Dân Việt

Bứt phá về mọi mặt để có được diện mạo hoàn toàn mới ở huyện vùng cao Võ Nhai

Hà Thanh - Kiều Hải 12/12/2020 19:00 GMT+7
Mặc dù bước vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, nhưng chỉ sau 10 năm thực hiện, huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) đã bứt phá để có được diện mạo hoàn toàn mới về mọi mặt.

Võ Nhai là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Thái Nguyên với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Bước vào thực hiện xây dựng NTM vào năm 2010, huyện Võ Nhai có tới 13/14 xã đặc biệt khó khăn với xuất phát điểm tương đối thấp, trong đó trung bình mỗi xã chỉ đạt 4 tiêu chí.

Sức bật từ phong trào xây dựng NTM ở huyện vùng cao Võ Nhai - Ảnh 1.

Sau 10 năm xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Võ Nhai đã có nhiều đổi thay đáng kể

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế xã hội, huyện Võ Nhai đã tập trung khai thác các thế mạnh, các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, huyện Võ Nhai đã thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Huyện còn mở rộng hoạt động đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.

Huyện cũng huy động các nguồn lực khác nhau cho chương trình xây dựng NTM của địa phương để đầu tư xây dựng các công trình giao thông công cộng, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa…

Sức bật từ phong trào xây dựng NTM ở huyện vùng cao Võ Nhai - Ảnh 2.

Huyện Võ Nhai đã tập trung khai thác các thế mạnh, các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm

Võ Nhai cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 và kế hoạch giảm nghèo hằng năm. Cùng với đó, huyện cũng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng NTM, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, dạy nghề và tạo việc làm cho hộ nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà ở, chương trình 135,...

Trong những năm gần đây, Võ Nhai không ngừng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất và thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đối với các xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, hầu hết các xã vùng 135 đã có đường bê tương đến tận thôn, bản. Hệ thống trường lớp, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang. Các xã vùng dân tộc thiểu số đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy thế mạnh của từng vùng.

Bên cạnh đó, Võ Nhai luôn định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung...

Sức bật từ phong trào xây dựng NTM ở huyện vùng cao Võ Nhai - Ảnh 3.

Huyện Võ Nhai định hướng hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất cây ăn quả tập trung.

Sức bật từ phong trào xây dựng NTM ở huyện vùng cao Võ Nhai - Ảnh 4.

Na La Hiên là một trong những loại cây ăn quả mang lại thu nhập cao cho bà con ở Võ Nhai

Liên Minh là xã khó khăn thuộc vùng 135 của huyện Võ Nhai, với 58% dân số là người dân tộc Dao, đời sống của bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn.

Cách đây khoảng 5 – 7 năm về trước, đường giao thông nông thôn của xã đều là những con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội khiến cho việc đi lại của bà con vô cùng vất vả. Nhưng nhờ tranh thủ các nguồn lực đầu tư và phát huy nội lực của nhân dân, những năm gần đây, xã đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông.

Nhiều hộ dân trong xã sẵn sàng hiến hàng nghìn mét vuông đất để nâng cấp, mở rộng và làm đường giao thông mới. Nhờ đó, đến thời điểm này, các tuyến đường giao thông trong xã đều cơ bản được bê tông hóa.

Ông Hoàng Văn Thượng, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết, trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 8,6% trở lên. Trong đó, chính sách giảm nghèo tập trung vào những hộ chuẩn bị thoát nghèo của năm trước và năm sau.

Sức bật từ phong trào xây dựng NTM ở huyện vùng cao Võ Nhai - Ảnh 5.

HTX nông sản Liên Minh chuyên sản xuất và chế biến chè, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động là đồng bào dân tộc địa phương với thu nhập ổn định

Ông Hoàng Minh Hiền – Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai khẳng định, để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giảm nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng. Để làm tốt điều đó, phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xác định nông nghiệp và du lịch là thế mạnh của địa phương.

Cùng với đó, cần tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, phải chú trọng chăm lo phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa để giao thương hàng hóa được thuận tiện.

Sức bật từ phong trào xây dựng NTM ở huyện vùng cao Võ Nhai - Ảnh 6.

Nhiều công trình nhà văn hóa xóm ở Võ Nhai được đầu tư xây dựng mới khang trang

Sau gần 10 năm xây dựng NTM, đến nay huyện Võ Nhai đã huy động được trên 411 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Nhờ đó, huyện đã xây dựng 14 nhà văn hóa mới, 3 khu thể thao cấp xã, xây mới kết hợp với sửa chữa 142 nhà văn hóa xóm, xây mới 2 trường mầm non, nâng cấp 59 trường học đạt chuẩn, hoàn thiện hơn 330km đường giao thông nông thôn, gần 26km kênh mương thủy lợi… Bên cạnh đó, người dân địa phương đã tự nguyện đóng góp hơn 500.000 ngày công, hiến hơn 400.000m2 đất để xây dựng các công trình NTM.

Với những nỗ lực đó, hiện toàn huyện đã có 5 xã đạt chuẩn NTM, mỗi xã bình quân đạt 13,8 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo cả huyện giảm xuống còn 13,63% năm 2019 và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 10% trong năm 2020.

Toàn huyện cũng có trên 10.000 lao động có việc làm và thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp, trong đó trung bình mỗi năm, huyện tạo việc làm mới cho khoảng 1.300 - 1.800 lao động.

Huyện Võ Nhai phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ có 6/14 xã đạt chuẩn NTM. Đến năm 2025, huyện sẽ phấn đấu có 9/14 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM tiêu biểu.