Sáng 30/10, tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cùng các đơn vị liên quan đã họp bàn phương án tiếp cận hiện trường 2 vụ sạt lở ở xã Phú Lộc, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Mạnh Hà - người chỉ huy lực lượng cứu hộ cứu nạn tại Phước Sơn cho hay, để vào được hiện trường phải 1 ngày mới vào được.
"Hiện nay, tại thôn 6, lực lượng có tại đó cũng chỉ đứng nhìn chứ không làm gì được bởi lượng đất đá quá lớn. Qua hình ảnh gửi về cho thấy đây là lũ quét, không phải lở núi bình thường", ông Hà nói.
Vì vậy, ông Nguyễn Mạnh Hà xác định với các lực lượng, việc tiếp cận địa bàn sẽ kéo dài cần tính toán phương án kỹ nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng đoàn cứu nạn.
"Đường bộ đi vào hiện rất nguy hiểm. Qua trao đổi với Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Phó Tư lệnh Quân khu 5 đưa ý kiến sẽ bảo đưa máy bay để tiếp cận nhưng hiện trường ở Phước Sơn sương mù dày đặc, không thể bay vào. Vì vậy, phải xác định phương án tiếp cận bằng đường bộ", Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam cho hay.
Ngoải ra tại cuộc họp, các đơn vị của huyện Phước Sơn và tỉnh Quảng Nam thông tin, hiện lương thực tại xã Phước Lộc, xã Phước Công và xã Phước Thành cũng gần hết. Tình hình hiện nay không chỉ ảnh hưởng việc tìm kiếm người mất tích mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Về vụ hơn 200 công nhân đang bị cô lập ở thủy điện Đăk Mi 2 (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn), ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay, 2 hôm nay các đơn vị đang phải dùng dây cáp để chuyển lương thực tiếp tế.
"Con số chính xác số lượng công nhân bị cô lập là 217 công nhân. Đặc biệt số công nhân này bị cô lập ở 3 nơi và con đường đang bị chia cắt. Nơi tập trung đông nhất là trong đập thuỷ điện với hơn 100 công nhân. Ở đây nếu có mưa lớn thì tính mạng của họ rất nguy hiểm, không lường được. Vì vậy, phải tìm phương án khả thi và nhanh nhất. Hiện công nhân cơ bản khoẻ mạnh nhưng lương thực chỉ còn 2 ngày. Nếu đường bộ không sớm đi được buộc phải tính đến phương án đi máy bay để đưa ra", ông Hà nói.
Tại cuộc họp, đại diện Ban chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn đã báo cáo cụ thể về các hướng đi vào hiện trường. Theo đó, 2 tuyến đường vào các xã bị núi lở hơn 1.000 điểm và đang bị ách tắc hoàn toàn. Điều đáng ngại, hiện phương tiện ở Phước Sơn rất ít và nhỏ. Nếu với số lượng phương tiện này thì 1 tháng cũng không hoàn thành việc khai thông.
"Ngoài việc tìm kiếm người mất tích và cô lập ở xã Phước Lộc và xã Phước Thành cần phải lên phương án tìm đường để đưa lương thực cứu đói cho 2 xã Phước Công và xã Phước Kim. Hiện toàn xã Phước Lộc, xã Phước Thành gần như không còn lương thực, mỳ tôm cũng sắp hết. Qua báo cáo sơ bộ, xã Phước Thành 41 nhà trôi sạch, Phước Lộc 30 hộ mất nhà mất đất, Phước Kim 15 hộ...", ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay.
Tại cuộc họp, Ban chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn đã đề nghị lập Sở chỉ huy tiền phương đặt tại xã Phước Công. Ở đây gần thủy điện Đăk Mi2 và gần UBND xã Phước Công.