Tại một diễn đàn về bảo vệ quyền tác phẩm báo chí mới diễn ra tại TP.HCM, nhiều tiết lộ bất ngờ về doanh thu các nền tảng quảng cáo toàn cầu như Google, Facebook thu được từ các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam lên đến gần cả tỷ USD trong một năm. Đáng chú ý, doanh thu các gã khổng lồ này có được còn đến từ việc "tiếp tay" các trang tin, fanpage vi phạm bản quyền báo chí, thông qua cung cấp quảng cáo.
Đại diện các cơ quan báo chí cho rằng tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra ngày càng rầm rộ hơn, quy mô lớn hơn, khiến doanh thu các cơ quan báo chí đang bị bào mòn mỗi ngày. Về thực trạng này, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm phải đưa ra nhận định: "Vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày nay là một vòng tròn khép kín, quy mô cực kỳ lớn nên doanh thu từ quảng cáo dường như không còn cửa cho các cơ quan báo chí".
Thực tế, đây là vấn đề nóng thời gian qua. Nhiều nước đã bàn đến quản lý vấn đề vi phạm bản quyền, trong đó có việc yêu cầu Google, Facebook thỏa thuận bản quyền với tác giả trước khi đăng tải nội dung hoặc phải trả tiền cho các nội dung báo chí.
Động thái gần đây nhất là Australia, nước này đã soạn xong dự luật buộc các hãng công nghệ như Facebook, Google chia sẻ một phần doanh thu quảng cáo cho các cơ quan báo chí khi khai thác thương mại nội dung báo chí. Nếu không tuân thủ họ sẽ bị phạt gấp ba lần lợi ích thu được hoặc 10% doanh thu trong 12 tháng gần nhất tại thị trường Australia.
Tại Tây Ban Nha, nước này đã ban hành điều luật cho phép các cơ quan báo chí buộc Google trả tiền cho việc các dòng tin chính (headlines) xuất hiện trên Google News. Một số nước châu Âu khác cũng có đạo luật các công ty công nghệ phải trả tiền cho việc sử dụng tin tức của các cơ quan báo chí trên các nền tảng xã hội.
Theo lãnh đạo Cục Báo chí, tại Mỹ có đạo luật bảo tồn và cạnh tranh cho phép các cơ quan sản xuất nội dung trực tuyến thương lượng với các nền tảng về những nội dung mà họ có thể phân phối. Một trong những lập luận khiến Mỹ đưa ra đạo luật này là với âm nhạc, dùng một đoạn nhạc cũng phải trả phí bản quyền, thì Google khai thác tin tức của báo chí để kinh doanh cũng phải trả phí.
Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - ông Lê Quang Tự Do cho rằng, việc vi phạm bản quyền, chỉ các cơ quan báo chí thì sẽ không "đấu" không lại Google và Facebook. Theo ông, cái khó hiện nay không phải phát hiện, mà là xử lý vi phạm bản quyền, cần có một "liên minh" gồm cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, chuyên gia, luật sư… cùng vào cuộc, trong đó, cần có một đơn vị đứng ra làm đầu mối.
"Hiện Facebook và Google cam kết rất tốt, chặt chẽ là hợp tác. Chúng tôi có 3 yêu cầu với họ, là thông tin về chính trị, quảng cáo và vấn đề vi phạm bản quyền. Cả 3 yêu cầu này đang được nâng lên một mức mới. Cục hiện không có người theo đến cùng vi phạm bản quyền. Họ sẵn sàng làm nhưng cần có chứng minh theo mẫu", ông Lê Quang Tự Do nói. Ông cho rằng cái khó hiện nay là thiếu nhân lực lẫn tài chính trong việc phát hiện, xử lý vi phạm bản quyền báo chí.
Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm cho rằng giải pháp hiện nay là truyền thông công khai các biểu hiện vi phạm pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, buộc tuân thủ luật pháp Việt Nam về quản lý nội dung, quản lý quảng cáo. Kêu gọi hình thành các liên minh bảo vệ bản quyền nội dung của báo chí.
"Kêu gọi và có chế tài đề nghị các doanh nghiệp, thương hiệu nổi tiếng, các nhà kinh doanh quảng cáo đồng hành thông qua việc rút quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội", ông Lâm cho biết.
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông - ông Hoàng Vĩnh Bảo, cũng nhấn mạnh đây là vấn đề lớn các cơ quan báo chí đang đối mặt. Thứ trưởng nhắc đến việc cần học hỏi kinh nghiệm các nước lớn để buộc nền tảng quảng cáo xuyên biên giới không vi phạm bản quyền.
"Trước hết phải liên kết thực hiện đúng quy định pháp luật trong nước, khi liên kết mới chiến đấu được bên ngoài. Cần phải liên kết giữa các cơ quan báo chí, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, chắc chắn sẽ đạt được bước đầu và dần dần chiến đấu trang nước ngoài", Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhận định.