quả nên chuyển đổi sang cây trồng hoa màu, cây trồng cạn để có giá trị kinh tế cao hơn, ít gặp rủi ro trong điều kiện thiếu nước.