Đầu tiên không thể không kể đến “đệ nhất bang” ai cũng biết Cái Bang. Dù ở tiểu thuyết hay ngoài đời thực thì miếng cơm của toàn thể bang phái Cái Bang đều là do đi hành khất, tay gậy tay bị tung hoành bốn phương.
Bang chủ đầu tiên là Hồng Tứ Hải. Nổi bật nhất trong số các đệ tử đó là Hồng Thất Công, Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Tô Khất Nhi. Tuyệt học võ công đó là Giáng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp.
Tất nhiên Cái Bang trong tiểu thuyết Kim Dung cũng được chia ra làm 2 phe một là phe Áo bẩn và một là phe Áo Sạch. Phe Áo Bẩn được coi là Cái Bang chân chính khi làm đúng “tổ nghề”, thỉnh thoảng nghe ngóng truyền tin, mạng lưới “tình báo” rộng khắp thiên hạ. Đôi lúc không cần ăn xin, chỉ cần bán tin tức cũng đủ ấm bụng.
Phe Áo Sạch thì cao cấp hơn một chút, quần áo cũng đỡ tơi tả hơn, đôi khi là bảo tiêu, áp tiêu, bắt đạo tặc… Nói chung cơm cũng đủ no, áo cũng đủ lành, cũng chẳng mơ mộng gì vinh hoa phú quý.
Quách Tĩnh và Hoàng Dung sau khi chán bôn ba giang hồ, trấn thủ Cái Bang cũng lui về canh giữ thành Tương Dương, dựa vào chút bổng lộc nhỏ của triều đình để sinh sống qua ngày.
Cái “có thực mới vực được đạo” của Cái Bang đã quá rõ ràng. Nhưng các môn phái khác thì sao?
Thần bí, siêu thực gần như là số một trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đó là phái Cổ Mộ, được nói đến trong Thần Điêu Đại Hiệp. Gương mặt thương hiệu đó là Tiểu Long Nữ và Lý Mạc Sầu.
Sư tổ môn phái là Lâm Triều Anh, vì tình yêu không thành với Vương Trùng Dương là tổ sư phái Toàn Chân, nên ôm hận thù, đau khổ sáng lập phái Cổ Mộ. Sư đồ môn phái đều là nữ, quanh năm ở thâm sơn cùng cốc, nghiêm cấm giao du với nam nhân. Vang danh thiên hạ nhờ Ngọc Nữ Tâm Kinh, là khắc tinh hóa giải mọi chiêu thức của Toàn Chân giáo.
Nữ nhân môn đồ phái cổ mộ đều xinh đẹp như hoa, trẻ mãi không già. Trong tiểu thuyết của Kim Dung thì tuyệt nhiên không nhắc đến việc trồng rau, nuôi gà để duy trì sự sống. Phải chăng là sư đồ phái Cổ Mộ chỉ ăn mật, uống sương để duy trì nhan sắc và sự sống?
Tương tự nhưng không thần bí như Cổ Mộ đó là phái Nga Mi do con gái thứ hai của Quách Tĩnh và Hoàng Dung là Tiểu Đông Tà Quách Tương sáng lập, ngự trên núi Nga Mi.
Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, phái Nga Mi được coi là một trong ba môn phái lớn nhất thời đó cùng với Thiếu Lâm và Võ Đang. Nổi bật nhất trong số các đệ tử Nga Mi phải nói đến Diệt Tuyệt Sư Thái, Phong Lăng Sư Thái và đặc biệt là Chu Chỉ Nhược trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký với tuyệt chiêu Cửu Âm Bạch Cốt Trảo.
Cả phái toàn nữ, sống tận trên núi cao, thật ra cũng chẳng biết mỗi ngày sư đồ phái Nga Mi suốt ngày cầm cây phất trần quơ qua quơ lại sẽ ăn gì để sống? Có trồng trọt, săn bắt gì không? Trong tiểu thuyết của mình, Kim Dung cũng không đề cập đến điều này. Có thể họ sẽ canh tác theo mô hình khép kín, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và địa hình trên núi, tự sản tự tiêu; thỉnh thoảng đi xuống núi luận kiếm, tỉ thí, họp đại hội bang phái thì ăn ké của các thương nhân giàu có hoặc các bang phái giàu hơn.
Tiếp theo đó, phải kể đến thiên hạ “đệ nhất phái” uy chấn giang hồ Thiếu Lâm. Tương truyền Thiếu Lâm Phái được sáng lập bởi Đạt Ma Tổ Sư, ngự ở chùa Thiếu Lâm Tự. Võ công thượng thừa đó là Dịch Cân Kinh, Tẩy Tủy Kinh, Cửu Dương Thần Công.
