Dự án do Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), PepsiCo Việt Nam phối hợp với các đối tác thực hiện trong 2 năm. Trong khuôn khổ nội dung, dự án hướng đến tập huấn cho 60 lãnh đạo môi trường trẻ Việt Nam.
Các hoạt động này nhằm tăng cường tái chế nhựa trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về rác thải nhựa sử dụng một lần và khuyến khích thay đổi hành vi hướng tới bền vững hơn, đặc biệt là trong thu gom và xử lý rác thải.
PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Việc kiểm soát rác thải nhựa và túi nilon đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách hiện nay. Để giảm thiểu ô nhiễm, cần nhiều giải pháp đồng bộ, lâu dài và thay đổi thói quen của cộng đồng, đặc biệt là với đối tượng những người trẻ".
35 lãnh đạo môi trường trẻ khu vực phía Bắc sẽ được trang bị kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tổ chức hoạt động cộng đồng và kiến thức về quản lý rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Chương trình tập huấn cho các lãnh đạo môi trường trẻ khu vực phía Bắc phản ánh mục tiêu chính của dự án "quản lý rác thải nhựa" nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về thu gom và xử lý rác thải, đặc biệt là trong cộng đồng sinh viên và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới là 10%, do việc quản lý và xử lý rác thải nhựa chưa triệt để.
Nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của giới trẻ về môi trường và ô nhiễm rác thải nhựa, dự án đã thành lập một mạng lưới Lãnh đạo môi trường đến từ 5 khu vực: Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Yên - Khánh Hòa, TP.HCM và An Giang - Cần Thơ. Các lãnh đạo môi trường là lực lượng nòng cốt triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong các trường học và trong cộng đồng.
Dự án "Tăng cường nhận thức về quản lý rác thải nhựa" hướng tới đạt được những kết quả tích cực, bao gồm: 60 lãnh đạo môi trường hỗ trợ các chiến dịch và chương trình roadshow nhân Ngày Môi trường Thế giới tại 30 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên khắp Việt Nam cho 24.000 học sinh; hỗ trợ các chiến dịch và chương trình về Ngày Môi trường Thế giới tại 5 trường đại học cho 500 sinh viên đại học.
Tổ chức 8 buổi triển lãm dành cho công chúng tại 8 trường học và 3 triển lãm - hội chợ khoa học tại các vùng miền, bao gồm Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ, An Giang và TP.HCM.
Dự án cũng sẽ hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, tìm kiếm các giải pháp đổi mới để nhựa luôn được giữ trong một vòng tuần hoàn. Các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa được thiết kế có thể tái sử dụng, tái chế hoặc có thể phân hủy được và không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Dự án đã tổ chức hội thảo với sự tham dự của 50 doanh nghiệp sản xuất bao bì các nhà hoạch định chính sách, cơ quan Nhà nước để đối thoại về việc thay đổi công nghệ, hoặc nguyên liệu thay thế, các giảp pháp tái chế và chính sách liên quan.
Bên cạnh đó, dự án cũng đã tổ chức một hội thảo khác với 100 doanh nghiệp để tuyên truyền về tác động của rác thải nhựa và cách giảm thiểu, thu gom tái chế... trong doanh nghiệp và trong sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là một trong những mục tiêu của dự án, nhằm tăng cường nhận thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ về quản lý rác thải nhựa và luật bảo vệ môi trường sắp tới.