Bạn thấy cái tên tác giả lạ phải không? Tôi cũng lạ như bạn. Nhưng như thế ta lại có một sự thú vị đọc thơ của người ta chưa đọc bao giờ với những nỗi phấp phỏng chờ đợi những câu thơ hay, những ý thơ lạ, những tươi mới đến từ một con mắt thơ mới. Và quả là Trần Hưng không làm tôi thất vọng, cũng như tôi nghĩ bạn sẽ không thất vọng khi đọc tập thơ này của Trần Hưng dù đây không phải là tập thơ đầu của anh.
QUÁ MỘT NHƯ KHÔNG
Tác giả: Trần Hưng
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020
Số trang: 94
Số lượng: 800
Giá bán: 99.000
Trần Hưng vốn là sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội từ những năm tám mươi thế kỷ hai mươi. Nghĩa là tuổi tác anh không còn trẻ lắm, nhưng tâm hồn anh vẫn nguyên trẻ. Đọc thơ anh bạn sẽ gặp một đứa trẻ hồn nhiên, tinh nghịch và già dặn.
“ta là đứa bé ham chơi
xách quần đi khắp một trời linh thiêng” (tr. 22)
“vô tình gặp lại sân chơi
quả bàng đã chín mà tôi chưa già
em hay chuyện lá chuyện hoa
tôi hay ngủ gật tôi là thi nhân” (tr. 23)
Cậu bé thi nhân ấy bước đi trong đời mang tâm thế “quá một như không”. Tập thơ vì vậy có phần Một gồm 23 bài và phần Không 25 bài.
“anh em em em
anh em em em em em em
viết hết mình ra
xong mình quá một như là không thôi” (tr. 59)
Cái Một ấy là Hữu để đối lại cái Không là Vô. Nhưng cũng có thể bước quá là Một hóa Không. Đó là sự bấp bênh, sấp ngửa của cuộc sống, của đời người. Và người thơ Trần Hưng đi trong đời chông chênh bằng những bước thơ thập thững.
Thập thững duyên “anh đứng như cây / dang tay cành cộc” (tr. 14).
Thập thững tuổi “có người nheo mắt chua me /ném ta quả sấu xanh lè ban mai” (tr. 15)
Thập thững xuân “bỏ mùa đông cũ ra phơi / áo hoa ngoài ngõ cứ cười áo bông” (tr. 17)
Thập thững nước rươi Tứ Kỳ “hạt mưa vớt dấu chân người / ấu thơ thăm thẳm thoắt rời bùn đen” (tr. 67)
Thập thững rùa Hồ Gươm “xin đừng lấy máu làm thiêng / ta là lẫy nỏ oan khiên đây mà” (tr. 74).
Những bước thập thững đó nó quấn vào những dòng lục bát ngang ngửa ngả nghiêng của Trần Hưng. Thì hai dòng sáu tám muôn đời vẫn là mười bốn chữ. Thì cái nhịp chủ đạo trên sáu dưới tám muôn đời vẫn là nhịp đôi. Nhưng mỗi thời có lục bát của một thời.
“tóc râu là tóc râu ơi
đã long răng lược một thời em qua
bảo cho nhau hết thế mà
còn căng váy áo thịt da để dành” (tr. 37)
Câu chữ cứ gọi là nẩy căng một nhịp sống thị thành thời nay. Cái thời mà ngôn từ quán nét xô đẩy vào thơ Trần Hưng như muốn ghim câu thơ vào lúc này ở đây.
“tôi thấy tôi là copy
xin em một bản Tứ Kỳ nay mai
vài dòng trăm tag nghìn like
bao nhiêu chữ cái thì ngoài nhớ quên” (tr. 56)
Câu bát giữ bài thơ ở lại. Nhưng cũng có khi câu lục tưởng nói chơi chơi thì lại bật lên được một nỗi đau thời sự. Ấy là nói người lính cũ “hai năm bộ đội một đời nhân dân” nên chi
“phận mình cũng phận ông cha
dấu chân nguệch ngoạc phù sa máu hồng
ai làm vài ván game không
để ta giành lại mênh mông nổi chìm” (tr. 70).
Cái sự thập thững khiến thơ Trần Hưng đưa đến người đọc một sự "lạ hoá" trong cảm xúc và ngôn từ. Anh bắt người đọc không trôi tuột theo dòng thơ mà bị mắc lại ở những chữ, những câu bất ngờ, khó đoán định. Nói cải đắng ở Lạng Sơn ai biết là con mắt thi nhân lại thấy ra "núi như là con tốt / mất khi vừa sang sông". Cái nhìn ấy là bởi anh đã thấy ruộng trồng cải như ô bàn cờ. Nhưng câu thơ đứng riếng ra về núi cũng gây một ý vị riêng.
Hay thử lấy một bài nhan đề "Tấm Cám" anh viết thế này:
hội lội hoa rơi dấu
không
không
không
không
giày
Người đọc được giả định cố nhiên đã biết câu truyện cổ tích. Từ liên văn bản người đọc sẽ chờ đợi một khai triển của nhà thơ trên cứ liệu truyện cũ. Và Trần Hưng đã tạo một dấu CÓ trên cái KHÔNG không có của một sự có mà truyện cổ đã nói. Nhờ chiếc giày hoàng tử đã tìm thấy cô Tấm. Nhưng tình yêu có khi lại ở chỗ dấu có ở nơi không và ngược lại. Bốn chữ "không" viết bậc thang vừa như có vừa như không, có không là phải lần theo từng bậc.
Trần Hưng đã viết thơ như vậy, "viết hết mình ra". Đó không chỉ là viết thơ mà là viết mình. Và viết xong là hết, "xong mình quá một như là không thôi". Cuộc thơ với người thơ như thế là luôn cạn kiệt và luôn bắt đầu.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Vinh, thu 2020.