Dựa vào các chứng cứ và hình ảnh do Thiếu tá Sai Thein Win đào ngũ sang phương Tây cung cấp, bộ phim tài liệu có tên "Tham vọng hạt nhân của Myanmar" do nhà báo Australia Evan Williams làm đạo diễn cho thấy với chương trình vũ khí hạt nhân, Myanmar sẽ làm thay đổi diện mạo an ninh khu vực sang chiều hướng bi kịch như thế nào. Nhưng các chuyên gia cho rằng chương trình hạt nhân của Myanmar còn lâu mới thành công do sự thiếu thốn về tài chính cũng như đội ngũ các nhà khoa học của nước này còn quá yếu kém.
Nguồn chính của phim tài liệu, Sai Thein Win, cựu Thiếu tá quân đội Myanmar, người đào ngũ sang phương Tây và mang theo bên mình một lượng thông tin chưa từng thấy trước đó về Myanmar . Số tài liệu của Sai Thein Win đã được các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng, trong đó có Robert Kelly - cựu chuyên gia quốc tế về vũ khí của Mỹ.
Từ các năm 1992 đến 1993 và 2001 đến 2005, Kelly là một trong những giám đốc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Ông nói: "Sai Thein Win nhắc nhở chúng ta về Mordecai Vanunu, chuyên viên kỹ thuật Israel làm việc ở cơ sở hạt nhân Dimona trong sa mạc Negev ... Sai đang cung cấp thông tin tương tự". Vanunu đã vạch trần chương trình hạt nhân của Israel và theo Kelly, Sai Thein Win đã "cung cấp những hình ảnh về trang thiết bị có lẽ rất hữu ích cho chương trình hạt nhân".
Geoff Forden, một chuyên gia khác về vũ khí, nhận định Myanmar có lẽ "từng theo đuổi ít nhất 2 con đường khác nhau nhằm hướng tới việc sở hữu khả năng sản xuất tên lửa hàng loạt. Họ cũng đã gửi nhiều sĩ quan quân đội Myanmar đến Moskva để được huấn luyện thiết kế và sản xuất tên lửa".
Sai Thein Win nằm trong số nhóm sĩ quan được gửi đến nước Nga và ông có những bức ảnh chụp mình trong thời gian được huấn luyện ở Nga. Sai Thein Win cũng có trong tay những bức ảnh về cơ sở hạt nhân tuyệt mật nằm cách Thabeikkyin - thị trấn nhỏ gần sông Irrawaddy ở miền Bắc Myanmar - chừng 11km. Sai Thein Win tuyên bố đây là tổng hành dinh của Tiểu đoàn hạt nhân quân đội Myanmar và họ cố gắng xây dựng một lò phản ứng hạt nhân cũng như làm giàu uranium để chế tạo vũ khí.
Cũng theo Sai Thein Win, chương trình phát triển tên lửa được đặt tại một cơ sở khác gần Myaing, phía tây nam Mandalai, ở miền Trung Myanmar . Máy móc và trang thiết bị của cơ sở Myaing là do 2 công ty Đức cung cấp và họ cũng gửi kỹ sư đến để lắp đặt. Trong khi đó, số người Đức này không hề biết rằng Myanmar đã che giấu việc sử dụng số máy móc này để chế tạo các bộ phận của tên lửa hay một số bộ phận khác dùng cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, các máy móc được dùng để phát triển tên lửa này hữu dụng như thế nào là vấn đề còn phải bàn cãi.
Myanmar là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực tiến hành chương trình nghiên cứu hạt nhân. Năm 1956, chính quyền dân chủ lúc đó của Myanmar đã thành lập Trung tâm Năng lượng nguyên tử Liên bang Miến Điện ở thủ đô Yangon cũ. Nhưng sau đó trung tâm này ngừng hoạt động khi quân đội lên nắm quyền vào năm 1962. Chính quyền quân sự - chỉ huy là tướng Ne Win - không tin vào những chuyên gia kỹ thuật cũ và thấy chương trình hạt nhân thiết kế cho những mục đích hòa bình chẳng có ích lợi gì.
Năm 2001, giới quân sự cầm quyền Myanmar nhắm đến việc khôi phục lại các tham vọng hạt nhân của nước này. Một hiệp định được ký kết vào năm 2001 với Bộ Năng lượng nguyên tử Nga, trong đó bao gồm kế hoạch xây dựng một lò phản ứng hạt nhân 10MW ở miền Trung Myanmar. Cùng năm Myanmar thành lập Bộ Năng lượng nguyên tử - người ta tin đây là con đẻ của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ U Thaung, người từng tốt nghiệp Học viện Quốc phòng và là cựu Đại sứ Myanmar ở Mỹ. Lúc đó, nhà khoa học hạt nhân được đào tạo ở Mỹ Thein Po Saw là luật sư lãnh đạo cho công nghệ hạt nhân ở Myanmar.
Nhưng dường như hiệp định với Nga sau đó bị xếp xó do Myanmar thiếu tài chính. Lò phản ứng của Nga không bao giờ được chuyển giao, nhưng vào tháng 5/2007, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nga (Rosatom) lại thông báo sẽ xây dựng lò phản ứng hạt nhân cho Myanmar. Theo hiệp định ký kết năm 2001, một nhóm người Myanmar (phần đông là người của quân đội) được gửi sang Nga để được đào tạo. Nhưng gần 10 năm sau, Nga vẫn chưa chuyển giao lò phản ứng hạt nhân do Myanmar "từ chối cho phép IAEA tiến hành thanh tra".
Aung Lin Htut, cựu sĩ quan tình báo làm việc tại Đại sứ quán Myanmar ở Washington cho đến khi đào ngũ năm 2004 còn tiết lộ những đường hầm và bunker - một số đủ rộng để chứa hàng trăm binh sĩ - được xây dựng cũng vì mục đích phòng thủ hạt nhân của Myanmar