Dân Việt

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020: Những giáo viên uống nước suối, ăn ốc đồng "gieo chữ" trên non cao

Hoàng Chiên 20/11/2020 09:26 GMT+7
Các cô giáo ở điểm trường Pác Ruộc, xã Lý Bôn (Bảo Lâm, Cao Bằng) mượn đất trồng rau, nhặt ốc đồng, bắc ống xin nước của người dân để cải thiện cuộc sống, sinh hoạt.

Huyện Bảo Lâm là huyện xa nhất của tỉnh, cách thành phố Cao Bằng khoảng 200km. 40% số hộ dân ở nơi đây thuộc diện hộ nghèo, thuộc tốp đầu huyện nghèo của cả nước. 

Ở nơi đây, còn rất nhiều điểm trường cô trò phải dắt tay nhau lên lưng chừng núi để tìm con chữ.

Trên đường đưa chúng tôi lên điểm trường Pác Ruộc, xã Lý Bôn, thầy Ma Thế Trung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lâm nói vui: "Giáo viên ở điểm trường không dám chụp ảnh đưa lên mạng vì đời sống sinh hoạt và đường sá quá khó khăn quá, sợ đưa lên thế hệ sau không dám đi học làm giáo viên nữa".

Uống nước suối, ăn ốc đồng để "gieo chữ" trên non cao

Trường Tiểu học Lý Bôn (xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm) có 13 điểm trường, điểm xa nhất cách trường chính 22km có 21 học sinh và 2 giáo viên.

Pác Ruộc là một trong những điểm trường phụ của Trường Tiểu học Lý Bôn, cách trung tâm huyện khoảng 30km. 

Thầy Lương Hà Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Bôn - cho biết: "Pác Ruộc có hơn 70 học sinh, nhiều em hàng ngày vẫn cuốc bộ hơn 5km để đến lớp". 

Chuyện cô trò trong điểm trường ở lưng chừng núi - Ảnh 1.

Các em học sinh lớp 2 mang cơm từ nhà đi tập trung ăn trưa ở lớp

Mỗi sáng, học sinh Pác Ruộc một tay xách cặp, một tay cầm cặp lồng cơm đem tới lớp.  Còn các cô ở điểm trường tranh thủ giờ nghỉ để làm vườn hoặc vào rừng hái rau dại, xuống sông đánh cá, lên ruộng bắt ốc để cải thiện cuộc sống.

Ốc đồng là món ăn các cô ở điểm trường đã chán, nhưng đây là món ăn đặc sản ở thành thị.

Ốc đồng là món ăn "trường kỳ" đối với các cô giáo ở điểm trường

Ốc đồng có thể là món ngon ở dưới xuôi, nhưng với các cô giáo nơi đây, món ăn này "nhắc tới đã ngán". "Nhưng nhiều lúc, không ăn ốc thì làm gì có thứ khác để ăn" - cô giáo Lý Thị Mến nói. 

Cũng như hầu hết các điểm trường ở huyện Bảo Lâm, điểm trường Pác Ruộc chưa có nước sạch. Sinh hoạt của cô, trò dựa vào đường ống nước xin của dân, nhưng nước nhiễm đá vôi rất khó dùng. 

"Các cô muốn có máy lọc nước để các con uống cho sạch. Các cô đang góp tiền mua nhưng chưa mua được" - Cô giáo Mến cho hay.

Cô Lý Thị Mến đã gắn bó 20 năm với điểm trường, hiện cô đang sinh sống ở điểm trường Pác Ruộc

Cô Lý Thị Mến đã gắn bó 20 năm với điểm trường, hiện cô đang sinh sống ở điểm trường Pác Ruộc


Bên trong lớp 1, từng góc học tập được sắp xếp ngăn nắp. Từng chiếc chổi, dẻ lau bảng, bát nhựa đựng phấn, cục tẩy được đựng và treo ngay ngắn trong phòng học.

Sang lớp 2, nhìn qua ô cửa sổ, nhóm học sinh đang mở những chiếc cặp lồng bằng sắt, nhựa, hoặc túi nilon đựng cơm ra ăn. Ngoài cơm trắng, món trứng rán là chủ yếu, có em ăn cơm trắng cùng trứng xào mỳ tôm.

img

Các em học sinh mang cơm từ nhà đến lớp để ăn trưa

Nhiều hôm các em đến lớp không có cơm ăn cô giáo bỏ tiền mua mỳ tôm cho các em ăn. Được biết, do cuộc sống khó khăn, vận động phụ huynh nộp một hai nghìn còn khó, có những khoản tiền thầy cô phải nộp cho học sinh.

Cô Mến nhớ lại một thời đầy gian khó của mình trong những ngày đầu tiên đến với điểm trường. 

"Mấy chị em đi một ngày đường mới đến phân trường, một ngày nữa mới đến điểm trường, khi lên đến đỉnh dốc thì không xuống được nữa vì đầu gối mỏi, bàn chân run lên như muốn rời ra. Đến được điểm trường, các cô ngồi ôm nhau khóc" - mắt cô Mến cay xè khi nhớ lại.

Thời điểm này việc đi lại đã đỡ hơn trước. Vậy nhưng việc đi học của học sinh cũng thất thường như thời tiết, các cô vẫn phải đến tận nhà vận động vì nhà nghèo không có điện thoại. 

