Ngành sản xuất nông nghiệp nhiều tiềm năng
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nhiều loại cây trồng nông nghiệp, nghề trồng hoa và cây cảnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục vạn hộ gia đình, đóng góp không nhỏ vào GDP của ngành nông nghiệp, bước đầu tham gia xuất khẩu, từ đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xây dựng nông thôn mới.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh cho biết theo điều tra, hiện cả nước có khoảng gần 45.000 ha hoa, cây cảnh, thu nhập bình quân trên cả nước là 350 triệu đồng/ha/năm.
Như vậy so với năm 2000, diện tích hoa và cây cảnh năm 2019 đã tăng 6,6 lần, giá trị sản lượng tăng 17,2 lần (đạt 15.000 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu xấp xỉ 80 triệu USD), mức tăng giá trị thu nhập/ha là 2,2 lần (đã có nhiều mô hình đạt 1,3 tỷ đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm).
Có thể nói, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển sinh vật cảnh nói chung và phát triển hoa, cây cảnh nói riêng. Cụ thể, nhu cầu thị trường hoa, cây cảnh của Việt Nam trong giai đoạn 2000- 2019 tăng trung bình khoảng 15%/năm.
Hoa và cây cảnh ở Việt Nam được sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau như đón chào năm mới, lễ hội, khai trương, tiếp khách, sinh nhật, trang trí nội ngoại thất, phong cảnh… Hoa cây cảnh được tiêu dùng theo quy luật, cuộc sống khá giả thì nhu cầu càng tăng cao.
Bên cạnh đó, chúng ta còn có rất nhiều các tiềm năng và sự thuận lợi khác như: Có công nghệ và khoa học kỹ thuật trợ giúp; Có sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước; Có nguồn gen các giống hoa, cây cảnh đa dạng, phong phú; nguồn nhân lực dồi dào, giao thông ngày càng thuận lợi, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng,… có thể giúp cho sản xuất, phát triển ngành hoa ở quy mô lớn và mức độ cao hơn.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Tỉnh, mặc dù hiện nay diện tích, sản lượng và thu nhập từ hoa, cây cảnh đều tăng, tương lai không xa sẽ là một ngành sản xuất nông nghiệp nhiều tiềm năng... nhưng thực tiễn còn đang có những hạn chế nhất định. Một trong những tồn tại nhất của ngành sản xuất hoa cây cảnh hiện nay là phần nhiều phát triển tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu cái nhìn tổng quan lâu dài để hoạch định chiến lược và giải pháp cụ thể cho phát triển trong tương lai. Đặc biệt là chưa thực sự có sự kết nối giữa các cơ quan khoa học, các cơ quan đơn vị tạo ra nền tảng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin với các đơn vị (Doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại...) sản xuất, kinh doanh về cây hoa.
Xây dựng nhiều mô hình liên kết giữa nghiên cứu và doanh nghiệp
Hội thảo đã được nghe các báo cáo tham luận về thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển ngành hoa của Việt Nam; Một số thông tin về ngành sản xuất hoa ở Hà Lan, cơ hội hợp tác phát triển ngành sản xuất hoa ở Việt Nam; Kế hoạch nâng cấp dịch vụ nhà nông xanh, giúp kết nối các chủ thể trong sản xuất kinh doanh cây hoa ở Việt Nam; Kết quả ứng dụng gói giải pháp Nông nghiệp thông minh Appa Smart Farm cho các hợp tác xã trồng rau, hoa tại Mộc Châu; Kết quả và bài học kinh nghiệm trong việc liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp trong sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần Châu Giang, Hải Phòng; Kết quả hợp tác liên kết giữa cơ quan khoa học hợp tác xã và nông dân trong phát triển sản xuất hoa chất lượng cao ở Mộc Châu, Vân Hồ.
Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm phát triển ngành hoa, cây cảnh của Việt Nam, như: Hoàn thiện chu trình khép kín từ nghiên cứu đến sản xuất, thị trường tiêu thụ về lĩnh vực hoa, cây cảnh; Tăng cường công tác nghiên cứu gắn với sản xuất; Quy hoạch một số vùng sản xuất chuyên canh; Tăng cường đầu tư hỗ trợ xây dựng và xúc tiến thương mại về hoa,…
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết, ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp đang được thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm trở lại đây kể từ khi Bộ KH&CN tham mưu Thủ tướng ban hành Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025 (Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015); cùng với đó là chương trình phát triển nông thôn ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 ) và Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (Quyết số 2075/QĐ-TTg ngày 8/11/2013).
Theo ông Nghiệm, nằm trong cơ cấu tổng thể của ngành nông nghiệp, lĩnh vực sản xuất hoa cũng chứng kiến sự tăng trưởng đột phá về cả quy mô và giá trị sản lượng. Trong bối cảnh, Hiệp định thương mại tự do EVFTA đã được ký kết tháng 10/2019 thì cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho lĩnh vực này còn rất nhiều tiềm năng.
Để làm được như vậy, chúng ta cần xây dựng được nhiều mô hình hợp tác, liên kết giữa khu vực nghiên cứu với doanh nghiệp để chuyển giao kết quả nghiên cứu và sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, quốc tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội, ông Nghiệm nhấn mạnh.
Do đó, Hội thảo là cầu nối xúc tiến hợp tác, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh trong phát triển ngành sản xuất hoa của Việt Nam.
Tại hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết các hợp đồng chuyển giao công nghệ: Hợp đồng cung cấp gói phần mềm quản lý sản xuất hoa; Hợp đồng hợp tác xây dựng chương trình phần mềm bác sĩ cho cây hoa; Hợp đồng cung cấp gói tín dụng hỗ trợ dự án sản xuất thử nghiệm hoa giữa các cơ quan khoa học các doanh nghiệp và đại diện ngân hàng.