Dân Việt

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Việt Nam đã làm được nhiều việc trong năm Chủ tịch ASEAN

V.N 21/11/2020 19:00 GMT+7
"Năm qua, đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, những chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, cạnh tranh các nước lớn gia tăng, làm cho bối cảnh điều phối các hoạt động ASEAN của năm Chủ tịch năm nay khó rất nhiều. Song nhìn lại có thể thấy Việt Nam đã thành công", Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trao đổi với báo chí.

Việt Nam chủ động và trách nhiệm

Xin Đại sứ đánh giá Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 như thế nào?

-  Năm qua là một năm khó khăn ngay từ khi Việt Nam nhận vai trò Chủ tịch, song Việt Nam đã làm được nhiều việc. 

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Việt Nam đã làm được nhiều việc trong năm Chủ tịch ASEAN - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 15/11 trao búa gỗ đại diện chức Chủ tịch ASEAN cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam.

Một là, chúng ta đã phát huy được vai trò chủ động, trách nhiệm và làm sao duy trì được tham vấn của ASEAN. Đó là cái cực kỳ quan trọng. Tham vấn trong ASEAN, tham vấn ASEAN với các nước mà vẫn duy trì được nét hoạt động của ASEAN, đặc biệt là trong bối cảnh mà bị phong tỏa, bị đại dịch. Việc chúng ta chuyển ngay sang họp trực tuyến và phát huy hết tất cả tham vấn bằng trực tuyến là câu chuyện rất lớn.

Hai là, về nội dung và chương trình hành động, Việt Nam đã chủ trì điều phối ASEAN ứng phó ngay với việc khẩn cấp nảy sinh, tức là đại dịch và những hệ lụy của nó. Chúng ta ngay từ sớm đã có cảnh báo về đại dịch bằng tuyên bố của Thủ tướng với tư cách Chủ tịch, họp với ASEAN, họp với các đối tác và họp các kênh chuyên ngành, trong đó đặc biệt là kênh y tế để làm sao phối hợp về phòng, chống đại dịch. Cùng với đó là vấn đề cấp bách là đứt đoạn chuỗi cung ứng, các hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng, vậy thì có việc phối hợp về mặt kinh tế, chẳng hạn như kế hoạch phục hồi, khung phục hồi tổng thể, kế hoạch sơ tán công dân hay kế hoạch nối lại các hoạt động thương mại và các chuỗi cung ứng.

Trong một hoàn cảnh rất khó khăn và thử thách như vậy, Việt Nam đã chủ trì và điều phối ASEAN,  thực tế là bám sát và đã thực hiện được các tiết mục tiêu ưu tiên đề ra cho năm 2020. Các ưu tiên là tập trung vào thúc đẩy liên kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN, tập trung vào thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác của ASEAN với các đối tác, thúc đẩy kiểm điểm giữa kỳ, đồng thời làm sao thực hiện tốt hơn tầm nhìn 2025.

Hợp tác với các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, với Mỹ, Ấn Độ, Australia, New Zealand và cả Liên Hợp Quốc là có tham vấn thường xuyên, cả trên những vấn đề cấp bách, lẫn trên những vấn đề thuộc trọng tâm ưu tiên của 2020. Cá nhân tôi suy nghĩ rằng, 5 lĩnh vực ưu tiên trong chương trình của 2020 cho năm Chủ tịch của Việt Nam cơ bản đã bám sát và có rất nhiều sáng kiến, sáng tạo của Việt Nam nhằm đạt được những mục tiêu đó, trong đó có cả việc ứng phó khẩn cấp. 

Một trong những vấn đề mà tôi thấy cũng rất quan tâm là câu chuyện kết nối phát triển và liên kết tiểu vùng để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ hơn của cả Cộng đồng ASEAN, trong đó chúng ta đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm phát triển, xây dựng tiểu vùng Mekong, đặc biệt là việc bảo đảm an ninh nguồn nước ở Mekong. 

Việt Nam còn chủ trì, phối hợp với các nước ASEAN để định ra tầm nhìn cho tương lai và định vị chiến lược cho ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh quốc tế và khu vực thay đổi rất nhiều.

Đại sứ Phạm Quang Vinh

Cũng trong chương trình nghị sự của Việt Nam năm 2020, một vấn đề nổi lên mà luôn luôn có trong nghị sự của ASEAN, đó là ứng xử với các thách thức đang đặt ra ở khu vực, cả về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Chỉ đơn cử vấn đề Biển Đông. Khi có những biến động - năm nay vẫn có những biến động phức tạp -  ASEAN vẫn kịp thời bàn bạc và phản ứng, ứng phó, trong đó nhấn mạnh những nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông là hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải là rất quan trọng, thiết thân với khu vực nhưng đồng thời là lợi ích của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.

ASEAN luôn khẳng định mọi hoạt động phải dựa trên luật pháp quốc tế. Trong năm qua, chúng ta thấy rằng các nước ngày càng ủng hộ mạnh mẽ hơn rất nhiều việc ASEAN dựa trên luật pháp quốc tế.

