Liễu Như Thị là ca kỹ, tài nữ trứ danh thời Minh Thanh. Bà rất có cá tính, chính trực, thông tuệ. Liễu Như Thị là người Gia Hưng, Chiết Giang. Không ai rõ thân thế bà ra sao, chỉ biết khi năm Liễu Như Thị được 10 tuổi, bà được danh kỹ Giang Nam thụ dưỡng. Bởi bà xinh đẹp tuyệt trần, tài giỏi hơn người nên trở thành Tần Hoài danh cơ.
Không ít giai thoại về Liễu Như Thị được truyền tụng, câu chuyện cuộc đời bà còn được dựng thành phim. Nhưng điều thú vị nhất của người phụ nữ này là sống dưới thời trọng nam khinh nữ, đàn ông 5 thế 7 thiếp nhưng Liễu Như Thị rất kén chọn phu quân, quan niệm phải được gả về làm vợ, chứ không bao giờ làm thiếp.
Cuộc đời Liễu Như Thị cũng không ít sóng gió, đứt đoạn tình duyên vì lễ giáo. Bấy giờ, thân phận ca kĩ thường bị khinh miệt nhưng Liễu Như Thị có khí chất lại có tài năng. Bà không chịu mang cái danh tai tiếng ấy cả đời.
Liễu Như Thị cầm kì thi họa đều thông thạo, bà lại hiểu tâm lý đàn ông. Tuy nhiên bà rất tập trung cải thiện những nhược điểm bản thân thay vì tự cao, tự đại.
Liễu Như Thị luôn biết thế mạnh của mình và vận dụng nó đúng lúc. Đó cũng là lý do bà chủ động tiếp cận Tiền Khiêm Ích - người đàn ông hơn bà 36 tuổi.
Thám hoa Tiền Khiêm Ích dù gần lục tuần nhưng đạo mạo, nho nhã. Trong khi đó Liễu Như Thị chỉ là ca nữ bình thường nhưng tài thi họa song tuyệt, văn chương hơn người nên dễ dàng làm xao xuyến trái tim Tiền Khiêm Ích.
Không lâu sau, Khiêm Ích quyết lấy bằng được Liễu Như Thị mặc cho người ngoài cười chê, cho rằng nàng không xứng với nhà quan.
Lúc ấy Liễu Như Thị mới ngoài đôi mươi, ngỡ tưởng chỉ được về làm thiếp nhưng Khiêm Ích lại tổ chức đám cưới rình rang, rước nàng bằng cửa trước.
Mỹ nhân cao tay kiểm soát đàn ông để họ mê mệt vì mình
Tiền Khiêm Ích là người không màng sĩ diện nhưng vẫn muốn khua chiêng gõ trống để toàn thiên hạ biết Liễu Như Thị là người phụ nữ của mình. Nếu nàng dễ dàng chấp nhận làm thiếp vì được lọt vào mắt xanh Tiền đại nhân, cả đời hưởng vinh hoa phú quý thì Khiêm Ích có tốn công, tốn sức đến vậy? Xuất phát điểm chính Như Thị là người tiếp cận Tiền Khiêm Ích.
Đàn ông đối xử với phụ nữ như thế nào, phần lớn là do người phụ nữ ấy quyết định. Không phải đàn ông đều xấu, đều trăng hoa mà đó là những góc khuất ở giới nào cũng có, chỉ là khả năng kiềm chế, cất giấu của họ đến đâu thôi.
Thấu hiểu tâm lý đàn ông nên Liễu Như Thị luôn tâm niệm: Ai chủ động trước người đấy dễ đạt được sự thỏa hiệp hơn. Ngược lại, kẻ bị "săn đuổi" sẽ có nhu cầu thương lượng nhiều hơn.
Vì vậy, khi đốn gục trái tim Khiêm Ích, Như Thị lại nhẹ nhàng bỏ đi để người đàn ông ấy phải xao xuyến, thương nhớ mình khôn nguôi. Nước cờ này quả là cao tay.
