Dân Việt

Huyện Lạng Giang – Bắc Giang: Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị

Việt Tùng 13/11/2020 09:08 GMT+7
Sau 10 năm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã về đích. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã không ngững được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Không ngủ quên trên chiến thắng, Lạng Giang đang tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, gắn với đô thị.

Huy động hơn 1.900 tỷ đồng xây dựng NTM

Ngày 25-12-2019, sau 10 năm chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, huyện Lạng Giang đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện Lạng Giang đạt chuẩn NTM. Đây là huyện thứ 2 của tỉnh Bắc Giang về đích NTM, trước đó huyện Việt Yên cũng đã về đích NTM.

Theo đó, trong 10 năm xây dựng NTM, huyện đã huy động hơn 1.900 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó nhân dân đóng góp khoảng 800 tỷ đồng và hiến hơn 740.000m2 đất, hàng chục nghìn ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi. Qua đó, diện mạo nông thôn trên địa bàn các xã đã ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Huyện Lạng Giang – Bắc Giang:  Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị - Ảnh 1.

Ngoài danh hiệu huyện NTM, huyện Lạng Giang, Bắc GIang còn được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba.

Ông Đặng Đình Hoan – Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết, đến nay huyện đã cứng hóa 1.160km đường giao thông, nâng tỷ lệ cứng hóa giao thông nông thôn của huyện đạt hơn 89%. 100% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 99,6%. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, có liên kết sản xuất theo chuỗi, góp phần nâng cao thu nhập người dân. Hiện giá trị bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác là hơn 126 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,12%. Huyện không để nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Ông Hoan cho biết thêm, xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, huyện Lạng Giang đã định hướng mục tiêu, lộ trình xây dựng huyện NTM kiểu mẫu như: Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM với phương châm phát triển KT-XH gắn với xây dựng NTM theo hướng bền vững. Duy trì thường xuyên công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ hành lang an toàn giao thông trên địa bàn. Huyện phấn đấu đến hết năm 2020, toàn huyện có 1 xã NTM nâng cao, 16 thôn NTM kiểu mẫu; Phấn đấu đến năm 2025, địa phương có từ 10 - 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3-5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; xây dựng 50-100 thôn NTM kiểu mẫu.

Bên cạnh tốc độ phát triển công nghiệp hóa của huyện, xu hướng chuyển dịch định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp cao cũng được phát huy triệt để. Lạng Giang đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để đạt huyện nông thôn mới. Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể và nhân dân.

Đưa vùng nông thôn lên đô thị

Mặc dù đã về đích huyện NTM, song Lạng Giang không "ngủ quên trên chiến thắng", mà đang tiếp tục nâng cao chất các tiêu chí không chỉ về vật chất mà cả đời sống văn hóa tinh thần, bảo đảm an ninh an toàn cho người dân. Theo đó, Lang Giang đang kết hợp giữa xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, với phát triển đô thị, nhằm đưa các vùng nông thôn đổi kịp với các thị trấn, thị tứ, từng bước trở thành các đô thị nhỏ ở vùng nông thôn.

Huyện Lạng Giang – Bắc Giang:  Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị - Ảnh 2.

Tại buổi Lễ công bố huyện NTM, Ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã tặng cờ thi đua và thưởng 1 tỷ đồng cho cán bộ và nhân dân huyện Lạng Giang

 Mặt khác, trong công tác sản xuất, huyện đang định hướng cho người dân hướng đến các mô hình, HTX sản xuất nông nghiệp cao đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ngày 10.01.2020, huyện Ủy,UBND, HĐND và toàn thể nhân dân huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã vui mừng, long trọng tổ chức Lễ đón nhận huyện NTM. Cùng với danh hiệu huyện NTM, Lạng Giang còn được Chủ tịch nước trao tặng huân chương lao động hạng Ba. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng cờ thi đua và thưởng 1 tỷ đồng cho cán bộ và nhân dân huyện Lạng Giang, tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 có nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM.

Theo báo cáo, thời gian qua các hộ dân trên địa bàn huyện đã sử dụng 2.382 tấn nguyên liệu để sản xuất nấm, tạo việc làm cho khoảng trên 300 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân từ 4,5 đến 5 triệu đồng/lao động/tháng, doanh thu đạt 14,2 tỷ đồng; gieo cấy 1.500ha lúa chất lượng, tăng 264 ha so với cùng kỳ, hiệu quả tăng 10% so với sản xuất lúa đại trà; sản xuất 67,5 ha rau chế biến, tăng 29,5 ha so với cùng kỳ năm trước đạt 76% kế hoạch.

Diện tích rau chế biến tiếp tục được Công ty TNHH chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, Công ty Cổ phần chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Các cây rau chế biến như: Dưa chuột bao tử, dưa chuột Nhật, ngô ngọt, ớt,... đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh thu bình quân 165 - 175 triệu đồng/ha/vụ.

Huyện Lạng Giang – Bắc Giang:  Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị - Ảnh 4.

Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ công bố huyện Lạng Giang, Bắc Giang về đích huyện NTM được giàn dựng công phu

Bài học kinh nghiệm

Mặc dù huyện Lạng Giang đã gặt hái được rất nhiều thành công trong quá trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:Vviệc huy động, sử dụng nguồn lực để triển khai thực hiện xây dựng NTM của một số xã còn gặp khó khăn do đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới. Một số xã còn khó khăn trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đặc biệt là thực hiện mô hình phát triển sản xuất. Chưa chú trọng đúng mức để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường,...

Liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế. Hiệu quả hoạt động của một số hợp tác xã nông nghiệp chưa cao, đã tổ chức sản xuất nhưng chưa gắn kết được nhiều với thị trường đầu ra. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa phát triển mạnh. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp. Những hạn chế xuất phát từ nguyên nhân khách quan và chủ quan như việc huy động nguồn kinh phí còn khó khăn, nguồn lao động, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM ở một số xã chưa liên tục và sâu rộng.

Huyện Lạng Giang – Bắc Giang:  Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị - Ảnh 5.

Tại buổi lễ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 có nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM.

Từ những kết quả đã đạt được và những hạn chế còn tồn tại, huyện đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm sau.

Thứ nhất, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện.

Thứ hai, phải làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM. Xác định rõ người dân là chủ thể để xây dựng NTM và đối tượng hưởng lợi chính là cộng đồng dân cư khu vực nông thôn, nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, chỉ đạo và có cơ chế hỗ trợ một phần. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội. Phối hợp tốt với các lực lượng quân đội trên địa bàn làm công tác dân vận, giúp các xã xây dựng nông thôn mới. Phải có phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi cơ quan, tổ chức đoàn thể tham gia xây dựng nông thôn mới. Nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên.

Thứ ba, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, dân chủ từ việc xây dựng đồ án quy hoạch đến xây dựng đề án, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện. Đặc biệt phải công khai minh bạch rõ các nguồn vốn để nhân dân được biết và chủ động tham gia đóng góp, thực hiện tốt vai trò giám sát của cộng đồng.

Thứ tư, phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân, khuyến khích, huy động tối đa sự hỗ trợ, đóng góp của doanh nghiệp,cá nhân tạo nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" để khích lệ mọi tầng lớp nhân dân tham gia hiến đất, tài sản và đóng góp công sức, kinh phí... xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong xây dựng nông thôn mới: Chú trọng công tác xây dựng và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ chuyên trách nông thôn mới, bí thư chi bộ, trưởng thôn.

Thứ sáu, thường xuyên kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới, coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục. Gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Kịp thời biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo trong tham gia xây dựng nông thôn mới.