Giữ chữ tín của người vay vốn Quỹ Khuyến nông
Là một trong số hộ được vay 400 triệu đồng từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội vào đầu năm 2020, ông Đặng Văn Chung (ở thôn Nghi Lộc, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa) cho biết: Số vốn này gia đình tôi đầu tư tái đàn, nuôi lợn nái ngoại. Nếu không có số vốn vay kịp thời này, gia đình tôi không biết xoay xở thế nào.
Khởi nghiệp chăn nuôi lợn từ năm 2015, vừa xây dựng xong hệ thống chuồng trại thì ông Chung cạn sạch tiền. May mắn, ông được Quỹ Khuyến nông Hà Nội cho vay 95 triệu đồng để nhập 16 con lợn hậu bị. Năm 2017 trả hết gốc và lãi, ông Chung vay tiếp 300 triệu để mở rộng quy mô lên 60 lợn nái.
Dự kiến 6 tháng cuối năm 2020, quỹ giải ngân cho 80 hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh với số tiền 28,745 tỷ đồng; cho vay chương trình cơ giới hóa 30 hộ, số vốn 8,857 tỷ đồng.
Theo ông Chung, cũng như nhiều hộ nuôi lợn khác trong cả nước, trong hai năm 2018, 2019 là quãng thời gian cực kỳ khó khăn với gia đình ông. Giá lợn hơi có lúc giảm chỉ còn 20.000 đồng/kg, rồi dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi liên tiếp xảy ra khiến ai cũng lao đao. Tuy vậy, ông Chung vẫn cố gắng trả cả gốc lẫn lãi đúng kỳ hạn nên đầu năm 2020, ông được Quỹ Khuyến nông TP.Hà Nội cho vay tiếp 400 triệu đồng.
Lần này, ông Chung thiết kế chuồng trại khép kín theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, nâng quy mô lên 70 lợn nái, 4 lợn đực và 500 lợn thương phẩm. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, ông tổ chức vệ sinh, khử trùng, sát khuẩn tại cổng vào và khu vực chăn nuôi. Ngay cả cám chuyển về trại cũng được ông sát trùng sạch vỏ bao mới đổ cho lợn ăn, nước uống phải qua 2 lần lọc.
Chỉ có 3 người trong nhà được phép vào trại, trước khi vào phải mặc quần áo đã được khử trùng. Khi thương lái đến bắt lợn, cũng chỉ được xem lợn qua màn hình lấy tín hiệu từ các camera gắn bên trong chuồng, còn chủ trại sẽ tự lùa đàn lợn ra. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch, trại lợn của ông Chung luôn an toàn trước dịch bệnh.
Còn ông Hoàng Thanh Vắn (ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm), cho hay, năm 2008, gia đình ông làm kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả và cây giống trên diện tích 1,8ha. Với mong muốn mở rộng thêm trang trại, ông Vắn đã được cán bộ khuyến nông tư vấn, giới thiệu tiếp cận vay vốn từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội.
Sau 2 đợt vay vốn, mỗi đợt 200 triệu đồng để đầu tư giống phục vụ sản xuất và được cán bộ khuyến nông hỗ trợ, tư vấn, trang trại của gia đình ông Vắn ngày càng phát triển và trả vốn vay đúng hạn. Năm 2015, ông Vắn vay thêm 400 triệu đồng và mở rộng diện tích trang trại lên 5,4ha để trồng táo, ổi, cam, quýt, bưởi Diễn, bưởi Tân Lạc, hồng… Hiện trang trại của ông Vắn cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Giám sát chặt vốn vay
Ông Đào Quang Vui (thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai) không giấu được sự vui mừng khi được cầm trên tay 400 triệu đồng vay từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội. Ông cho biết, với số tiền này, gia đình sẽ mở rộng đàn gà đẻ siêu trứng từ 6.000 con lên 7.200 con. Đây cũng là cơ hội để gia đình đầu tư về hạ tầng, kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng trứng.
Cùng với gia đình ông Vui, các hộ được vay vốn lần này đều rất ủng hộ phương thức hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khi giải ngân trực tiếp vốn vay tới tay từng hộ, giản tiện đáng kể các thủ tục, chi phí và thời gian đi lại.
Theo lãnh đạo UBND xã Liên Châu, toàn xã có 117ha diện tích chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình chăn nuôi kết hợp, trong đó có hơn 100 hộ nuôi cá – vịt cho mức thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ha/năm. Đây là lần thứ hai Quỹ Khuyến nông Hà Nội giải ngân tại Liên Châu. Tính đến thời điểm này, xã đã có 33 hộ được vay vốn Quỹ Khuyến nông với số tiền trên 15 tỷ đồng.
Trưởng phòng Quản lý Quỹ Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) - ông Nguyễn Duy Nam cho biết, Quỹ Khuyến nông dành để cho vay các khoản vốn lưu động như giống, thức ăn, thuốc thú y, công lao động… trong đó người dân phải đối ứng 50% để tăng tính trách nhiệm. Khi thẩm định phương án vay với chăn nuôi, phải xem xét kỹ tài sản thế chấp, nguyện vọng của hộ vay và cả trang trại, nhà kho, địa điểm, nơi trồng cây làm thức ăn cho vật nuôi.
Đơn cử, với chuồng nuôi bò phải đảm bảo hơn 4m2/con, chuồng nuôi lợn hơn 1m2/con; nuôi gà, vịt chuồng phải đạt 10 con/m2. Cùng với đó, chủ trang trại phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, đường điện, nước, máng ăn uống…
Cũng theo ông Nguyễn Duy Nam, trong quá trình sản xuất của những hộ được duyệt vay, cán bộ chuyên trách về quỹ của Trạm Khuyến nông huyện, thị xã phải thường xuyên kiểm tra xem họ sử dụng vốn có đúng mục đích không, nếu sai sẽ phải thu hồi ngay.
Hiện, tổng nguồn kinh phí của quỹ đạt hơn 199 tỷ đồng, đã giải ngân cho hơn 3.700 lượt hộ vay với số vốn quay vòng trên 700 tỷ đồng. Các phương án vay vốn phát triển sản xuất cơ bản đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân Thủ đô, đồng thời tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, góp phần thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.