Điều này hoàn toàn không phải do Tư Mã Ý không dám, mà bởi sau khi Gia Cát Lượng qua đời chưa bao lâu, Tư Mã Ý đã bị Tào Duệ điều đi, không cho ông ta cơ hội đó nữa.
Thứ nhất, nhà họ Tào vẫn luôn âm thầm đề phòng Tư Mã Ý, không cho ông ta bất cứ thực quyền nào. Tư Mã Ý bắt đầu làm việc từ thời Tào Tháo - tổ tiên nhà họ Tào.
Nhưng Tào Tháo là người như thế nào? Con mắt tinh tường của ông ta đã sớm nhận ra Tư Mã Ý ôm chí lớn, nên trước khi lâm chung đã cẩn thận căn dặn Tào Phi phải đề phòng Tư Mã Ý.
Về sau, con trai Tào Phi là Tào Duệ lên ngôi, cũng tuân theo di huấn của tổ tiên, chỉ khi chiến sự nguy cấp mới trọng dụng Tư Mã Ý, thời kỳ thái bình sẽ dùng đủ mọi lý do để cách chức ông ta.
Cũng chính bởi lý do này, nếu như Tư Mã Ý đích thân dẫn quân đi tiêu diệt Thục Hán, việc này sẽ đồng nghĩa với việc ông ta chủ động vứt bỏ quyền kiểm soát quân đội của nước Nguỵ.
Với một kẻ đa mưu túc trí như Tư Mã Ý, ông ta sẽ kiên quyết không làm việc dại dột này.
Thứ hai, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, đại tướng Khương Duy của quân Thục kế thừa ý nguyện của Gia Cát Lượng, tài năng và mưu trí của ông tuy không thể sánh bằng Gia Cát Lượng, nhưng suy cho cùng cũng là người thừa kế, được đích thân Gia Cát Lượng lựa chọn.
Khương Duy phát động chiến tranh Bắc phạt nhằm vào nước Nguỵ với số lượng lớn hơn và dữ dội hơn so với Gia Cát Lượng, đồng thời ông còn bắt tay với Đông Ngô, phát động tấn công Nguỵ ở mặt trận phía Đông.
Hai hướng Đông - Tây kết hợp tấn công, khiến nước Nguỵ mất đi một phần lãnh thổ. Bên cạnh đó, xét từ bối cảnh thực tế, việc trải qua nhiều năm chinh chiến liên miên đã khiến cả Tào Ngụy và Thục Hán đều bị tổn hao sức người, sức của, cả hai bên đều gặp phải không ít khó khăn.
Tổn thất sau chiến tranh, lại thêm việc phải đối phó kẻ thù từ nhiều phía, nước Ngụy có mạnh đến đâu cũng sẽ rơi vào cảnh khốn đốn, vì thế mà Tư Mã Ý không còn thời gian để suy xét đến việc chủ động tiêu diệt nhà Thục Hán.
Nếu như còn tiếp tục chiến tranh, nước Ngụy không sớm thì muộn cũng suy sụp. Tới lúc đó, Tôn Quyền hoặc những kẻ địch khác nhất định sẽ thừa nước đục thả câu.
Hơn nữa, thân là một đại thần nước Ngụy, Tư Mã Ý thực ra có rất nhiều công việc nội chính quan trọng cần giải quyết chứ không phải chỉ có riêng việc phát động công kích hay chống đỡ các cuộc chiến do Thục Hán gây ra.
Thứ 3, việc không động đến nhà Thục Hán thực ra còn là một ý đồ thâm thúy của Tư Mã Ý, theo đó, "tha" không đụng đến nhà Thục là cách để họ Tư Mã bảo toàn giá trị của bản thân.
Một khi Thục Hán bị tiêu diệt, Tư Mã Ý về cơ bản đã không còn giá trị lợi dụng đối với nhà Tào Ngụy.
Khi đã không còn giá trị, bản thân ông và gia tộc hoàn toàn có thể bị họ Tào kiếm một lý do nào đó để trừ khử tận gốc.
Cho nên, để có thể bảo toàn giá trị cũng như tính mạng của bản thân và dòng tộc, Tư Mã Ý càng không thể vội vàng tiêu diệt Thục Hán. Hơn nữa, nhà Thục Hán đã mất đi Gia Cát Lượng, sức mạnh cũng đã giảm thiểu đi nhiều, chẳng còn là mối nguy lớn đối với ông ta.
Trong mắt gia tộc Tư Mã, Lưu Thiện chẳng có tài cán gì nổi bật thì cho dù Gia Cát Lượng còn sống cũng không thể giúp Thục Hán chèo chống lâu hơn, đằng này Gia Cát Lượng đã qua đời, Khương Duy cũng tài nhưng còn thua kém nhiều so với Khổng Minh, về cơ bản Thục Hán không còn đáng ngại, không cần gấp rút đối phó.
Từ những lý do nói trên, có thể thấy việc Tư Mã ý không tấn công Thục Hán bất kỳ lần nào nữa kể từ sau khi Khổng Minh qua đời thực chất là một nước cờ đầy khôn ngoan, có dụng ý.