Nói đến vua Lê Uy Mục, sử cũ chép lại đời ông vẫn còn để lại lời phê phán. Bằng chứng là nơi Đại Việt sử ký toàn thư, đã nghiêm khắc ghi: “Vua nghiện rượu, tính hiếu sát, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành, trăm họ oán giận, người bấy giờ gọi là Quỷ vương”.
Việc triều chính, vua có thể làm cho quan dân phải sợ, ấy mà cuộc sống chốn hậu cung của vua, cũng mạnh mẽ không kém, Việt sử yếu cho hay “Uy Mục đế là một ông vua đam mê tửu sắc”. Trong tình trường của vua, lại có dấu ấn riêng biệt tích cực. Chỉ cần thấy hành động treo cổ tự vẫn của Trần Hoàng hậu vợ ông khi Lê Tương Dực nổi dậy lật đổ vua cũng đủ thấy vua chiếm được lòng tin của những người “nâng khăn sửa túi” như thế nào. Khi chưa lên ngôi, Uy Mục còn kết duyên với một bà vợ ở châu Minh Linh.
Bà phi được nói tới ấy, trong Đại Việt thông sử cho biết, vốn họ Lê, người xã Sa Lung, châu Minh Linh. Châu Minh Linh, chính là đất thuộc Chiêm Thành xưa Chế Củ dâng cho Đại Việt thời Lý. Tra trong Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu, Nam Hà tiệp lục hay Phủ biên tạp lục đều cho biết điều đó. Ví dụ, trong Phủ biên tạp lục viết: “Kỷ Dậu, niên hiệu Thiên Huống Bảo Tượng năm thứ 2 (1069), Hoàng đế Lý Thánh Tông thân đi đánh nước Chiêm Thành, bắt được chúa của nước này là Chế Củ đem về. Chế Củ xin lấy ba châu là Đại Lý, Ma Linh và Bố Chính dâng cho nước ta để chuộc tội”.
Về sau, châu Ma Linh được đổi tên thành Minh Linh, điểm này có ghi trong Phương Đình dư địa chí: “Minh Linh (nguyên là đất châu Ma Linh của nước Chiêm Thành thời vua Lý Nhân Tông đổi là châu Minh Linh (năm Ất Mão (1075) - người dẫn chú). Nhà Minh gọi là châu Nam Linh, nhà Lê gọi là huyện Minh Linh, thuộc phủ Tân Bình”. Nay đất Minh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị.
Lại nói về bà Lê thị, sau vì gia đình mắc tội, bà xứ Nam Hà xa xôi, cả nhà bị giải về kinh, sung làm nô tì cho nhà nước. Theo Ô châu cận lục thì Lê thị hầu hạ ở trong cung. Lúc ấy, Uy Mục, tức Lê Tuấn còn ở tiềm để (nơi ở của ông hoàng khi chưa lên ngôi) được theo học với vị vương phó (thầy dạy của hoàng tử). Bởi các hoàng tử bao giờ cũng được bố trí thầy dạy để hiểu được lễ nghĩa của kẻ đế vương. Dạo đó, bà Lê thị cũng đến học tập ở đấy. Cái duyên tương ngộ của vị vua quỷ tương lai với bà phi đất Minh Linh từ đó mà nên.
Học cùng với nhau, Lê Tuấn dần có cảm tình mà phải lòng Lê thị, như Ô châu cận lục có viết về chuyện tình của hai người: “Vương thấy bà lấy làm vừa ý, hai bên trở nên quyến luyến nhau. Một hôm, vương dùng chân khèo chân bà, khi về bà đem chuyện ấy kể lại với sư mẫu, sư mẫu nói rằng:
- Vậy là vương thử lòng con, sau này nếu con thấy vương làm như thế thì dùng hai tay che chân của vương để tỏ ý thân.
Hôm sau bà làm đúng như kế của sư mẫu đã bày”. Đến lúc học cùng, ngồi gần nhau, Lê Tuấn lại tỏ ý thân mật như lần trước, Lê thị liền đáp lại. Kẻ trai trẻ được hai bàn tay ngọc ngà mềm mại của thiếu nữ mới lớn chạm vào, lòng đầy rung động, thế nên vị vua tương lai rất vừa lòng, từ đó về sau không chọc ghẹo như thế nữa. Riêng Lê thị cũng giữ kín mối tình đẹp đẽ ấy mà chẳng hề tiết lộ ra cho ai hay.
Đến khi Lê Tuấn lên ngôi năm Ất Sửu (1505), nhớ lại người xưa đã cảm mến, liền cho tuyển bà vào hậu cung. Không chỉ làm vua say vì sắc đẹp, Lê thị sẵn bản tính thông minh, có học hành nên được yêu chuộng hơn cả. Uy Mục đế sau đó thăng bà lên hàng phi.
Cuộc sống hậu cung của Lê phi với vị vua trẻ hương lửa mặn nồng, tuy vậy, cũng chỉ đầu gối tay ấp được 4 năm ngắn ngủi. Vì Uy Mục trị nước nghiệt ngã, mất lòng người, nên sau đó, Giản Tu công Lê Oanh dấy binh khởi loạn, giết vua năm Kỷ Tỵ (1509), lại dùng súng thần công bắn cho tan xác, lên thay ngai vàng, tức vua Lê Tương Dực.
Vậy số phận của Lê phi ra sao? Cũng như muôn vàn phận bồ liễu trong những biến động cung đình cổ kim, bà Lê phi sau đó có cái kết buồn, chẳng lãng mạn như tình duyên của bà, nhưng không đến nỗi phải tự tận như chính cung Hoàng hậu Trần Thị Tùng của Lê Uy Mục như trên đã đề cập.
Trong Ô châu cận lục cho biết: “Khi Kiến vương (thực ra ở đây phải viết là Lê Tương Dực (1509 - 1516), bởi Kiến vương chính là cha của vua Lê Tương Dực, nhưng chưa làm vua bao giờ) lên thay, kẻ bề tôi là Vũ Tá hầu tên Phùng Dị cưỡng bức đem bà về làm thiếp”. Đúng là “phận gái 12 bến nước”, phải kiếp bèo dạt mây trôi, dạt đến đâu, hay đến đó, “hồng nhan bạc mệnh” có phải là đây chăng?