Luôn tay bốc cá kèm theo tiếng giục lớn, đôi tay trở nên tê đi vì phải ngâm nước trong nhiều giờ liền, ông Ba (trú phường Thọ Quang, Sơn Trà) thất thần: "Đang trong vụ mùa nhưng trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, tôi đành bấm bụng thu hoạch sớm, khổ lắm chị ạ".
Theo ông Ba, vườn nhà ông có tất cả 100m2 nuôi trồng thủy, hải sản, mưa bão liên miên, chưa đâu vào đâu thì bão số 9 lại ập đến, ông đành vớt vội số cá mà gia đình tính độ khoảng tháng nữa mới thu hoạch lên bờ để đi muối. Biết là giá cả sẽ thấp hơn rất nhiều nhưng theo ông Ba đây là biện pháp an toàn nhất để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
"Thời tiết không ổn thì sẽ bắt cá trước nếu không mưa lớn coi như mất hết. Dù đã cố gắng nhưng gia đình tôi chỉ thu hoạch được cá sụ, còn cá nâu và cá dìa thì đành bỏ", ông Ba nói.
Đối với những người nuôi cá lồng bè tại vịnh Mân Quang, mỗi khi nghe đài báo có mưa lũ thì họ lại trở nên sốt sắng, chốc chốc lại chạy ra canh chừng vì đó là cả gia sản của gia đình tích góp.
Đứng vọng về phía bè từ xa, anh Hùng (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, bão đã gần vào nhưng nhà cửa của anh vẫn chưa chèn chống gì, cả ngày hôm nay anh chỉ chạy ra chạy vào khu vực nuôi cá của lồng bè của gia đình, anh lo bị hư hại, mất trắng nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn.
"Bão vào đây, mình neo dây thừng cho an toàn, hư cái nào cũng chịu thôi, còn được cái nào thì hay cái đó. Làm nghề với biển như đánh một canh bạc, lợi ít nhưng rủi ro lại rất nhiều", anh Hùng chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Hữu Mên (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, mẻ cá mà gia đình anh đang nuôi còn 3 tháng nữa mới thu hoạch để bán cho dịp Tết Nguyên Đán, nay dự báo "siêu bão" gây ảnh hưởng đến Đà Nẵng, anh vô cùng lo lắng.
Từ sáng qua (26/10), anh Mên cùng những người nuôi cá lồng bè đã hỗ trợ nhau cột dây níu, chằng chống lồng bè để tránh hư hại khi bão số 9 đổ bộ. "Nói chung neo đậu xong ngày nay rồi, cột lồng bè kĩ càng, bão vào thì ảnh hưởng nhưng còn được bao nhiêu hay bấy nhiêu thôi. Có nhiều hộ nuôi cá đã vớt những mẻ cá kịp đến ngày thu hoạch chuyển đi bán với giá rẻ vì lo sợ bão vào cá trôi hết", anh Mền nói.
Hướng ánh mắt lo lắng về bè cá của mình, ông Mên cho biết, bên dưới là tất cả tài sản của gia đình, nếu bão vào gây nguy hại, cả nhà không biết Tết này sẽ ra sao.
"Lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Ở đây chúng tôi nuôi cá từ mấy đời nay, mặc dù chính quyền vận động không cho nuôi nhưng đó kế sinh nhai, vì miếng cơm phải bám trụ với bè, với tài sản của mình. Nay đã cố gắng hết sức chỉ còn biết phó mặc cho trời", anh Mên tâm sự.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Võ Đình Công, Chủ tịch phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cho biết, bên cạnh việc thu hoạch trước cơn bão để giảm thiểu thiệt hại, ngư dân tại các khu vực ven biển cũng đã đưa phương tiện ghe thuyền, thúng nan vào nơi trú ẩn an toàn.
"Tại vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà) có 100 lồng bè nuôi nghêu và 60 lồng bè nuôi cá. Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã thực hiện di dời tất cả các hộ dân nuôi cá lồng bè lên bờ an toàn tránh bão số 9 đổ bộ", Chủ tịch phường Thọ Quang thông tin.