Như Dân Việt đưa tin, ngày 3/11, Công an tỉnh Hà Giang khởi tố vụ án Giết người, thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 4 đối tượng: Giàng Chẩn Diu (51 tuổi), Giàng Seo Sèng (27 tuổi), Giàng Seo Phàng (22 tuổi) và Giàng Seo Phong (17 tuổi, cùng trú ở thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) để điều tra vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn. Các nạn nhân bị sát hại là 2 chú cháu Thào Seo Sáng (59 tuổi) và Thào Seo Sì (30 tuổi).
Chiều 5/11, Công an tỉnh Hà Giang tiếp tục tiến hành bắt khẩn cấp Giàng Seo Chớ (24 tuổi, ở thị trấn Cốc Pài, tỉnh Hà Giang) để tiếp tục điều tra về vụ án mạng này.
Nguyên nhân ban đầu xác định, trước đó gia đình Giàng Chẩn Diu có tranh chấp nương trồng ngô, lúa với một hộ gia đình khác cùng thôn. Tòa án nhân dân huyện Xín Mần đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự tranh chấp đất đai.
Ông Thào Chính Dí (là bố ruột của nạn nhân Thào Seo Sì) đứng ra làm nhân chứng, xác nhận nương trồng ngô, lúa không thuộc quyền sử dụng của gia đình Giàng Chẩn Diu. Từ đó, đối tượng Giàng Chẩn Diu quay sang bực tức và gây sự với nhân chứng.
Đến khoảng 22h ngày 30/10, Giàng Chẩn Diu cùng 3 con trai cầm theo búa, dây thừng đến nhà ông Thào Chính Dí. Thấy nhà ông Dí khóa cửa nên 4 bố con đi sang nhà ông Thào Seo Sáng (là em trai ruột ở sát nhà ông Dí) và dùng dây thừng mang theo siết cổ ông Sáng cùng anh Sì dẫn đến tử vong. Các đối tượng treo cổ các nạn nhân lên xà nhà rồi bỏ về nhà, sau đó bị cơ quan công an phát hiện bắt giữ.
Trao đổi với Dân Việt về sự việc này, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định: "Có thể nói rằng hành vi của các đối tượng trong vụ án này rất manh động và có chủ đích từ trước, các đối tượng dựng hiện trường giả để định qua mặt cơ quan chức năng".
Luật sư phân tích, theo thông tin ban đầu, nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn trong một vụ án tranh chấp đất đai trước đó mà nạn nhân là những người làm chứng. Do những người làm chứng khai báo trước tòa gây bất lợi cho gia đình đối tượng này nên các đối tượng thủ tức và lên kế hoạch thực hiện hành vi giết người. Đây là hành vi hết sức manh động, động cơ đê hèn, hành vi giết nhiều người, thủ đoạn xóa dấu vết, dựng hiện trường giả để đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
Vì vậy, các đối tượng sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Vì động cơ đê hèn, giết từ hai người trở lên nên mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, hình phạt là: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm,tù chung thân hoặc tử hình.
Với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố chống đối sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Các đối tượng khác có vai trò thứ yếu, giúp sức lại cùng trong một gia đình, nếu thành khẩn khai báo ăn năn hối cải thì sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Ngoài ra, gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu các đối tượng phạm tội trong vụ án phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, thiệt hại bao gồm tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương và khoản tiền tổn thất về tinh thần không quá 100 tháng lương tối thiểu.
"Vụ án này là một bài học cho những đối tượng coi thường pháp luật, coi nhẹ mạng sống của người khác đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm cho cơ quan chức năng trong việc bảo vệ nhân chứng trong các vụ án dân sự, hình sự.
Theo quy định của pháp luật, người làm chứng (nhân chứng) được pháp luật bảo vệ, hành vi dụ dỗ, ép buộc, đe dọa nhân chứng là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm minh. Các địa phương cần có những giải pháp an toàn cho những người làm chứng, có cơ chế để bảo vệ họ tránh việc họ bị trả thù như vụ án này để đảm bảo vụ việc được giải quyết khách quan, công bằng, đúng pháp luật" – Luật sư cho hay.