Thêm nữa là việc xây dựng lòng tin và thúc đẩy các nỗ lực hợp tác và phối hợp giữa các nước trong và ngoài khu vực, trong đó có xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) và thực hiện cho tốt Tuyên bố  ứng xử Biển Đông (DOC).

Thành công thứ ba của Việt Nam là Việt Nam còn chủ trì, phối hợp với các nước ASEAN để định ra tầm nhìn cho tương lai và định vị chiến lược cho ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh quốc tế và khu vực thay đổi rất nhiều. Chúng ta phối hợp các nước xây dựng tầm nhìn sau 2025, định hướng cho ASEAN phát triển trên các trụ cột: Chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội một cách sâu sắc hơn.

Thêm nữa, vào dịp kỷ niệm thành lập ASEAN 8/8, chúng ta phối hợp với các nước có tuyên bố về hòa bình, ổn định của Đông Nam Á. Đó là điều rất đặc biệt, càng trong lúc khó khăn càng phải phát triển vươn lên, càng trong lúc cạnh tranh các nước lớn, lại có những thách thức như đại dịch, khu vực này càng cần phải phối hợp với nhau để bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển. Tuyên bố đó rất có giá trị và tầm nhìn lâu dài.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Việt Nam đã làm được nhiều việc trong năm Chủ tịch ASEAN - Ảnh 2.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Việt Nam đã làm được nhiều việc trong năm Chủ tịch ASEAN. Ảnh: Phạm Hưng.

ASEAN cơ bản giữ được đoàn kết

Thưa Đại sứ, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung, ASEAN cần ứng xử thế nào?

- ASEAN trong quan hệ với nước lớn bao gồm cả hai mặt, cả hợp tác và và ứng xử với quan hệ giữa các nước lớn. Đến nay, ASEAN có quan hệ đối tác với hầu hết tất cả các nước lớn trên thế giới, từ Mỹ đến Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ hay tất cả các nước, rồi EU.

Việc hợp tác rất quan trọng, hợp tác để họ tham gia vào khu vực này, chung tay xây dựng hòa bình, ổn định, phát triển ở đây, chung tay hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và kết nối ASEAN, hỗ trợ cho ASEAN ứng phó với các thách thức.

Gần đây cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, đặc biệt là cạnh tranh Trung - Mỹ. Nó tác động rất nhiều chiều đến khu vực này, cả địa chính trị, địa kinh tế, và cuộc chiến thương mại làm các nước trong khu vực đứng trước thách thức rất lớn. Không phải chỉ trong năm nay mà ASEAN có một quá trình bàn bạc từ những năm gần đây khi cuộc cạnh tranh nước lớn gia tăng.

Thứ nhất, ASEAN phải duy trì đoàn kết và tiếng nói của mình để đại diện cho lợi ích chung của khu vực, để chia sẻ trong quá trình tham vấn với các nước lớn, họ cạnh tranh nhau thì ASEAN vẫn nêu được ý kiến của mình.

Thứ hai, ASEAN không muốn chọn bên và không muốn rơi vào bẫy cạnh tranh đứng về bên này chống bên kia. Nhưng đồng thời, ASEAN vẫn phải nhấn mạnh các nước tham gia vào hợp tác và cạnh tranh lẫn nhau ở khu vực này, nhưng họ phải dựa trên luật pháp quốc tế và ủng hộ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở đây.

Và đặc biệt, ASEAN trong trao đổi đã nhấn rất mạnh vai trò trung tâm của ASEAN. Trên thực tế đến nay, các nước cạnh tranh lẫn nhau nhưng trong trao đổi với ASEAN vẫn thừa nhận vai trò và ủng hộ tính trung tâm của ASEAN trong khu vực.

ASEAN chỉ có thể phát huy được tiếng nói ở đây bằng mấy việc: Một là ASEAN phải đoàn kết. Trong thời gian vừa qua đương nhiên có lúc này lúc khác nhưng cơ bản giữ được đoàn kết đó. Thứ hai, ASEAN chủ động xây dựng chương trình nghị sự ưu tiên của mình trong khu vực, tập trung vào những lĩnh vực có lợi chung cho khu vực để gắn kết các nước lớn cũng tham gia vào đó. Thứ ba nữa là phát huy được những cơ chế của khu vực do ASEAN sáng lập ra và trong những cơ chế khu vực này đều có các nước lớn, các nước đối tác. Khó khăn gì, khác biệt gì hay là đồng thuận gì thì thông qua những cơ chế đó để quản trị những khác biệt trong cạnh tranh nước lớn. Và dựa trên đoàn kết, dựa trên lợi ích chung khu vực và dựa trên luật pháp quốc tế, có cái đúng, cái sai thì phải lên tiếng, chứ đừng vì cạnh tranh được lớn mà không dám nói cái sai của một nước này hay nước kia. 

