Cuốn sách gồm hai phần. Phần Thơ có lời mở đầu của nhà thơ Vân Long, một đàn em của Quang Dũng về tuổi tác và thi văn, dẫn dắt bạn đọc nói chung, bạn đọc tuổi nhỏ nói riêng, đi vào thế giới thơ của nhà thơ xứ Đoài. Phần Tranh có lời dẫn của nhà nhiếp ảnh Tô Chiêm gợi mở cho bạn đọc biết về một Quang Dũng – họa sĩ, ngoài một Quang Dũng – nhà thơ.
Đọc cuốn sách này bạn sẽ được đọc một số bài thơ nổi tiếng đã làm nên tên tuổi Quang Dũng trên văn đàn Việt Nam mấy chục năm qua. Và bạn còn được xem những nét vẽ của một người có thể đàng hoàng mang danh họa sĩ Quang Dũng trong những bức tranh gợi nhiều kỷ niệm.
Năm 2013 kỷ niệm 25 năm mất nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) và 65 năm bài thơ "Tây tiến" ra đời (1948), tôi đã có một bài viết nhan đề "Những mùa xanh Quang Dũng" đọc tại cuộc lễ do Hội Nhà văn Hà Nội và gia đình nhà thơ tổ chức ở Hòa Bình. Nay giới thiệu với bạn cuốn sách này, tôi mời bạn cùng đọc.
NHÀ THƠ QUANG DŨNG – NGƯỜI MANG TRONG TRẮNG ĐI TÌM THANH CAO
Biên soạn: Phương Thảo – Tô Chiêm
Nhà xuất bản Kim Đồng, 2020
Số trang: 105 (khổ 20x24cm)
Số lượng: 1500
Giá bán: 116.000đ
Quang Dũng và thế hệ ông đã ra trận cầm súng và cầm bút hào hùng và hào hoa. "Ta mãi là mùa xanh xưa" trước hết là cái xanh tâm hồn của những chiến binh trai trẻ coi nhẹ thân mình vì nước non.
Nhưng họ biết mềm lòng trước một con trẻ bên quán tản cư:
Bàn tay như rễ cây
Bộ râu như bàn chải
Anh hôn con người ta
Anh ôm ghì bé mãi
Cô bé năm tháng trời
Anh tuổi vừa ba mươi
Con anh giờ nơi đâu?
Anh mỉm cười rười rượi
Nhưng họ biết nao lòng khi gặp một quán bên đường:
Em có một mình nhà hoang vắng quá
Mảnh chăn đào em đắp có hoa thêu
Hàng của em chai lọ xác xơ nghèo
Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá
Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa
Em tản cư, tôi là khách mười phương
Biệt cố đô cùng nhau từ một thuở
Lòng rưng rưng thương nhau quá dọc đường
Thơ Quang Dũng da diết những cảm thương cho thân phận phụ nữ, trẻ em trong cảnh chiến tranh loạn lạc là khởi tự tấm lòng, tình cảm của nhà thơ từ những bài thơ ban đầu như "Chiêu Quân", "Đôi bờ". Ở mảng này, bài thơ đỉnh cao của ông là "Mắt người Sơn Tây".
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi có thằng em còn bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Hãy chú ý đến những chữ "bao" trong bài thơ này: bao ngày, bao giờ, bao nhiêu, nhất là từ "bao giờ" được lặp đi lặp lại như khắc khoải, đau đáu nỗi lòng, tâm trạng của người lính thương dân và thương người.
