Đây là một tác phẩm văn chương nổi tiếng của Czech đã được dịch ra 62 thứ tiếng trên thế giới và trở thành tác phẩm văn chương Czech được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất. Jaroslav Hašek có năng khiếu văn chương sớm, từ năm 17 tuổi đã viết nhiều truyện châm biếm trào phúng cho các báo Czech, nhưng ông phải kiếm sống bằng công việc làm thư ký nhà băng ở Praha. Ít lâu sau ông bỏ việc để tập trung vào viết văn và cho đến trước Thế chiến I ông đã xuất bản một tập thơ và viết 16 tập truyện ngắn trong đó truyện Dobrý voják Švejk a jiné podivné historky ("Anh lính tốt Švejk và những truyện ngắn khác", 1912) là nổi tiếng nhất.
Từ 1904-1907 ông là biên tập viên của nhiều ấn bản theo khuynh hướng vô chính phủ. Trong Thế chiến I Hašek chiến đấu trong quân đội Áo-Hung và bị quân Nga bắt làm tù binh. Khi ở Nga ông tham gia Lữ đoàn Czechslovakia nhưng sau đó đã chuyển sang phe Bolshevik và viết các bài tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản. Khi quay lại Praha, thủ đô của nước Czechslovakia mới thành lập, ông dồn tâm huyết viết bộ truyện Osudy dobrého vojáka Švejka za světové války ( "Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới") trong các năm 1921-11923. Ông dự định bộ truyện gồm sáu tập nhưng chỉ mới viết xong được ba tập thì ông mất. Tập bốn ông viết dở dang về sau được nhà văn Karel Vaněk (1887 – 1933) viết tiếp hoàn chỉnh.
Truyện về anh lính Švejk thể hiện những tình cảm yêu hòa bình, chống quân phiệt trong cuộc Thế chiến I ở châu Âu. Nhân vật Švejk trong truyện vốn là một người buôn chó giả thuần chủng. Anh bị bắt nhập ngũ trong quân đội Áo, nhưng vào lính anh không được ra trận mà phải làm lính hầu cho một viên tuyên úy nát rượu. Tay này thua bạc phải gán nợ Švejk cho một viên trung úy phóng đãng, nhiều tham vọng. Ngây thơ, chân thật, học thức kém cỏi, nhưng trung thực một cách bản năng, Švejk vĩnh viễn xung đột với bộ máy quan liêu quân sự hách dịch, phi nhân đạo. Sự ngây thơ của anh lính tương phản với bản chất đồng lõa, tự cho mình là quan trọng của các sĩ quan cấp trên và đó là phương tiện để Hašek chế nhạo giới quyền uy, nhất là trong quân đội, và phản đối chiến tranh.
VẬN MỆNH NGƯỜI LÍNH TỐT ŠVEJK TRONG ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI
Tác giả: Jaroslav Hašek
Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2020
Số trang: 630
Số lượng: 2000
Giá bán: 299.000
Švejk trả lời câu hỏi anh đang nghĩ gì của một vị bác sĩ quân đội: "Báo cáo, tôi không nghĩ, bởi vì người lính trong quân đội bị cấm nghĩ" (tr. 131).
Švejk kể mánh khóe bán chó già thành chó non: "Và trước khi đem đi bán thì đổ rượu mận vào mõm nó để nó hơi say, thế là lập tức nó nhanh nhẹn lên, vui vẻ hơn, sung sướng sủa và làm bạn với bất kỳ ai, giống như ủy viên ủy ban nhân dân đang say rượu vậy" (tr. 267).
Švejk nhìn con chó mình bắt trộm về cho viên trung úy mà ngẫm nghĩ một cách triết lý: "Suy cho cùng thì người lính cũng là kẻ bị bắt trộm đi từ gia đình của mình" (tr. 300).
Švejk đứng ngây ra khi viên sĩ quan hỏi anh giấy tờ: "Trong khoảnh khắc ấy, trông Švejk như người từ trên trời, từ một hành tinh nào đó rơi xuống và bây giờ thì bằng con mắt ngạc nhiên ngây thơ, anh nhìn vào thế giới mới, nơi người ta yêu cầu cái điều ngu ngốc chưa từng biết đối với anh, đó là mấy thứ giấy tờ" (tr. 348-349).