"Nhiều em giờ không tính được bao nhiêu các cô đến tận nhà nữa, vận động cho đến khi đi học thì thôi, có hôm đi đến nơi bố mẹ không ở nhà, gặp học sinh thì học sinh bảo muốn đi học nhưng bố mẹ bắt đi chăn trâu, bò" - cô giáo trẻ nhất ở điểm trường tên Phương chia sẻ.

Ở điểm trường Pác Ruộc ngoài các lớp 1, lớp 2, còn lớp mầm non do cô Nông Thị Hương chủ nhiệm, với 19 học sinh.


Cô giáo Tày Nông Thị Hương chủ nhiệm lớp 3,4, 5 tuổi ở điểm trường Pác Ruộc

Cô giáo Tày Nông Thị Hương chủ nhiệm lớp 3,4, 5 tuổi ở điểm trường Pác Ruộc

Cô Hương đã gắn bó với điểm trường 12 năm.  "Ở đây hiện nay đi lại đỡ vất vả hơn nhờ có đường, có cầu rồi. Khó khăn nhất là bất đồng ngôn ngữ giữa cô với trò, với phụ huynh" - Cô Hương nói.

Cô Nông Thị Hương là người dân tộc Tày, còn ở Pác Ruộc, 100% đồng bào là dân tộc Mông. 

Lốp xe máy cũ được tận dụng làm đô chơi cho các cháu lớp mầm non

Lốp xe máy cũ được tận dụng làm đô chơi cho các cháu lớp mầm non

Chỉ tay lên sườn núi cao, thấp thoáng lô nhô những ngôi nhà lợp mái Pờ-rô-xi-măng. Cô giáo người Tày nói: "Trên đó, là nhà của các con, ở lớp có con phải đi học xa nhất hơn 5 km, toàn leo dốc đường trơn trượt và đồi núi đá. Mùa mưa xuống đến lớp là quần áo dính đầy bùn đất".

Mỗi lần như vậy các cô phải lấy quần áo sạch của những em khác thay cho và giặt quần áo bẩn cho các em.

Các em học sinh ngủ trưa tại lớp học mầm non do cô Nông Thị Hương chủ nhiệm

Các em học sinh ngủ trưa tại lớp học mầm non do cô Nông Thị Hương chủ nhiệm

Ngoài sân, trên nền đất chỉ lác đác vài thứ đồ chơi như lốp xe máy cũ. Những thứ có giá trị như xích đu, cầu trượt đã hoen gỉ, hoặc bị hư hỏng. "Dù vậy, đây chính là khu vui chơi mà các em lớp 1, lớp 2 rất thích bởi ở đây không còn đồ chơi khác" - cô Hương vui vẻ nói.

Suýt chết đuối khi "chở chữ" qua sông

Cô Tô Thị Yên đã gắn bó với điểm trường được 28 năm, thời điểm đầu đến với điểm trường cô giáo trẻ đã nhiều lần muốn bỏ về.

"Năm 1992 khi lần đầu đến với điểm trường phải đi bộ, đi đường vòng rất xa, muốn đi đường tắt phải đi mảng qua sông Gâm nước sâu, chảy xiết rất nguy hiểm. Có lần tôi suýt chết đuối khi qua sông đến lớp" - cô Yên nhớ lại.

"Năm học 2019 - 2020 thầy trò giữ được 100% học sinh không bỏ học, còn năm nay chưa đến phút cuối nên chưa biết được!" - thầy Lương Hà Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Bon cho biết.

Câu chuyện với cô Yên bị ngắt quãng, bởi sự việc đã xảy ra cách nay khoảng 5 năm, nhưng khi nhắc lại cô Yên vẫn run.

Trên đường lên lớp, cô Yên tự đi mảng qua sông. Đến giữa dòng, nước chảy xiết cuốn mảng đập vào tảng đá. Cô Yên rơi xuống sông Gâm.

"Lúc đó có học sinh đi qua nhìn thấy gọi người nhảy xuống kéo tôi lên bờ. Từ đó, tôi cũng không dám tự đi mảng qua sông nữa. Đến nay, được sống và gắn bó với điểm trường, để dạy chữ cho các em học sinh là điều vô vùng vui, hạnh phúc với tôi rồi" - cô Yên nói.

Cô Tô Thị Yên vừa chỉ tay về phía sông Gâm nơi cô bị ngã xuống sông vài năm trước vừa kể lại câu chuyện với PV.

Cô Tô Thị Yên vừa chỉ tay về phía sông Gâm nơi cô bị ngã xuống sông vài năm trước vừa kể lại câu chuyện với PV.

Ở điểm trường Pác Ruộc còn rất nhiều câu chuyện về những khó khăn, gian khổ. Những kỷ niệm không thể nào quên giữa cô với trò, với người thân chưa được chia sẻ hết... Đằng sau những gian truân, vất vả đó là cả một nghị lực phi thường của thầy cô và gia đình.

Bằng niềm tin và trách nhiệm của người đứng trên bục giảng, các thầy cô cố gắng bám trường, bám lớp, miệt mài gieo những con chữ đến với các em.