Dân Việt

Nhiều mô hình phát triển BHXH tự nguyện cần được nhân rộng

Quỳnh Anh 18/11/2020 13:00 GMT+7
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người tham gia BHXH bắt buộc giảm. Tuy nhiên, BHXH tự nguyện lại có nhiều điểm sáng. Điều này nhờ sự "nở rộ" các mô hình truyền thông về BHXH tự nguyện, BHYT tại nhiều địa phương.

Thời gian qua, tại nhiều xã, phường, các mô hình tuyên truyền, tạo quỹ nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã được phát triển. Đây là những mô hình thiết thực, tuyên truyền hiệu quả giúp người dân hiểu về chính sách, tự nguyện tham gia BHXH. 

"Gắn chặt" với các đoàn thể

Tại BHXH tỉnh Hậu Giang, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã chú trọng làm tốt công tác phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn. BHXH tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT giai đoạn 2018-2020. 

Đồng thời, phối hợp với MTTQ Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân và Tỉnh đoàn) tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 

Nhiều mô hình phát triển BHXH tự nguyện cần được nhân rộng - Ảnh 1.

Một buổi tuyên truyền hội viên hội phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện tại xã Long Trì (Châu Thành, Hậu Giang)

Bà Hoàng Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Phụ nữ Hậu Giang tích cực tham gia BHYT hộ gia đình và BHXH tự nguyện”. Mục tiêu là đến cuối tháng 10/2020, mỗi xã có trên 90% người tham gia BHYT hộ gia đình và có ít nhất 50 người tham gia BHXH tự nguyện. 

Song song đó xây dựng mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ tiết kiệm tham gia bảo BHYT, BHXH” tại 8 huyện, thị, thành. Mô hình đã nhận được sự ủng hộ tích cực, nhiệt tình của hội viên hội phụ nữ. 

Tại huyện Châu Thành A (Hậu Giang), mô hình "Tổ công tác truyền thông 7 người đã giúp công tác tuyên truyền, giải đáp chính sách gắn với thực tế đời sống tại địa phương, qua đó hoá giải được nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách. Đặc biệt, đích thân Bí thư Huyện ủy cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy còn phân chia địa bàn để xuống trực tiếp nhà dân vận động họ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Huy động uy tín, năng lực của cán bộ về hưu

Từ tháng 9/2020, BHXH tỉnh Phú Thọ mở ra hướng đi mới trong công tác vận động phát triển đối tượng với việc mở rộng nhân viên đại lý tới cán bộ hưu trí ngành BHXH trên địa bàn tỉnh, kết quả bước đầu rất đáng khích lệ.

Cán bộ hưu trí trong ngành BHXH với thuận lợi là không phải nhiều lần đào tạo, có nhiều uy tín, kinh nghiệm trong công việc, các mối quan hệ công tác sẵn có… lại đánh đúng tâm lý còn nhiều nhiệt huyết được cống hiến cho ngành. 

Do vậy, chỉ trong hơn 2 tuần triển khai với khẩu hiệu "đồng hành đi đôi với hành động - hành động đi đôi với kết quả". Tính từ ngày 8/9, các cán bộ hưu trí đã tích cực đi tuyên truyền vận động phát triển kết quả cụ thể như sau: Ông Lê Quang Dung (Phù Ninh) vận động có 8 người tham gia BHXH tự nguyện; bà Nguyễn Thị Thành (Thanh Ba) vận động 3 người tham gia BHXH tự nguyện (trong đó 1 người đóng 5 năm); bà Cù Thị Nguyệt Tùng (Việt Trì) được 2 người tham gia BHXH tự nguyện, 5 người tham gia BHYT hộ gia đình; đặc biệt bà Cù Thị Thao Giang (Việt Trì) đã vận động được 8 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền hơn 40 triệu đồng (trong đó 3 người đóng liền 5 năm) và 2 thẻ BHYT hộ gia đình…

Vườn rau an sinh

Giữa tháng 10 vừa qua, Hội LHPN xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã phối hợp với BHXH huyện Thạch Hà tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ "Vườn rau an sinh". 

CLB "Vườn rau an sinh" xã Tượng Sơn bước đầu có 20 thành viên, là một hình thức hoạt động xã hội tự nguyện của Hội LHPN, nhằm tập hợp đông đảo các thành viên cùng nguyện vọng, tiết kiệm thu nhập từ sản xuất vườn, rau, củ, quả để tham gia đóng BHXH tự nguyện. 

Nhiều mô hình phát triển BHXH tự nguyện cần được nhân rộng - Ảnh 2.

Chị Trần Thị Thanh - thôn Hà Thanh tham gia BHXH từ đầu năm 2020 và hiện đang thực hiện việc dành ra một khoảnh đất để canh tác các loại rau theo mùa và dùng nguồn thu từ đó để đóng phí BHXH tự nguyện.

Mỗi ngày, từ tiền bán rau quả, các bà, các mẹ chỉ cần dành tối thiểu 5000 đồng để 'bỏ lợn", mua BHXH tự nguyện, tích luy cho tuổi già. CLB cũng là diễn đàn cho hội viên, phụ nữ và các thành viên khác trong gia đình trao đổi, chia sẻ các kiến thức về sản xuất vườn có hiệu quả kinh tế, giúp nhau vay vốn, hỗ trợ liên kết, bao tiêu sản phẩm từ vườn.

Đồng thời, các thành viên của Vườn rau an sinh cũng sẽ trở thành những CTV tích cực tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân trong vùng, đặc biệt là chị em phụ nữ. 

Bà Trần Thị Thu Hà - Thành viên CLB "Vườn rau an sinh" xã Tượng Sơn: Chúng tôi đều đã tham gia đóng BHXH tự nguyện và sau này sẽ có lương hưu, hạn chế làm phiền con cháu. Tham gia CLB sẽ hiểu biết nhiều hơn về các chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Vì vậy, sẽ cùng nhau duy trì, xây dựng CLB ngày một phát triển và trở thành những tuyên truyền viên tích cực vận động người thân, bạn bè tham gia BHXH tự nguyện.

Theo bà Đinh Thị Thùy Linh, Phó Giám đốc BHXH huyện Thạch Hà, việc thành lập CLB của chị em nhằm bán rau quả, tiết kiệm mua BHXH tự nguyện là một cách làm mới, sáng tạo. Mô hình đã cho chị em một cách làm thiết thực, hiệu quả để có kinh phí tham gia BHXH tự nguyện. Đây là mô hình có thể nhân rộng.