Dân Việt

Các địa bàn giáp ranh TP.HCM luôn là nơi trú ẩn, hoạt động mạnh của các loại tội phạm

A.T 29/10/2020 22:34 GMT+7
Công an TP.HCM cùng Công an 6 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang đã ký kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh.

Chiều 29/10, tại trụ sở Công an TP.HCM đã diễn ra Hội nghị ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh giữa Công an TP.HCM và 6 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.

Công an TPHCM cùng Công an 6 tỉnh ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh - Ảnh 1.

Các đồng chí lãnh đạo tham dự Hội nghị.

Chủ trì buổi lễ là Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TP.HCM. Tham dự Hội nghị có Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lê Quý Vương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Ông Nguyễn Thành Phong - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; Và Bí Thư, Chủ tịch các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công an TPHCM cùng Công an 6 tỉnh ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh - Ảnh 2.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, TP.HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang là các địa bàn trung tâm, chiến lược, khu vực chính trị, kinh tế năng động của phía Nam và cả nước. Đây cũng là khu vực trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch, là địa bàn mà các loại tội phạm thường tập trung lợi dụng để hoạt động gây phức tạp về an ninh trật tự.

Đặc biệt, khu vực giáp ranh giữa các địa bàn luôn là khu vực, địa bàn trú ẩn, hoạt động mạnh của các loại tội phạm. Đây cũng là quy luật hoạt động của tội phạm. Chính vì vậy, việc ký kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh giữa công an 7 tỉnh, thành phố là rất cần thiết và phù hợp trong tình hình hiện nay. Đồng thời, điều này có ý nghĩa quan trọng, thiết thực trong việc góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ 7 tỉnh, thành phố trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Công an TPHCM cùng Công an 6 tỉnh ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh - Ảnh 3.

Đại diện lãnh đạo Công an 7 tỉnh, thành phố ký kết Quy chế phối hợp.

Để quy chế hoạt động đạt hiệu quả, công an 7 địa phương cần tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề an ninh trật tự nổi lên tại địa phương và các địa bàn giáp ranh.

Công an TPHCM cùng Công an 6 tỉnh ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh - Ảnh 4.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM báo cáo tại hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TP.HCM nêu rõ, sự giao lưu, hội nhập quốc tế đã tác động tích cực, góp phần tạo nên diện mạo mới cho 7 tỉnh, thành phố. Bên cạnh sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, các loại tội phạm cũng tập trung hoạt động mạnh ở khu vực địa bàn của 7 tỉnh, thành phố. 

Từ năm 2018 đến nay, tại địa bàn 7 tỉnh, thành phố đã xảy ra 28.347 vụ phạm pháp hình sự. Riêng trong năm 2018, 2019 đã xảy ra 20.435 vụ phạm pháp hình sự, chiếm tỷ lệ 19,56% số vụ phạm pháp hình sự của cả nước. Trong đó, tại 47 địa bàn giáp ranh cấp huyện của 7 tỉnh, thành phố xảy ra 16.349 vụ, chiếm tỷ lệ 57,67% số vụ phạm pháp hình sự của 7 tỉnh, thành phố. Nổi lên là các loại tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, ma túy, "tín dụng đen"… còn diễn biến phức tạp.  

Nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm, công an 7 địa phương cần tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Theo đó, các đơn vị triển khai đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các biện pháp công tác, gắn với nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chiến sỹ trong công tác phối hợp; thông qua công tác phối hợp làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nhanh chóng các loại tội phạm, các tụ điểm, ổ nhóm tiến tới làm "trong sạch" địa bàn.

Tăng cường phối hợp phát động phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm ở khu vực giáp ranh; phối hợp thực hiện công tác dân vận; tổ chức tuyên truyền pháp luật, phổ biến tình hình chính trị, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các loại tội phạm cho người dân trong mọi tầng lớp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm; tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Công an TPHCM cùng Công an 6 tỉnh ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh - Ảnh 5.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Công an TP.HCM và 6 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, nhất là đảm bảo tuyệt đối an toàn Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp đã triển khai trong thời gian qua.

Công an TPHCM cùng Công an 6 tỉnh ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh - Ảnh 6.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị

Bộ Công an, hoan nghênh các đơn vị có sáng kiến hợp tác, liên kết vùng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, qua đó từng bước kéo giảm tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Yêu cầu các đơn vị định kỳ tổ chức giao ban, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp giữa các đơn vị.