Đội quân hùng mạnh của Hồ Quý Ly tan rã sau trận tử chiến nào?
Trong thời gian trị vì đất nước, Hồ Quý Ly xây dựng được đội quân đông đảo và thiện chiến. Tuy nhiên, sau một trận đánh quyết định, đội quân hùng mạnh đó nhanh chóng tan rã.
Năm 1400, sau quá trình chuẩn bị, Hồ Quý Ly truất ngôi nhà Trần, lên ngôi hoàng đế, đổi quốc hiệu từ Đại Việt thành Đại Ngu. Đại Ngu theo nghĩa tiếng Hán có nghĩa là sự yên vui, hòa bình.
Sau khi làm vua, Hồ Quý Ly cho dời đô từ Thăng Long (Hà Nội) về huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Tại đây, ông cho xây dựng tòa thành bằng đá kiên cố, ngày nay vẫn được gọi là thành nhà Hồ, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa.
Với âm mưu xâm lược nước ta, lấy chiêu bài “phù Trần diệt Hồ”, cuối năm 1406, hoàng đế nhà Minh cử hai tướng Trương Phụ và Mộc Thạnh mang 200.000 quân xâm lược nước ta.
Thành Đa Bang là tuyến phòng thủ trọng yếu của nhà Hồ, được xây dựng kiên cố. Sau thất bại trong trận chiến quyết định ở đây, đội quân hùng mạnh của Hồ Quý Ly nhanh chóng tan rã.
Đa Bang là khu thành cổ, được xây dựng dưới triều đại nhà Hồ năm 1406, tại tổng Thanh Mai, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, Sơn Tây cũ (Hà Nội ngày nay). Đây là hệ thống phòng thủ kiên cố, kéo dài hơn 400 km mà cha con Hồ Quý Ly đã dày công xây dựng.
Sau khi thất thủ ở thành Đa Bang, kéo theo những thất bại liên tiếp ở Mộc Phàm, Hàm Tử, cha con Hồ Quý Ly bỏ chạy vào Nam, đến huyện Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh ngày nay thì bị bắt.
“Thần không sợ đánh giặc, chỉ sợ lòng dân không theo” - Đó là câu nói của tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng khi trả lời vua cha. Đúng như nhà quân sự tài năng này nhận định, cuộc kháng chiến chống Minh của nhà Hồ nhanh chóng thất bại do không được nhân dân ủng hộ.
Sau khi đánh bại nhà Hồ, quân Minh đã đô hộ nước ta trong 20 năm. Đến năm 1427, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo giành thắng lợi, đất nước mới giành được độc lập.