Dân Việt

Nông dân vui mừng có lương hưu vì tham gia BHXH tự nguyện

Minh Trung 31/10/2020 09:06 GMT+7
Nghệ An đã thành công trong việc vận động nhiều nông dân, lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện và trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về số người tham gia BHXH tự nguyện.

Nông dân vui mừng có lương hưu

Bà Hoàng Thị Bình (59 tuổi ở xã Nam Cát, huyện Nam Đàn) tham gia BHXH nông dân từ năm 1999, đến năm 2009, sau đó tham gia tham gia BHXH tự nguyện. Năm 2016, bà tròn 55 tuổi, sau khi thực hiện phương thức đóng 1 lần cho những năm còn thiếu, bà được hưởng chế độ hưu trí. Từ đó đến nay bà được Nhà nước điều chỉnh lương 2 lần và số tiền lương hưu bà được hưởng là gần 1 triệu đồng/tháng.

Bà chia sẻ, do hồi trước mức đóng thấp nên lương hưu của bà chỉ được gần 1 triệu/tháng. Tuy nhiên, đó cũng là số tiền đáng kể để chi phí cho sinh hoạt tuổi già của bà. Bà cũng vui khi có đồng ra đồng vào để mua quà bánh cho các cháu, tạo niềm vui cho trẻ nhỏ. Bà còn vui hơn vì nhờ có lương hưu mà bà được cấp thẻ BHYT miễn phí, giúp chăm sóc sức khỏe tuổi già tốt hơn, tiết kiệm được nhiều chi phí khám chữa bệnh cho con cháu.

Nông dân vui mừng có lương hưu nhờ tham gia BHXH tự nguyện  - Ảnh 1.

Tuyên truyền chính cách BHXH tự nguyện cho bà con xã Nghi Lộc (Nghệ An)

Còn chị Bùi Thanh Hải (36 tuổi, trú tại xã Nam Thanh, Nam Đàn) mỗi ngày "bỏ lợn" 10.000 đồng để tiết kiệm cuối tháng đủ tiền đóng BHXH tự nguyện. Chị Hải là một nông dân thuộc hộ cận nghèo, kinh tế không khá giả gì. Tuy nhiên, chị nhận thức được tầm quan trọng của việc "về già có lương hưu" để bớt gánh nặng cho con cháu. Do đó, chị đã không ngần ngại đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.

Chị chia sẻ, mỗi ngày chị tiết kiệm 10.000 đồng. Nếu hôm nào làm thuê, kiếm được dư dả thì chị mạnh dạn bỏ lợn 50.000 đồng. Vậy là mỗi tháng chị có đủ 308.000 đồng để đóng BHXH tự nguyện. Chị cũng nuôi thêm con gà, con vịt để lúc cần bán đi để tích cóp cho lương hưu sau này.

Bà Lương Thị Phúc (50 tuổi, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong) cũng rất vui mừng khi đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Bà chia sẻ, gia đình làm nông nghiệp, bà là nông dân, cuộc không cũng không dư dả gì. Nhưng vài năm gần đây, các con bà đi xuất khẩu lao động nên kinh tế khấm khá hơn. Các con đã chung sức góp tiền để đóng BHXH tự nguyện cho bố mẹ. Bà sẽ đóng 10 năm, sau đó lại đóng bù 1 lần 10 năm để đến 60 tuổi, bà sẽ có lương hưu để an hưởng tuổi già.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền 

Tin từ BHXH tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến hết tháng 9/2020, tỉnh Nghệ An có 68.818 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 18.853 người (37,73%) so với năm 2019. Hiện, Nghệ An đang dẫn đầu cả nước về số người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm hơn 8% tổng số người tham gia toàn quốc.

Có được kết quả vượt bậc như vậy là nhờ thời gian qua, BHXH Nghệ An có nhiều cách làm hay, sáng kiến tốt để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. 

Trước đó, BHXH tỉnh xác định, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là nhiệm vụ quan trọng, cần phải ráo riết thực hiện. BHXH từ tỉnh đã tăng cường công tác tham mưu với chính quyền địa phương; phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. 

Nông dân vui mừng có lương hưu nhờ tham gia BHXH tự nguyện  - Ảnh 2.

Cán bộ BHXH huyện Quỳ Hợp đến từng nhà dân để tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện.

Đồng thời, BHXH cũng chú trọng vai trò của cấp ủy chính quyền xã, phường, thị trấn trong quá trình triển khai chính sách tại địa phương như: Giao chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện; đề nghị chính quyền địa phương báo cáo kết quả số người tham gia BHXH tự nguyện theo các thời điểm; phối hợp, chủ trì tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách, đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương phát biểu chỉ đạo hội nghị; 

Tận dụng lợi thế, thế mạnh của các ngành, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền: Tập hợp, quy tụ hội viên tham dự các hoạt động; lồng ghép phát triển BHXH tự nguyện qua các mô hình có sẵn của hội; lựa chọn cán bộ các ngành làm nhân viên đại lý thu, cộng tác viên tuyên truyền; phối hợp tuyên truyền đưa hội viên cấp cơ sở tham gia BHXH tự nguyện.

BHXH tỉnh đã tập trung đa dạng hóa các hình thức thông tin, truyền thông, chú trọng hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực tiếp; linh hoạt trong phương thức tiếp cận người dân: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền ngay tại khối xóm, bản, làng; thời gian tổ chức Hội nghị linh hoạt, phù hợp với tập quán, thói quen của người dân; nội dung, ngôn ngữ tuyên truyền chuyển thể từ ngôn ngữ chuyên ngành khó hiểu sang ngôn ngữ dân giã, đời thường.

BHXH tỉnh luôn tận dụng tối đa cơ hội để tiếp cận với từng nhóm đối tượng tiềm năng với cách thức tuyên truyền, vận động phù hợp như: với nhóm lao động là nông dân, tiểu thương: Tổ chức hội nghị, tuyên truyền trực tiếp ngay tại nhà, nơi người lao động đang làm việc.