Trong cuốn tiểu thuyết bợm nghịch (picaresque) này về người lính Švejk trong chiến tranh thế giới thứ nhất, nhân vật chính đã bị các quan chức chính thống của Áo coi là đồ ngốc mặc dù trớ trêu thay, anh ta lại tuyên bố trung thành với Đế chế Habsburg. Người lính đáng yêu làm rối tung các mệnh lệnh bằng cách hiểu chúng theo nghĩa đen. Cuốn tiểu thuyết đồ sộ nói về hoàn cảnh khốn khổ của một con người bình thường trong buổi bình minh của thời đại mới, và nó cũng bao gồm các chủ đề chống chủ nghĩa giáo sĩ và chống chủ nghĩa quân phiệt. Kiệt tác này được đánh giá cao vì những giai thoại, thông tục, tiếng Séc phương ngữ Praha, châm biếm, kỳ cục, chế nhạo, mỉa mai, châm biếm, cắt dán và phân mảnh cũng như sự chồng ghép cái lịch sử và cái tầm thường. Hašek sử dụng vũ khí hài hước đen để khắc họa bi kịch, đặc biệt là cái chết và sự hủy diệt do chiến tranh thế giới thứ nhất gây ra. Sự hài hước làm nổi bật sự phi lý của các sự kiện. Tác phẩm là sự cắt dán (collage) của nhiều phong cách - văn xuôi báo chí, độc thoại tạo nên những câu chuyện giai thoại, truyện cười tếu (slapstick), các khổ thơ từ các bài hát dân tộc và quân đội, thư từ cá nhân, các thông báo chính thức và các bài báo làm nhại cũng như các câu nói thông tục bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Nhân vật anh lính Švejk mang nhiều nét tự truyện của tác giả. Nhưng đó là một nhân vật tiểu thuyết lớn do Hašek tạo ra. Švejk có dáng dấp hình bóng cha con Gargantua and Pantagruel trong tác phẩm của văn hào Pháp François Rabelais (1483 – 1553), hình bóng Sancho Panza đi bên Don Kihote trong tác phẩm của văn hào Tây Ban Nha Miguel de Cervantes (1547 – 1616). Švejk cũng gần gũi với các nhân vật anh Khờ, anh Ngốc trong các truyện kể dân gian của nhiều dân tộc trên thế giới. Bạn đọc cuốn tiểu thuyết này trong tiếng Việt sẽ có thể liên hệ liên tưởng đến các vai hề chèo tưởng là ngốc nghếch nhưng châm chọc sâu cay các bậc bề trên của mình. Bạn cũng có thể so sánh Švejk với Xuân Tóc Đỏ, một sáng tạo lớn của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939), ở bước đường đời của hai nhân vật.
Thành công của văn hào Hašek khi sáng tác bộ tiểu thuyết này là đã chọn được nhân vật và cách viết. Một nhân vật tưởng dại mà khôn, khôn mà như dại, tưởng ngu ngơ mà sâu sắc, sâu sắc một cách ngu ngơ đã gây ra rất nhiều tiếng cười vui nhộn, sâu cay cho người đọc. Sự hài hước trong bộ tiểu thuyết này không phải là một thứ gia vị như người ta hay nói, mà đó là "cái nhìn cơ bản nhất định về thế giới" theo lời Karel Čapek (1890 – 1938), một nhà văn lớn cùng thời Jaroslav Hašek. Čapek đánh giá Hašek "là người nhìn nhận được thế giới, trong khi nhiều người khác chỉ viết về nó". Từ tên nhân vật này của nhà văn dân Czech đã nghĩ ra một động từ với nghĩa là "cư xử, ứng xử kiểu Švejk", tức là không trực tiếp đương đầu với hiểm nguy, tránh đụng độ với các ông lớn, nhưng hóa giải nó bằng tiếng cười, sự châm chọc, mỉa mai.
Nhưng cái từ đó được nghĩ ra về sau này, khi bộ tiểu thuyết của Hašek đã nổi tiếng thế giới. Tuy vậy mà Hašek không phải bao giờ cũng được kính trọng ở nước mình vì nhiều người Czech vẫn coi ông là kẻ báng bổ dân tộc, nói xấu đất nước. Từ lúc ông mất cho đến khi Đức chiếm đóng Czech (1939) ông bị coi là một kẻ Bohemien ngỗ ngược. Dưới thời phát xít các sách của ông bị đốt. Từ 1945 đến 1948, trong thời nền Cộng hòa dân chủ Czech đệ nhị, các sách của ông chỉ được tiếp nhận một cách giới hạn, dè dặt. Chỉ sau 1948 khi nước Czechslovakia (Tiệp Khắc) xã hội chủ nghĩa được thành lập và cho đến nay các tác phẩm của Hašek mới được xếp hàng đầu trong văn học Czech. Milan Kundera, một nhà văn lớn hiện nay của Czech sống tại Pháp, cho rằng tiểu thuyết "Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới" có thể là "cuốn tiểu thuyết dân gian lớn cuối cùng".