Mềm nắn, rắn buông - Liễu Như Thị đã "1 mũi tên trúng 2 đích" khi kích thích cảm xúc và thử thách tình cảm của Khiêm Ích, nếu yêu thật sự ông sẽ không ngừng theo đuổi. Mối quan hệ ấy có thể biến chuyển từ vui chơi ong bướm thành tri kỉ trăm năm.
Thứ 2 là Liễu Như Thị muốn công kích dư luận. Bởi sự ra đi của nàng như thể lời khẳng định của thiên hạ đã đúng, kiếp ca kĩ chẳng đáng được đàn ông trân trọng. Và Tiền đại nhân cũng tầm thường như những nam nhân khác mà thôi.
Cuối cùng, hành động của Liễu Như Thị chính là 1 sự khẳng định: Muốn bên nhau cả đời thì phải hợp thức hóa mối quan hệ. Tất nhiên, không dễ gì mà Khiêm Ích kéo lại được Như Thị về, chén "rượu tình" đã uống say thì đàn ông nào thoát ra nổi.
Chấp nhận nhún trước người ngoài nhưng không bao giờ khuất phục trước chồng
Liễu Như Thị đồng ý làm thiếp Tiền Khiêm Ích trên danh nghĩa nhưng thực chất lại không. Khiêm Ích tình nguyện xây cho bà 1 căn nhà riêng để 2 người thoải mái đồng sàng đồng mộng.
Họ uống rượu, làm thơ, say đắm sông núi, tận hưởng cuộc sống như thần tiên trong nhiều năm liền. Không có tranh sủng, không có đố kị, tất cả đẹp như những vần thơ.
Thế nhưng, thời thế loạn lạc đã chia cắt phu thê họ thành 2 phe khi nhà Minh bị tiêu diệt. Tiền Khiêm Ích là cận thần triều đình, ông buộc phải cạo tóc nửa đầu theo nhà Thanh. Còn Liễu Như Thị luôn ôm tư tưởng phản Thanh, phục Minh.
Dù trong tình yêu hay đất nước, Liễu Như Thị luôn cứng rắn và khó thỏa hiệp như vậy. Thậm chí bà còn chuẩn bị tinh thần chia ly khi 2 bên không cùng tư tưởng, đường lối.
Khoảng năm Thuận Trị thứ 4, Tiền Khiêm Ích dính tội mưu phản, bị bắt vào ngục giam. Dù có những bất đồng là thế nhưng nghĩa phu thê không thể thấy chết mà không cứu, Liễu Như Thị bôn tẩu khắp nơi để đưa Tiền Khiêm Ích ra khỏi nhà lao, cuối cùng sau một năm thì cả hai đoàn tụ.
Câu chuyện của Liễu Như Thị và Tiền Khiêm Ích có lẽ cho chúng ta nhiều sự suy ngẫm. Hôn nhân sẽ gặp phải những lúc khó chịu với nhau, sóng gió thử thách nhưng người mắc lỗi đáng được tha thứ nếu họ thật lòng ăn năn.
Dù trong hoàn cảnh nào Liễu Như Thị cũng không bao giờ cho phép người khác đối xử tệ bạc với mình, đó là lý do trải qua thăng trầm nhưng bà vẫn có một cuộc sống rất hạnh phúc.
Liễu Như Thị biết bản thân mình là ai nhưng bà chẳng hề tự ti về điều đó. Thay vì than thân trách phận, bà tận dụng hết ưu điểm của mình và luôn biến bản thân trở nên có giá trị.
Trên đời này, khổ không là gì, nghèo cũng chẳng sao, được sống theo ý mình, tự do tự tại mới là điều quan trọng. Nếu bạn luôn cảm thấy sai trái và tìm kiếm sự trọn vẹn, sống theo ý muốn của người khác thì dù bạn có sung túc, giàu có cũng không bao giờ được toại nguyện.