Sáng 12/11, một cán bộ kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương cho biết, hiện nay, công tác khám nghiệm hiện trường đã hoàn tất và Hạt Kiểm lâm sẽ phối hợp với Công an huyện, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện, UBND xã Đạ Sar, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim tiến hành điều tra truy tìm thủ phạm để xử lý theo quy định.
Tại tiểu khu trên, theo thống kê của của cơ quan chức năng, tại khoảnh 1 và khoảnh 2, tiểu khu 132 (lâm phần nằm trên địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương), có tới 6 vị trí rừng bị tàn phá. Trong đó, tại khu vực thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim bị cắt hạ 38 cây thông 3 lá, đường kính gốc từ 18 - 66 cm, khối lượng lâm sản thiệt hại hơn 67 m3, diện tích bị tác động 1.200 m2.
Ngoài ra, tại khu vực do Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch Sinh thái Thác Rồng quản lý đã bị cưa hạ 57 cây (56 cây thông 3 lá và một cây dẻ rừng), lâm sản bị thiệt hại khoảng hơn 73 m3, diện tích bị tác động trên 5.500 m2.
Trước đó, Dân Việt đã đưa tin, tại tiểu khu 132 (lâm phần nằm trên địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương) đã xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng. Tại khu vực trên, hàng trăm cây thông lớn có đường kính từ 40 - 80cm, cao hơn 20m bị cưa hạ nằm ngổn ngang.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), hiện nay toàn quốc có hơn 14,6 triệu ha rừng (hơn 10,2 triệu ha rừng tự nhiên). Trong đó có 2,16 triệu ha đất có rừng đặc dụng, 4,64 triệu ha đất có rừng phòng hộ. Trong năm 2020, cả nước trồng được 4.803 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Tuy nhiên, các cánh rừng này đang chịu nhiều tác động tiêu cực khi xảy ra tổng cộng 2.049 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.