Dân Việt

Nâng cao kiến thức cho cán bộ hội nông dân về dự phòng và điều trị lao tiềm ẩn

Quỳnh Anh 07/10/2020 06:00 GMT+7
Ngày 6/10, Ban quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống lao - Hội NDVN tổ chức Hội nghị tập huấn cho cán bộ, hội viên, nông dân thành phố Hà Nội về dự phòng và điều trị lao tiềm ẩn.
Đến dự Hội nghị tập huấn có ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Nâng cao kiến thức cho cán bộ hội nông dân về dự phòng và điều trị lao tiềm ẩn - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định khai mạc Hội nghị tập huấn

Hội nghị nhằm trang bị cho cán bộ hội nông dân về: Tình hình bệnh lao ở Việt Nam; kiến thức về bệnh lao; nâng cao nhận thức và kỹ năng truyền thông, kỹ năng tư vấn cho cán bộ, hội viên, nông dân; tổng quan về lao tiềm ẩn; quy trình quản lý, sàng lọc lao tiểm ẩn ở các nhóm đối tượng có nguy cơ cao; 

hướng dẫn thực hiện hoạt động dự phòng và điều trị lao tiềm ẩn trong khu vực nông thôn; nhiệm vụ của các cấp Hội trong hoạt động dự phòng và điều trị lao tiềm ẩn khu vực nông thôn…  

Việc tăng cường kiến thức về bệnh lao, kỹ năng truyền thông cho cán bộ hội nông dân nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phòng, chống lao hiệu quả.

Cùng tại Hội nghị, Ban quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống lao - Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Vai trò của các cấp Hội ND trong công tác phòng chống lao tại cộng đồng”.  

Buổi tọa đàm đã phân tích về vai trò của Hội Nông dân với công tác vận động, tuyên truyền người dân tham gia phòng chống lao, từng bước nâng cao ý thức của người dân về phòng chống lao, đó là trách nhiệm của mọi người, không giấu bệnh và không kỳ thị với người mắc bệnh lao.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện tốc độ giảm số bệnh nhân lao trên 100.000 dân mới đạt trung bình 3,8%/năm, trong khi yêu cầu đặt ra cho giai đoạn 2017-2025 là 9%/năm, giai đoạn 2025-2030 là 15%/năm

Mỗi năm hệ thống y tế Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao mới nhưng vẫn còn khoảng 50.000 ca mắc mới chưa được phát hiện, báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ điều trị khỏi được duy trì ở mức trên 90% đối với bệnh nhân lao mới, 75% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Cả nước có 99 bệnh viện chuyên khoa đủ khả năng áp dụng hiệu quả cao các kỹ thuật mới, thuốc mới, phác đồ điều trị mới trên thế giới về phát hiện, điều trị bệnh nhân lao. Mạng lưới này đã phủ kín đến tận các xã, phường, thôn bản.

Vì vậy, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân thuộc Chương trình chống lao quốc gia khoảng 2.000 người trên tổng số hơn 100.000 người được phát hiện, điều trị trong năm 2018. Còn lại, phần lớn các trường hợp tử vong do không được phát hiện và điều trị kịp thời, khoảng 9.000 người trong năm 2018.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết các tổ chức quốc tế đánh giá mô hình phòng, chống lao của Việt Nam đã bước vào con đường chấm dứt bệnh lao. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra cho Chương trình phòng chống lao quốc gia hiện nay là bảo đảm tính bền vững; nguồn thuốc điều trị; đặc biệt là sự vào cuộc và hưởng ứng của cộng đồng.