Gương mặt đại diện Thiếu Lâm trong tiểu thuyết Kim Dung đó là Giác Viễn Đại Sư, Phương Chấn Đại Sư, Tảo Địa Tăng và Hư Trúc. Các nhân vật này xuất hiện ở nhiều bộ tiểu thuyết khác nhau, nhưng đặc biệt phải kể đến Thiên Long Bát Bộ với Hư Trúc tư chất bình thường nhưng số may, học được vô số tuyệt chiêu võ công của nhiều bang phái khác nhau. Tảo Địa Tăng là vị sư duy nhất luyện được 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm. Trong Thiên Long Bát Bộ đã ra tay hóa giải hận thù giữa Tiêu Phong và Mộ Dung Phục.
Và dĩ nhiên, các sư, các tăng đều ăn chay, khi không cần thì không nhúng tay vào chuyện giang hồ. Học võ để phòng thân, tự vệ, rèn luyện sức khỏe và tu dưỡng đạo đức. Vì thế chuyện ăn uống có hay không cũng không quá quan trọng, cơm gạo tự trồng, vật dụng trong tự là do đổi gạo, đổi rau và do các phật tử khắp nơi quyên góp.
Có xu hướng tinh thần vượt qua ham muốn vật chất tương tự như Thiếu Lâm đó là Võ Đang, do Trương Tam Phong sáng tạo nên. Nếu Thiếu Lâm là Phật giáo thì Võ Đang là Đạo Giáo. Võ công chấn phái đó là Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm. Nguyên lý cơ bản đều là lấy tĩnh chế động, lấy nhu thắng cương, lấy yếu thắng mạnh, lấy chậm thắng nhanh, mượn sức đối thủ để đánh ngược lại đối thủ.
Với nguyên lý võ học cũng như đạo lý cuộc sống ẩn chứa trong các chiêu thức võ công của Võ Đang, thì chắc hẳn việc ăn uống cũng tùy theo tuần hoàn dưỡng sinh của thế giới. Có gì ăn đấy, lấy việc rèn luyện sức khỏe làm gốc rễ để duy trì sự sống.
Một môn phái khác được coi là không phải danh môn chính phái đó là Minh Giáo. Trong tiểu thuyết Kim Dung, Minh Giáo chính là “Đệ nhất giáo”. Đây là giáo phái được “nhập cảnh” từ Ba Tư, ít tiếp xúc với võ lâm Trung Nguyên nên bị gọi là “Bàng môn tà đạo” nhưng thật ra Minh Giáo không hề xấu, chỉ là tôn chỉ của Minh Giáo có phần khác với các giáo phái Trung nguyên khác.
Minh Giáo nổi bật trong tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long Ký với giáo chủ là Trương Vô Kỵ. Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, Minh giáo cũng được biết đến với tên gọi Nhật Nguyệt Thần Giáo nổi tiếng trong Tiếu Ngạo Giang Hồ với giáo chủ Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại, Nhậm Doanh Doanh. Trong đó Nhậm Ngã Hành đã tu luyện thành công Hâp Tinh Đại Pháp, Đông Phương Bất Bại cũng trở thành lưỡng tính với Quỳ Hoa Bảo Điển.
Đối với Minh giáo môn đồ thì có lẽ người trong thiên hạ ăn gì, họ ăn đấy. Việc ăn uống không chỉ là cơm canh đạm bạc mà còn phải là cơm ngon canh ngọt. Thích gì, thiếu gì mà không có thì sẵn sàng tranh đoạt. Có thể coi Minh Giáo là giáo phái giàu nhất võ lâm.
Ngoài các bang, giáo, phái nổi tiếng nói trên thì vẫn còn rất nhiều các môn phái khác xuất hiện trong tiểu thuyết Kim Dung như Đoàn Thị Đại Lý trong Thiên Long Bát Bộ nổi tiếng với Đoàn Dự- Giàu từ tổ truyền, dòng dõi quý tộc.
Ngũ Nhạc Kiếm Phái trong Tiếu Ngạo Giang Hồ nổi tiếng với Nhạc Bất Quần, Lệnh Hồ Xung phái Hoa Sơn- Quanh năm luận kiếm trên núi chắc cũng ăn uống nhờ săn bắt, hái lượm, tự sản tự tiêu.
Đào Hoa Đảo trong Anh hùng xạ điêu và Thần điêu đại hiệp với Đông Tà Hoàng Dược Sư- Nửa chính nửa tà, ở riêng một khung trời, giữa rừng đào xung quanh là biển, chắc là ăn nhiều hải sản và đào.
Toàn Chân Giáo trong Thần Điêu Đại Hiệp nổi tiếng với sư tổ Vương Trùng Dương và Chu Bá Thông… ở trên núi nên chắc cũng ở mức tầm tầm bậc trung, không giàu không nghèo. Cơm gạo chắc cũng đủ no.
Cho nên trong tiểu thuyết Kim Dung các đại hiệp hay ác nhân nổi tiếng đều không người nào “bụng bự” vì suốt ngày luyện công, lang bạt giang hồ chém chém giết giết. Người nào có chút phát tướng thì cũng là do võ công đã lên hàng thượng thừa, chán cảnh đao kiếm đẫm máu nên lang thang ăn chơi không màng thế sự.