Sáng nay (12.11), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Thảo luận ở tổ Hà Nội, Đại biểu Vương Đình Huệ (Đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, thời gian vừa qua, chúng ta đã thực hiện chủ trương công an chính quy về xã là chủ trương rất đúng đắn. Lực lượng này có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt hơn, tình hình an ninh trật tự ở địa phương được kiểm soát tốt hơn. Khi đưa lực lượng công an chính quy về xã thì việc này không tăng biên chế ngành công an.
Về một số nội dung của dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, đại biểu Vương Đình Huệ cho rằng, trong dự án Luật đang điều chỉnh 3 lực lượng đó là bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách.
Theo đại biểu là Bí thư Thành ủy Hà Nội, về phạm vi điều chỉnh cần tiếp tục được nghiên cứu. Bởi lực lượng công an xã bán chính quy chỉ ở cấp xã mới có, còn ở cấp phường thì không có lực lượng này. Như vậy, vô hình trung đối tượng điều chỉnh ở phường và xã là khác nhau.
Nhấn mạnh về chủ trương xây dựng thế trận lòng dân, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, nên chăng, dự án Luật này cần huy động được sức mạnh của nhân dân và thế trận lòng dân và các lực lượng trên là nòng cốt. Luật cần củng cố được an ninh trật tự ở cơ sở, an ninh ở nông thôn.
Đại biểu Phạm Quang Thanh nêu ý kiến về việc khi có lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì việc bảo đảm cơ sở vật chất để tổ chức, con người hoạt động như thế nào? Khi có lực lượng công an chính quy về các xã thì phải ưu tiên cơ sở vật chất cho lực lượng công an chính quy này. Vậy có thêm lực lượng này có phát sinh thêm cơ sở vật chất không?
Vị đại biểu này cho rằng, cần có chủ trương, chính sách để các tỉnh, thành, địa phương thực hiện dùng chung cơ sở vật chất, đỡ lãng phí. "Các huyện ngoại thành của Hà Nội còn khó khăn chứ chưa nói tới các tỉnh", ông Thanh nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Được cho rằng cần đánh giá lại hệ thống chính quyền từ trung ương tới cơ sở để nhận định, làm rõ những điểm mạnh hay hạn chế như thế nào? Sau khi có đánh giá kỹ mới nên cân nhắc có thực sự cần thành lập lực lượng này không?
Đại biểu Được cho rằng, việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là cần thiết, nhưng cần đánh giá lại về hiệu quả về việc triển khai lực lượng công an chính quy về xã. Đại biểu cũng bày tỏ lo ngại việc sinh ra tổ chức lại phải sinh ra trụ sở, vấn đề về lương, phụ cấp, biên chế…
Nêu ý kiến cho rằng, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này như chức năng của lực lượng công an xã, đại biểu Trần Thị Phương Hoa đặt câu hỏi: "Vai trò của Mặt trận Tổ quốc rồi dân quân tự vệ ở khu dân cư, dân phố thì thế nào?", đồng thời đề nghị đánh giá lại hoạt động của 3 lực lượng thuộc đối tượng điều chỉnh của dự án Luật này (lực lượng công an xã bán chính quy, lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng dân phòng).
"Vì dự án Luật liên quan tới cơ sở nên cần phải có đánh giá ở các cấp địa phương. Đối với 3 thành phố lớn thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì triển khai lực lượng này như thế nào", đại biểu Hoa nói và nhấn mạnh rằng, việc sinh ra tổ chức sẽ có liên quan tới các Bộ, ngành khác nhau như chế độ chính sách liên quan tới Bộ LĐTBXH, lương và phụ cấp liên quan có liên quan tới Bộ Tài chính, việc thành lập tổ chức thì liên quan tới Bộ Nội vụ… Do đó, cần có đánh giá kỹ hơn về việc này để đảm bảo tính đồng bộ.