Người đưa anh lính tốt Švejk về Việt Nam là dịch giả Bình Slavická. Chị là tiến sĩ ngành Khoa học Lịch sử và Dân tộc học, hiện sống tại Cộng hòa Czech và giảng dạy ngành Việt Nam học ở Khoa châu Á học (Đại học Charles). Bình Slavická đã có dịch một số tác phẩm văn chương Czech sang tiếng Việt in ở trong nước. Nhưng với bộ tiểu thuyết về anh lính Švejk của Jaroslav Hašek chị đã tạo nên một công trình dịch thuật xứng đáng. Bởi đây là một tác phẩm rất khó dịch do tác giả mô tả cặn kẽ, chi tiết các phong tục đời sống, các sinh hoạt quân sự và lính tráng, sử dụng nhiều cách nói, nhất là những cách nói bỗ bã tục tĩu, vì ông coi cuốn sách của mình là "bức tranh lịch sử của một giai đoạn nhất định".
Trong lời bạt cuối tập I Hašek đã nói rõ quan điểm của mình như sau: "Nếu như cần phải dùng một lối diễn đạt mạnh mẽ nào đó mà nó thực sự đã được dùng, thì tôi sẽ không hề xấu hổ truyền đạt lại đúng như việc đã xảy ra. Tôi coi việc viết cho đẹp hơn, hay đánh dấu lửng, là cái giả dối ngu xuẩn nhất. Những lối diễn đạt như vậy cũng thường được sử dụng cả ở quốc hội." (tr. 319). Ông còn tạo ra những từ mới không có trong từ điển và sử dụng nhiều thứ tiếng vì Hašek biết thạo ít nhất bốn thứ tiếng Czech, Đức, Hungary, Slovakia, nói tốt mấy thứ tiếng dân tộc như Zigan, Tarta, ngoài ra còn biết tiếng Nga, tiếng Pháp, một ít tiếng Trung, tiếng Hàn.
Do vậy đưa anh lính Švejk từ văn bản tiếng Czech vào tiếng Việt quả là một thách thức to lớn cho người dịch. Nhưng bản dịch của Bình Slavická có thể nói cơ bản đã thành công vì đọc nó ta gặp được một anh lính Švejk đúng như lâu nay vẫn nghe nói, vẫn được đọc trong các tài liệu phân tích, nghiên cứu. Trong tiếng Việt anh lính Švejk hiện ra vẫn ngây ngô, láu lỉnh, khờ khạo, thông thái, vẫn gây cười và chọc tức, vẫn khiến người Việt thích thú như bao người đọc ở Czech và ở nhiều nước khác. Đó phải nói là công phu lao động dịch thuật của dịch giả, nhất là khả năng xử lý tiếng Việt của chị tuy xa nước đã lâu. Cuốn sách lần này mới in tập I-II của bộ tiểu thuyết với chữ nhỏ khổ rộng mà đã dày hơn sáu trăm trang đủ cho thấy công lao của dịch giả đối với bạn đọc và văn chương nước nhà.
Truyện còn sinh động và thú vị thêm nhờ những bức vẽ hoạt họa dí dỏm các nhân vật của họa sĩ Josef Lada (1887 – 1957). Ông viết: "Tôi tin là tôi đã vẽ minh họa các nhân vật chính của tiểu thuyết theo đúng ý tưởng của Hašek khi anh viết sách… và tôi tin rằng anh sẽ hài lòng với minh họa của tôi. Bằng các minh họa ấy, tôi muốn góp phần cho cuốn tiểu thuyết hài hước mà ngày nay đã trở thành nổi tiếng thế giới của anh" (tr. 630).
Chắc chắn bạn đọc Việt Nam cũng sẽ vui thích gặp gỡ anh lính Švejk trong cuốn truyện hấp dẫn của Hašek qua những nét vẽ có thần của Lada và bản dịch có hồn của Bình Slavická. Sắp tới bản dịch tập III-IV của chị sẽ tiếp tục ra mắt ở Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam. Và độc giả Việt Nam sẽ được vui trọn cùng anh lính Švejk từ Thế chiến I đến nay đã hơn trăm năm vẫn còn chọc cười chọc nghĩ cho mọi người.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Hà Nội 19/11/2020