Dân Việt

Lào Cai: 4 giải pháp phát triển người tham gia BHXH tự nguyện

Quỳnh Anh 16/11/2020 07:17 GMT+7
Tính đến hết tháng 10/2020, tỉnh Lào Cao mới đạt 55,37% chỉ tiêu được giao về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Lào Cai, tính đến 31/10, toàn tỉnh mới có 5.656 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 1,24 % so với lực lượng lao động. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 1.720 người (43,7%). Tuy nhiên, so với chỉ tiêu mà BHXH Việt Nam giao mới đạt 55,37%.

Là một tỉnh nghèo, đa số người dân là nông dân, đồng bào dân tộc, BHXH Lào Cai xác định, công tác phát triển BHXH tự nguyện được đánh giá là nhiệm vụ khó khăn. Do đó, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã quyết liệt xây dựng kế hoạch phát triển, giao chỉ tiêu cho BHXH các huyện, thị xã, cho hệ thống đại lý thu của Bưu điện, tổ chức ra quân tuyên tuyền, đi vận động trực tiếp người dân. 

Cán bộ BHXH, cán bộ Bưu điện, nhân viên các địa lý đã đi tới từng nhà từ các khu chợ, trung tâm thị trấn, trung tâm thôn bản để vận động từng người dân có tiềm năng... 

BHXH cũng phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức Hội Nông dân, Hội phụ nữ... để tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân về BHXH tự nguyện góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình tổ chức tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân tham gia BHXH tự nguyện. 

Lào Cai: 4 giải pháp phát triển người tham gia BHXH tự nguyện - Ảnh 1.

Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Để thuyết phục người dân hiệu quả hơn, BHXH cũng chú trọng đào tạo, trang bị kiến thức mới, kỹ năng truyền trông vận động người tham gia cho hệ thống đại lý thu…

Phát triển BHXH tự nguyện còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên kết quả số người tham gia phát triển mới có tăng nhưng chưa tương xứng với tổng số lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện; có sự gia tăng số người đang tham gia nhưng tạm dừng đóng…

BHXH tỉnh lào Cai đánh giá, 10 tháng triển khai BHXH tự nguyện năm 2020 thì khó khăn lớn nhất của công tác phát triển BHXH tự nguyện vẫn là do người dân chưa thực sự quan tâm và chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chính sách đối với bản thân và xã hội.

Đồng thời, khó khăn kinh tế do tác động của dịch Covid 19 nên nhiều người dân muốn tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa có điều kiện. Để phòng chống dịch Covid-19, việc hạn chế ra đường, tụ tập động người, tiếp xúc trực tiếp, giãn cách xã hội nên BHXH không triển khai được các hoạt động ra quân tuyên truyền, vận động trực tiếp làm giảm hiệu quả cũng như kết quả triển khai phát triển BHXH tự nguyện.

Ngoài ra còn nhiều khó khăn khách quan và chủ quan tác động đến công tác phát triển BHXH tự nguyện như: dù đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng mức đóng vẫn còn khá cao đòi hỏi người tham gia phải có thu nhập tương đối ổn định trong khi do đời sống của đa số người dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp và bấp bênh.

Hiện nay, công tác thu BHXH tự nguyện được thực hiện thông qua đại lý thu, cán bộ đại lý kiêm nhiệm nên kiến thức, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân về chính sách BHXH tự nguyện hạn chế, chưa sâu rộng.

Một số đại lý đôi khi còn chưa chủ động, tích cực trong việc đôn đốc người tham gia khi đến thời điểm nộp tiền BHXH tự nguyện…

4 giải pháp quyết liệt

Do đó, để tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu, từ nay đến cuối năm, BHXH tỉnh Lào Cai đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Cụ thể, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với Bưu điện tỉnh tiếp tục tổ chức gần 100 Hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện dự kiến thu hút hơn 8.000 người dự; đồng thời tổ chức chiến dịch ra quân với mô hình chia nhóm, cụm phân theo địa bàn, giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện cho các nhóm. Chỉ đạo BHXH các huyện cử cán bộ tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân tại các cụm dân cư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chỉ tiêu được giao.Đặc biêt, BHXH tỉnh đã đề ra 4 giải pháp về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhằm đạt hiệu quả cao hơn. 

4 giải pháp bao gồm: 

Thứ nhất, tham mưu với UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Lào Cai để lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT đặc biệt là thực hiện các chỉ tiêu về số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Đồng thời phối hợp với chính quyền cấp cơ sở để tranh thủ sự ủng hộ, phát huy vai trò của cá nhân những người có uy tín như trưởng thôn, trưởng bản, tổ trưởng dân phố, khu dân cư…. Đây chính là những cầu nối để tiếp cận, truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện với người dân vùng sâu, vùng xa trong quá trình triển khai các hình thức tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện; lồng ghép tuyên truyền thông qua vai trò của các tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân.

Thứ hai, đổi mới, triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền trong đó có cần tăng cường tuyên truyền truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, báo chí, website của cơ quan BHXH tỉnh và thông qua đối thoại để nâng cao hiểu biết của người dân, hỗ trợ, nâng cao hiệu quả cho các hình thức tuyên truyền tư vấn, vận động trực tiếp người dân tham gia BHXH tự nguyện

Thứ ba, giám sát chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống đại lý thu trong việc tư vấn, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được giao hàng năm đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị kỹ năng đối với tổ chức làm đại lý thu.

Thứ tư, nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng môi trường làm việc năng động, nghiêm chỉnh chấp hành nội dung quy chế và đạo đức công vụ của cán bộ BHXH cũng như đội ngũ đại lý thu BHXH, BHYT để người dân đặt niềm tin vào chính sách, vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH từ đó có ý thức tự giác, trách nhiệm hơn trog việc tham gia BHXH tự nguyện.