Từ đó đột khởi một đỉnh núi Tây Tiến trong thơ hiện đại Việt Nam mà mỗi câu chữ, mỗi dòng thơ vừa hằn vết chân hành quân vừa vút tiếng ca quân hành. Tây Tiến là một trung đoàn quân đội. Tây Tiến là một hướng đi quân sự. Tây Tiến là một tượng đài thi ca. Đúng cả. Nhưng trên hết và trước hết Tây Tiến là lịch sử. Lịch sử của một đoàn quân. Lịch sử của một cuộc chiến tranh. Lịch sử của một thế hệ. Lịch sử của một dân tộc. Và lịch sử của một con người, một nhà thơ. Không có Quang Dũng, Tây Tiến chỉ là Tây Tiến đơn thuần của một sự kiện lịch sử quân sự. Có Quang Dũng và bài thơ mang tên này của ông, Tây Tiến trở thành lịch sử của tâm hồn, của văn hóa, của tinh thần một giống nòi. Tây Tiến thơ đã cấp sức sống cho địa dư sông núi chiến trận, đã biến Tây Tiến đoàn quân thành bất tử.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa…
Thơ ca có một sức mạnh thiêng liêng kỳ lạ như thế: hữu danh hóa cái vô danh, vĩnh cửu hóa cái nhất thời. May mắn lắm mới có được nhà thơ chạm tới sức mạnh ấy. Quang Dũng đã có được may mắn đó. Và chúng ta may mắn có được Quang Dũng và Tây Tiến, cả ngoài đời và trong thơ.
Nhưng Quang Dũng không chỉ "ta mãi là mùa xanh xưa" của chiến trận. Ông còn xanh ngát tâm hồn trong cuộc sống thường ngày, trong tình yêu, tình bạn. Thơ ông ở mảng này làm cao đẹp những tình người, nói chuyện riêng tư một cá nhân mà thành điệu lòng chung của cả cộng đồng.
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Những cây ổi thơm ngày ấy
Và vầng hoa ngâu mưa thu
Tóc anh đã thành mây trắng
Mắt em dáng thời gian qua
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp
Có câu thơ của ông "Tôi thương mà em đâu có hay" đã thành câu cửa miệng của bao đôi lứa, nói ra nghe thật giản dị, thân thương, nhưng nói được thành thơ như thế phải là một nhà thơ nặng lòng thương người, thương đời.
Đó là người thơ Quang Dũng.
Đó là thơ người Quang Dũng.
Hôm nay ta hãy lắng lòng mình nghe một trắc ẩn của ông. Bài thơ có tên "Trắc ẩn" chắc hẳn ông viết cho một niềm riêng, một người riêng. Nhưng đọc lên ta nghe thấy cả một nỗi niềm thời cuộc và thời đại trong tâm tư một cá nhân con người.
Chưa gặp sao đành thương nhớ nhau?
Ðòi phen số mệnh cũng cơ cầu
Người đi mang nửa hồn đơn lẻ
Tôi về hoài vọng một đôi câu
Khói thuốc chiều sông, hỡi dáng người!
Phương nào đôi mắt ngó xa xôi
Nào ai biết được niềm u ẩn
Từng lắng nhiều trong những mảnh đời
Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
Làm thơ mình lại tặng riêng mình
Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh
Thời đại bao lần khô nước mắt
Hoa đèn riêng gửi chút tâm tư
Ngắn dài đã học người thiên cổ
Vạn đại sầu lên chẳng bến bờ
Chiều ấy em về thương nhớ ai?
Tôi chắc đường đi đã rất dài
Tim tím chiều hôm lên bóng núi
Dọc đường mờ những cánh hoa phai
Một chút linh hồn nhỏ
Ði về chân núi xanh
Màu tím chiều chầm chậm
Hoàng hôn nghe một mình
Giáo đường chuông rời rạc
Tan vỡ nhiều âm thanh
Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh
Những xanh xanh này của lòng Quang Dũng, của thơ Quang Dũng sẽ còn đọng mãi rất sâu trong hồn bao người để giúp chúng ta còn biết khóc cười thật mình. "Ta mãi là mùa xanh xưa", nào ai đồng điệu được với nhà thơ? "Một chút linh hồn nhỏ" nào ai biết giữ gìn, nương náu cùng nhà thơ?
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Hà Nội Thu 2020