ASEAN phải duy trì đoàn kết và tiếng nói của mình để đại diện cho lợi ích chung của khu vực, để chia sẻ trong quá trình tham vấn với các nước lớn

Đại sứ Phạm Quang Vinh

Trong câu chuyện Biển Đông, chúng ta ủng hộ những nỗ lực của tất cả các bên, đặc biệt của ASEAN với Trung Quốc, để giữ gìn hòa bình, ổn định, dựa trên luật pháp quốc tế. Nhưng nếu có những hành vi xâm phạm vùng thềm lục địa, đặc quyền của các quốc gia ven biển theo luật pháp quốc tế thì phải phản đối. Không chỉ nước đó phản đối mà cả ASEAN phản đối.

Hay Mỹ - Trung cạnh tranh với nhau, nhưng khi có những hành vi làm ảnh hưởng đến hòa bình an ninh ở đây thì ASEAN phải có tiếng nói. Những nguyên tắc của ASEAN đã tuyên bố về Biển Đông, quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay cả khu vực này là việc rất lớn mà ASEAN đã làm và năm nay chúng ta vẫn tiếp tục.

Các nước lớn đều coi trọng ASEAN

Thưa Đại sứ, ở chiều ngược lại, các nước lớn tham gia vào vấn đề Biển Đông mà ASEAN đặt ra như thế nào?

-  Không phải bây giờ các nước lớn mới cần ASEAN mà ASEAN đã có quan hệ với các nước lớn từ những năm 1970 - 1980 trở đi và kênh ASEAN+1 đã có rất nhiều. Nhưng trong hơn hai thập kỷ qua ASEAN đã phát triển mạng lưới thể chế khu vực của mình, có ARF, ADMM, ADMM+, Cấp cao Đông Á, Cấp cao Đông Á mở rộng, trước đó có cả ASEAN+3. Tất cả những thể chế này kết lại thành một hạt nhân cho việc xây dựng cấu trúc khu vực.

Thông qua những kênh đó, ASEAN và các nước trong và ngoài khu vực đều đã bàn những vấn đề thuộc quan tâm chung của khu vực, kể cả việc hợp tác, xây dựng và kết nối Cộng đồng ASEAN, kể cả những thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hay chuyện Biển Đông, Mekong đều được bàn ở đây.

Ngày nay chúng ta thấy có những biểu hiện của dân túy, bảo hộ mậu dịch hay cạnh tranh nước lớn nhưng trong trao đổi với ASEAN, họ vẫn đều coi trọng ASEAN. Qua các hội nghị từ đầu năm đến nay dù bằng hình thức trực tuyến, mà thể hiện rất rõ qua hai cấp cao tháng 6 và tháng 11, rõ ràng những văn bản đạt được giữa ASEAN với các nước thể hiện được những điểm trọng tâm.

Chẳng hạn Quỹ ứng phó khẩn cấp hay việc phối hợp với nhau để ứng phó đại dịch thì tất cả các nước đều khẳng định sẽ hợp tác với ASEAN mặc dù họ có khó khăn. Hai nữa là họ cũng dành một phần kinh phí, hỗ trợ trang thiết bị cho ASEAN. Ngược lại ASEAN và Việt Nam cũng có những lúc cung cấp khẩu trang, thiết bị cho các nước lớn.

Ngày nay chúng ta thấy có những biểu hiện của dân túy, bảo hộ mậu dịch hay cạnh tranh nước lớn, nhưng trong trao đổi với ASEAN, họ vẫn đều coi trọng ASEAN.

Đại sứ Phạm Quang Vinh

Biển Đông thì rõ ràng không phải chỉ là giữa các bên tranh chấp. Biển Đông là hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải không phải độc quyền của mình, đó là lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Cho nên đây là khu vực địa chiến lược, địa kinh tế, thông thương tự do hàng hải và ai cũng muốn các tấm gương về tự do hàng hải, về thương mại, về đi lại phải được bảo đảm. Với nước nào cũng là lợi ích, cũng phải chung tay vào làm.

Thứ hai nữa là trong khu vực này tồn tại những chồng lấn và tranh chấp về đòi hỏi chủ quyền giữa các bên liên quan thì phải giải quyết với nhau. Đã có nguyên tắc, giải quyết với nhau thì phải bằng biện pháp hòa bình, bằng tham vấn, đối thoại phải dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển. Nhưng nếu vì tranh chấp về yêu sách chủ quyền mà các bên có những hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông thì rõ ràng đó là lợi ích chung, cả khu vực và bên ngoài phải có tiếng nói về hành vi này. Cuối cùng, khía cạnh thứ ba là khía cạnh xây dựng lòng tin, ai cũng phải thúc đẩy đối thoại hợp tác để tăng cường hiểu biết và tăng cường hợp tác, trong đó có câu chuyện làm sao kiềm chế không làm phức tạp tình hình. DOC và COC cũng nhằm quản trị những chuyện đó.