Dân Việt

Thảm án kinh hoàng trong Tử Cấm Thành: Mối tình phi tần - thái giám, 3000 người bị giết

PV 11/11/2020 06:40 GMT+7
Có lẽ vì vụ thảm án này mà đến hiện tại Tử Cấm Thành vẫn toát lên một vẻ u ám đáng sợ.

Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã được xem là một đất nước phương Đông thần bí với lịch sử hàng nghìn năm. Bắc Kinh là thủ đô của các triều đại nhà Minh và nhà Thanh nên giá trị lịch sử và văn hóa của nơi đây là điều không ai có thể chối bỏ. Tử Cấm Thành (Cố Cung) tại Bắc Kinh là cung điện được xây dựng bởi Hoàng đế Vĩnh Lạc Chu Đệ (Minh Thành Tổ) của nhà Minh, thu hút sự quan tâm từ khắp nơi trên thế giới vì quy mô hoành tráng.

Từ khi được xây dựng đến hiện nay, hàng chục vị Hoàng đế đã sống tại Tử Cấm Thành, để lại vô số câu chuyện lịch sử vừa thú vị vừa đáng sợ. Một trong số đó là chuyện xung quanh vị Hoàng đế tạo nên Tử Cấm Thành: Hoàng đế Vĩnh Lạc Chu Đệ.

Thảm án kinh hoàng trong Tử Cấm Thành: Gần 3000 người bị giết bởi mối tình giữa một phi tần và thái giám - Ảnh 1.

Tử Cấm Thành.

Chu Đệ vốn là con trai của Chu Nguyên Chương, được phong thành Yên Vương. Nhưng khi Thái tử Ý Văn Chu Tiêu qua đời, Chu Nguyên Chương lại lập Hoàng tôn Chu Doãn Văn (con trai Thái tử Ý Văn) làm trữ quân, sau trở thành Hoàng đế Minh Huệ. Khi Chu Doãn Văn lên ngôi đã ra tay giáng chức và tiêu diệt quyền lực của những người trong hoàng tộc.

Lúc này, Chu Đệ vô cùng bất mãn đã nuôi binh nổi dậy. Trong cuộc nội chiến, Chu Đệ đã lật đổ cháu trai và giành được ngai vàng vào năm 1402, trở thành Hoàng đế Vĩnh Lạc hay Minh Thành Tổ. Người đời ca ngợi 22 năm Chu Đệ trị vì là thời kỳ Vĩnh Lạc thịnh thế, đất nước phát triển mạnh về văn hóa và quân sự.

Chu Đệ là một trong những vị hoàng đế máu lạnh khét tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Cách đoạt được hoàng quyền không mấy vẻ vang cho nên về sau lúc nào Chu Đệ cũng nghi ngờ mọi thứ xung quanh. Để củng cố quyền lực của bản thân, Chu Đệ quyết định dời đô đến Bắc Kinh. Và tại đây, ông đã cho xây dựng một kiến trúc cung đình hoành tráng.

Khi Tử Cấm Thành được hoàn thiện, Chu Đệ và tất cả phi tử của ông trở thành những người đầu tiên sống tại cung điện này. Chính vào thời kỳ này đã xảy ra thảm án khủng khiếp nhất trong lịch sử Tử Cấm Thành.

Sự việc vào ngày thứ 2 sau khi hoàn thiện Tử Cấm Thành, Chu Đệ đã ra lệnh xử tử hơn 2800 người. Nguyên nhân cũng rất bí ẩn và không được ghi chép nhiều trong chính sử. Các nhà sử học Trung Quốc sau này chỉ có thể tìm thấy nguyên do từ các tài liệu văn hiến của nước ngoài.

Lúc đấy, Chu Đệ vừa lên ngôi đã tuyển chọn rất nhiều tần phi nhập cung. Nhưng vì sức lực Hoàng đế có hạn, không thể sủng hạnh tất cả cùng lúc. Sẽ có nhiều phi tần trẻ trung không thể gặp Hoàng đế trong thời gian rất dài, hoặc chưa từng gặp Hoàng đế từ lúc vào cung. Một số nữ nhân hậu cung nảy sinh suy nghĩ và hành động không đứng đắn sau khoảng thời gian cô độc.

Thảm án kinh hoàng trong Tử Cấm Thành: Gần 3000 người bị giết bởi mối tình giữa một phi tần và thái giám - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Trước hết cần tìm hiểu về Đông xưởng. Đông xưởng tên đầy đủ là 'Đông tập sự xưởng', được thành lập năm 1420 dưới thời Hoàng đế Vĩnh Lạc Chu Đệ với mục đích trấn áp các thế lực chính trị chống đối. Đây là cơ quan bí mật giám sát nhất cử nhất động của các quan lại, tướng lĩnh thuộc mọi cấp bậc, do Hoàng đế nhà Minh trực tiếp quản lý.

Ngày hôm đó, Đông Xưởng mật báo với Chu Đệ: Có một phi tần đã tư thông với một thái giám ngay trong hậu cung. Chu Đệ ngay lập tức nổi giận lôi đình, phi tần và thái giám có quan hệ mờ ám là điều mà Hoàng đế không thể tha thứ.

Ông ra lệnh thẩm vấn tất cả phi tần, thái giám và cung nữ ở hậu cung nhưng dù có tra khảo như thế nào cũng không có ai thừa nhận.

Trong quyển "Lý Triều Thực Lục" của Triều Tiên có ghi như thế này: "Những nữ nhân tập trung lại và cùng chờ đợi cái chết đến gần". Cuối cùng, không thể kiềm nổi cơn ghen tuông, Chu Đệ ra lệnh giết sạch toàn bộ hơn 2800 phi tần, thái giám và cung nữ có liên quan. Đồng thời, vì muốn che giấu vụ thảm án, ông quyết định không lưu lại bất kỳ dấu vết nào trong sách sử.

Không lâu sau khi vừa xây dựng Tử Cấm Thành, Chu Đệ đã cùng lúc giết rất nhiều người. Có thể tưởng tượng được rằng, vài trăm năm sau, qua nhiều triều đại khác sẽ có rất nhiều người khác chôn thân tại Tử Cấm Thành. Có lẽ vì thế mà đến hiện tại Tử Cấm Thành vẫn toát lên một vẻ u ám đáng sợ.