Tăng lên 800.000 người hưởng ngân sách
Tại tổ TP.HCM, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, cho rằng "Dự thảo Luật chưa đánh giá được tác động chính sách cho lực lượng này", ông nhấn mạnh: "Khi đưa ra lực lượng nào thì phải có chính sách cho họ kể cả bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, dự thảo Luật chưa nói đến vấn đề kinh phí bảo đảm cho lực lượng này".
Cũng theo đại biểu Hoàng, quan điểm của luật đây là lực lượng quần chúng tự nguyện. Mà hiện nay, ở địa bàn có nhiều lực lượng tự nguyện tham gia đảm bảo trật tự trị an ở cơ sở.
Cùng với đó, dự luật này đưa ra cũng tác động đến rất nhiều dự luật khác, ví dụ như chưa tính đến tuổi của lực lượng này. Dự thảo luật chỉ nói từ 18 tuổi trở lên chứ không nói đến bao nhiêu tuổi thì hết.
Đáng chú ý, vị đại biểu đoàn TP.HCM cũng cho rằng, dự thảo luật không phản ánh chính xác thực tế số lượng tăng, giảm khi đưa ra lực lượng này.
"Nếu theo tính toán của cơ quan soạn thảo luật, chúng ta sẽ có 1,5 triệu người tham gia lực lượng này và hưởng ngân sách. Nếu lực lượng này ra đời thì giảm được 500.000 người đang tham gia ở các lực lượng "dân phòng, bảo vệ dân phố và công an xã bán chuyên trách".
Tuy nhiên, không phải vậy, theo báo cáo gần đây thì cả 3 lực lượng này trên toàn quốc chỉ có 651.000 người. Như vậy, khi lực lượng này ra đời sẽ tăng lên 800.000 người hưởng ngân sách chứ không phải là giảm 500.000 người như Ban soạn thảo luật đưa ra.
Chúng ta nghiên cứu ra lực lượng mà không chính danh, không có tuổi, ngân sách đội lên thì không nên", đại biểu Hoàng nói và cho rằng, nên làm tốt chính sách, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cũ chứ không nên thành lập lực lượng mới.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, khi kinh tế đi lên thì lẽ ra an ninh phải tốt hơn rất nhiều, phải bớt người đi. Điều này thể hiện ở nhiều quốc gia xung quanh chúng ta. "Ở nước ngoài chẳng thấy dân phòng, dân phố gì hỏi thăm cả, nhưng khi có vấn đề phát sinh, lái xe quá tốc độ sẽ có người xuất hiện. Từ vấn đề này chúng ta cần đẩy mạnh quản lý bằng công nghệ chứ không phải tăng lực lượng lên", đại biểu Nghĩa nói.
Cần thiết có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở
Tại tổ thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã lý giải nguyên nhân phải đưa ra Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Theo người đứng đầu ngành công an, thực tế lực lượng này đang tồn tại ở địa phương chứ không phải đến bây giờ có luật này để sinh ra lực lượng mới, chúng ta đã có những văn bản điều chỉnh khác nhau, có cái chưa thành luật nên cần khái quát lại thành luật.
"Ví dụ công an xã không chính quy, trong nhiệm kỳ này đã có luật để trình ra Quốc hội nhưng sau đó được chỉ đạo chờ Luật Công an Nhân dân. Công an xã bây giờ phải chính quy, nếu bây giờ ban hành Luật Công an xã trên cơ sở pháp lệnh công an xã thì nó không phù hợp với Luật Công an nhân dân. Nên Quốc hội đồng ý là không đưa chương trình đó vào luật nữa mà xem xét xây dựng luật cho lực lượng không chuyên trách này. Đây là cơ sở để ra Luật này".
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đối với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự Luật này cũng khái quát tổ chức lại, đưa những người dân, những người có trách nhiệm, tâm huyết có đủ điều kiện cùng với lực lượng công an, chính quyền, quân đội để tham gia đảm bảo trật tự an ninh cơ sở.
"Luật này không khác xa mấy với Luật dân quân tự vệ. Với phương thức 4 tại chỗ, lực lượng này rất quan trọng". Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết của luật này, cũng như lực lượng này.