Dù còn không ít khó khăn, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) Bình Dương đang ấp ủ một kỳ vọng lớn hơn để nâng tầm giá trị các loại cây có múi, đưa sản phẩm này ngày càng vươn xa trong nền kinh tế hội nhập.
Thành công nhờ đi… ngược
Huyện Bắc Tân Uyên, vùng đất không chỉ gắn liền với địa danh Chiến khu D anh dũng thuở nào, mà còn là vùng cây trái với những vườn cây trĩu quả. Trong đó, xã Hiếu Liêm được coi là thủ phủ của cây có múi. Ngoài những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, thời gian qua nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho đến việc ứng dụng các mô hình công nghệ cao, mô hình sản xuất NNHC để nâng tầm giá trị cây có múi.
Ông Trần Thành Có - Giám đốc HTX Nhân Đức cho biết, từ những năm 2000, nhiều nông dân ở các tỉnh thành khác đến Bình Dương đã bắt đầu trồng thử nghiệm các loại cây có múi như bưởi da xanh, cam, quýt… Qua thời gian, nhiều nông hộ ở địa phương có khuynh hướng chọn trồng cây bưởi nhiều hơn so với cây cam do sợ điệp khúc được mùa mất giá. Riêng ông Có lại chọn đi con đường ngược lại là trồng cam, nhưng trồng cam theo phương thức hữu cơ. "Trồng hữu cơ trên cây cam là điều mà ít người lựa chọn. Đó chính là khoảng trống của thị trường. Và khi làm được, mình sẽ tạo ra sản phẩm mà khách hàng đang cần", ông Có giải thích.
Nói là làm, ông Có đi ngược lên vùng Tây Nguyên để tìm cây giống thay vì xuôi xuống ĐBSCL. ĐBSCL tuy là lãnh địa trái cây nhưng quá trình thâm canh và lạm dụng phân bón, thuốc hóa học dễ làm nguồn giống bị thoái hóa. Thêm phần biến đổi khí hậu, hạn mặn kéo dài là bộ rễ cây bị ảnh hưởng. Ông Có nhận định, khi chọn được giống tốt thì công nghệ cao sẽ hỗ trợ đắc lực cho cây trái miền Đông phát triển bền vững.
Sau nhiều lần trao đổi, đến năm 2014, ông Có kêu gọi xã viên tham gia 11ha trồng cam hữu cơ theo tiêu chuẩn Hà Lan. Bản thân ông trồng 20ha hữu cơ, 20ha còn lại, ông tiếp tục trồng cam, bưởi tiêu chuẩn VietGAP để lấy ngắn nuôi dài. Sau 4 năm, vườn cam hữu cơ của ông cho thu hoạch 200 tấn trái, giá bán trung bình 40.000 đồng/kg. Năm 2019, sản lượng vườn cam của ông tăng lên 300 tấn nhưng vẫn không đủ cung cấp cho hệ thống cửa hàng, siêu thị.
Ông Có cho hay, quá trình canh tác hữu cơ nghe có vẻ tốn kém nhưng chi phí sản xuất ở vườn ông đã giảm đến 60% vì chỉ đầu tư nhà xưởng, cơ giới hóa và công chăm sóc vườn. Chất lượng trái cây thì hoàn toàn khác biệt. Với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi ha cam hàng năm mang lại cho ông 750 triệu đồng. Cam sản xuất hữu cơ mang lại lãi cao hơn so với cách làm cũ. "Quan trọng hơn là đất không bạc màu, cho ra sản phẩm sạch. Từ năm 2019, tôi và các thành viên HTX Nhân Đức đều chuyển đổi tất cả diện tích cam sang phương pháp hữu cơ", ông Có cho biết.
Phải kiên trì
Tại huyện Phú Giáo, nông trại Vinamit Organic Farm có diện tích hơn 150 ha với 54 giống cây trồng, đã đạt được chứng nhận canh tác hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic của USDA và EU. Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Công ty Vinamit cho biết, đây là thành quả của 3 năm thực hiện nghiêm ngặt các quy trình canh tác hữu cơ; cải tạo đất, nước, không khí, môi trường, hệ sinh vật cân bằng theo tiêu chuẩn.
Ông Viên đánh giá, sản phẩm NNHC hiện nay là nhu cầu cần thiết của người tiêu dùng để bảo đảm sức khỏe. NNHC còn làm gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp gấp 2-10 lần so với sản phẩm thông thường. Vì thế, việc nhân rộng các mô hình sản xuất NNHC là hết sức cần thiết, góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương. "Tuy nhiên, để làm NNHC đòi hỏi người làm phải có kiến thức, có đủ vốn và tính kiên trì", ông Viên khuyến cáo.
Chia sẻ điều này, ông Có cho biết, từ cây giống đến quy trình sản xuất, các xã viên phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu sạch và không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu trong suốt quá trình chăm sóc. Đơn vị bao tiêu còn phải đến kiểm tra đất tại vườn cây. Chỉ khi đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn họ mới ký hợp đồng hợp tác. Tiêu chuẩn hữu cơ bắt buộc người trồng cam phải cải tạo đất thành 1 hàng, 1 liếp. Khoảng cách giữa hàng với liếp phải đủ cho xe cơ giới ra vào bón phân, thu hoạch. "Số lượng cây trong hàng cũng giảm từ 2.400 cây xuống chỉ còn 400 cây/hàng. Chạy theo số lượng trước mắt thì không thể làm được NNHC", ông Có kể.
Anh Ngô Quang Tân, thành viên HTX Minh Hòa Phát (huyện Dầu Tiếng) cho biết cũng đang dốc toàn lực đầu tư cho 1 ha bưởi hữu cơ. Với diện tích thử nghiệm không lớn, anh tự xay đậu nành làm phân cho bưởi, tự nghiên cứu làm thuốc sinh học chống lại sâu bọ...
Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương cho biết, Sở cũng đã thấy được một số khó khăn, thách thức như chưa có quy hoạch về sản xuất hữu cơ; các quy trình, tài liệu về sản xuất hữu cơ còn chưa phổ biến. Nhu cầu thị trường cao song chỉ các tổ chức, cá nhân có hợp đồng với đầy đủ các chứng nhận hợp lệ mới có thể đứng vững trên thị trường. Thời gian tới, Sở NNPTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các địa phương tiến hành rà soát lại quy hoạch, tham mưu xây dựng dự án NNHC. Đồng thời, tổ chức các kênh tiêu thụ sản phẩm NNHC cũng như và sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh để khích lệ phát triển sản xuất những sản phẩm này.
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, xu thế phát triển NNHC trong thời gian tới là thật sự cần thiết. Bình Dương cũng là địa phương đầu tiên tổ chức hội thảo về NNHC. Điều này chứng tỏ Đảng bộ, chính quyền, người dân và các doanh nghiệp trong tỉnh rất quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Sự quan tâm này là điều kiện tiên quyết để các cơ sở sản xuất phát triển NNHC theo đúng xu thế. Sở NNPTNT có vai trò lớn trong việc tăng cường thông tin về NNHC bằng nhiều hình thức. Trong đó chú trọng cập nhật các thông tin, mô hình mới trên địa bàn tỉnh để nhân rộng trong sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hùng Dũng đề nghị, UBND các huyện, thị, thành phố cùng với Sở NNPTNT cần rà soát quy hoạch, lựa chọn vùng phù hợp phát triển NNHC; xác định đúng sản phẩm chủ lực về hữu cơ là lợi thế của địa phương. Từ đó các chương trình cụ thể hơn trong xây dựng các dự án cũng như hỗ trợ sản xuất NNHC.