Tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi, nhờ được các y bác sỹ tích cực cứu chữa, nên hiện tình trạng đông máu nặng của bệnh nhi Đinh Lý Duy (11 tuổi), bị rắn lục đuôi đỏ cắn đã thuyên giảm. Tuy nhiên tại vị trí bị cắn ở tay của cháu Duy, đang có dấu hiệu hoại tử.
Theo lời kể của ncha cháu Duy là ông Đinh Văn Tân (ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây), trước đó trên đường đi học về cháu Duy trèo cây ổi bên đường, bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ đang nằm trên cành cắn trúng cả hai tay.
Sau khi trở về nhà cháu Duy bị nôn, sốt… liên tục nên được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây cấp cứu, rồi được chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục điều trị.
Cũng đang nằm điều trị tại cơ sở này do bị rắn lục đuôi đỏ cắn là cháu Hồ Văn Tuấn. Theo người thân trong gia đình của bệnh nhi, trong lúc chơi đùa ở bãi cỏ gần nhà, cháu đã bị một con rắn lục đang nằm lẫn trong cỏ cắn phải. Hiện cháu Tuấn đã được cấp cứu, qua cơn nguy kịch.
Theo cán bộ y tế ở BVĐK và Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi, thời điểm này đang là mùa mưa nên rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, dẫn đến không ít trường hợp người lớn, trẻ em do vô tình, hoặc bất cẩn chạm phải nên bị cắn.
Trả lời báo chí, ông Huỳnh Giới- Giám đốc BVĐK Quảng Ngãi cho biết, hiện các ca nhập viện do bị rắn lục đuôi đỏ cắn có dấu hiệu tăng nhẹ trong những ngày gần đây. Trung bình mỗi ngày có 1-2 trường hợp phải nhập viện để chữa trị vì bị rắn lục cắn.
Tương tự tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, theo đại diện cơ sở y tế này mỗi tuần cũng có khoảng 3-5 trường hợp bệnh nhi được đưa đến điều trị vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Các bác sỹ khuyến cáo khi bị rắn cắn thì không nên áp dụng những cách trị dân gian như: Đắp lá, chích, nặn máu ra mà cần buộc garo, băng ép chặt phía trên vết thương từ 5 – 10cm để ngăn chất độc lan ngược lại các bộ phận khác, rửa vết thương bằng nước sạch.
Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị, nhằm hạn chế tối thiểu tình trạng tử vong vì con vật này cắn.